Nhà thơ Tú Mỡ “ghét Tết”

Văn Toàn| 10/02/2021 01:00

Nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976), tên thật là Hồ Trọng Hiếu, là người có chí hướng nối nghiệp nhà thơ Tú Xương chuyên đả kích bọn xâm lược và thói hư tật xấu trong dân gian. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Đánh giá về nhà thơ Tú Mỡ, nhà văn Nguyễn Công Hoan nhận xét nhà thơ Tú Mỡ là người “có gì khó chịu trước sự đời thì đã có nụ cười hóa giải giúp”.

tu-mo2-5874-1612250469.jpg

Nhà thơ Tú Mỡ có bài thơ Ghét Tết làm theo thể thơ yết hậu - nghĩa nôm na là “cụt ở sau”. Hán Việt Tự điển của Đào Duy Anh định nghĩa: “Yết hậu thi là thể thơ tuyệt cú khôi hài, câu sau chót chỉ có một hai chữ”. Như thế, thơ yết hậu là thể thơ 4 câu, mỗi câu 5 chữ (ngũ ngôn) hoặc 7 chữ (thất ngôn). Riêng câu thứ tư chỉ rút gọn một hoặc hai chữ nhưng phải hàm súc. Thông thường, thơ yết hậu thiên về vui nhộn, đùa tếu, trào phúng một cách thông minh, hóm hỉnh.

Bài thơ Ghét Tết của nhà thơ Tú Mỡ như sau:

Thiên hạ sao ưa Tết

Hẳn vì mặc áo đẹp

Tớ đây bảo Tết phiền

Ghét!

Tiêu pha thực tốn tiền

Chè chén cứ liên miên

Hết Tết đâm lo nợ

Điên!

Mồng một đi mừng tuổi

Chúc nhau nghe inh ỏi

Toàn câu sáo rác tai

Thối!

Mừng tuổi đèo phong bao

Năm xu lại một hào

Ai sinh cái lệ đó?

Hao!

Kiết xác như vờ rồi

Còn ngông đốt pháo mãi

Pháo kêu: Tiền hỡi tiền

Dại!

Đọc bài thơ Ghét Tết, nhận ra nhà thơ ghét Tết là do Tết “phiền”. Phiền là do Tết phải “tiêu pha thực tốn tiền”, “chè chén cứ liên miên”, phải nghe những câu chúc sáo rỗng, mừng tuổi phải lì xì và phải tốn tiền mua pháo về đốt. 

Ghét Tết nằm trong tập thơ Giòng nước ngược được nhà thơ Tú Mỡ xuất bản trước Cách Mạng Tháng Tám 1945. Bởi vậy, bài thơ trào phúng này như một lời nhắc nhở những ai là con dân nước Việt không được quên nỗi nhục mất nước mà vui vẻ đón Tết.

Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cổ vũ việc đón Tết theo hướng tiết kiệm. Ngày 18/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài Mừng Tết Nguyên đán như thế nào? (Báo Nhân Dân số 2132) nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm. Người viết: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”. Và Người kêu gọi: “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian. Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.

Nếu Tú Mỡ còn sống đến hôm nay, chắc nhà thơ sẽ mừng vì có thêm một điều “phiền” đã bị bỏ. Đó là việc đốt pháo ngày Tết. 

Lúc trước, do bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, cứ Tết Nguyên đán đến là khắp mọi miền ở nước ta nhà nhà đều đốt pháo nổ. Từ ngày 1/1/1995, Nhà nước cấm đốt pháo nổ. Xét về góc độ văn hóa, việc đốt pháo nổ vào những ngày đầu năm mới không phải là nét văn hóa của người Việt. Việc đốt pháo nổ để xua con “niên” như bên Tàu không phù hợp với Việt Nam vì nước ta không hiện tồn truyền thuyết nào về con vật tưởng tượng này. Bởi vậy, là người Việt thì không nên đốt pháo nổ vào ngày Tết. Bên cạnh đó, hành vi đốt pháo nổ vừa lãng phí tiền của và cũng rất dễ xảy ra rủi ro về tính mạng và sức khỏe, rất dễ xảy ra hỏa hoạn.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021. Nghị định mới quy định người dân có năng lực hành vi dân sự sẽ được phép bắn pháo hoa trong các ngày lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi. Theo định nghĩa của Nghị định 137, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Như vậy, dân ta đã bước đầu bỏ những nét văn hóa không phải của người Việt trong Tết Nguyên đán. Hiện nay, ở nước ta đã bắt đầu xuất hiện quan điểm nên giữ hay bỏ Tết Nguyên đán. Nếu không bỏ thì nghỉ Tết mấy ngày là vừa. Và đón Tết ra sao để vừa vui vừa tiết kiệm và an toàn. Có lẽ sau khi đọc bài thơ Ghét Tết của nhà thơ Tú Mỡ, mỗi người sẽ tự tìm câu trả lời cho những vấn đề trên. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà thơ Tú Mỡ “ghét Tết”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO