Là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu hút một lượng lớn các dự án và dòng vốn đầu tư. Cùng với đó, khu vực kinh tế này cũng thu hút một lượng lớn lao động tại chỗ và lao động nhập cư đến từ khắp nơi trên cả nước. Nhà ở và an sinh xã hội cho công nhân lao động luôn là vấn đề được quan tâm.
Theo quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) là vùng kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó các ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch... tăng trưởng cao. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Hiện nay, phần lớn công nhân lao động trong các KCX - KCN của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là người ngoại tỉnh. Tuy nhiên, nhà ở cho công nhân lao động tại khu vực này mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Phần lớn công nhân lao động phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống thấp, tác động xấu đến năng suất lao động. Đây là bức tranh chung của công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), dự kiến đến năm 2020, có khoảng 1,7 triệu công nhân tại các KCN có nhu cầu về chỗ ở, trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc tại các KCN, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TP.HCM (63%), Đồng Nai (60%)…
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, đối với nhà ở công nhân hiện nay đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Song con số này mới chỉ đáp ứng khoảng 28% so với nhu cầu.
TP.HCM hiện có khoảng 187.000 doanh nghiệp, trong đó có 1.100 doanh nghiệp với 377.000 công nhân lao động đang làm việc tại 17 KCX - KCN, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, Thành phố mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân.
Tương tự, tỉnh Long An có 16 KCN, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động với hơn 10.000 doanh nghiệp và khoảng 300.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được 2-3% nhu cầu. Do vậy, rất cần nguồn lực từ xã hội hóa.
Giải quyết vấn đề này, các tỉnh phía Nam đã tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Vấn đề khó khăn hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc thủ tục, lợi nhuận bị khống chế, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội…
Nhưng “khó khăn lớn nhất là sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc nhưng ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, ngân sách Nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội”, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết.