Bất động sản thời Covid-19: Doanh nghiệp vẫn còn cơ hội

Minh Quân| 13/05/2020 00:35

Trước tác động kép của đại dịch toàn cầu và những nút thắt pháp lý trên thị trường bất động sản (BĐS), nhiều doanh nghiệp (DN) đang khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, nhưng cũng có một số DN có tiềm lực đang tận dụng cơ hội để cải thiện tình hình kinh doanh.

Bất động sản thời Covid-19: Doanh nghiệp vẫn còn cơ hội

Các phân khúc đều im ắng

Tác động tiêu cực của đại dịch lên mọi ngành nghề càng sâu rộng hơn và BĐS - lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn cũng bị chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ, cả về thị trường kinh doanh cũng như nguồn vốn, đặc biệt ở các phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại (TTTM), mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê. Bên cạnh đó, mặc dù nhu cầu BĐS nhà ở của người dân thành thị rất cao, cung chưa đáp ứng cầu nhưng thị trường này đang chững lại do khả năng tài chính của người mua bị thu hẹp.

Cụ thể, khi phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê, TTTM... nguồn vốn đầu tư chủ yếu lấy từ ngân hàng. Và nay, dưới tác động của đại dịch phải đóng cửa, mặt bằng bị trả hoặc không thuê mới, nhiều chủ đầu tư gần mất khả năng chi trả nợ gốc, lãi vay. Đối với các dự án nhà ở cũng gặp tình trạng tương tự.

TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định: “Thông thường, trong các dự án nhà ở thương mại, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10-20%, còn lại chủ đầu tư sẽ vay ngân hàng và thu trước từ người mua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện nay ở các dự án cực kỳ khó, trong khi đó, việc huy động vốn từ khách hàng giữa bối cảnh thất nghiệp, tiền lương và thu nhập giảm cũng là bài toán nan giải. Trong phân khúc BĐS thương mại với vòng quay vốn mất từ 10-15 năm, các DN đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ gặp phải những tác động gần như ngay lập tức, buộc họ phải tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng, hoặc bán bớt tài sản trong dự án để có thể duy trì được hoạt động kinh doanh của mình”.

BDS-2-6980-1589270827.jpg

DN có năng lực nắm bắt cơ hội

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và hơn 50 ngành nghề liên quan như xây dựng, vật liệu, lao động, tài chính... Đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư vì triển khai các dự án cần đến nguồn vốn rất lớn. Nhưng đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và DN có khả năng tài chính tốt, có kinh nghiệm, lại là cơ hội rất lớn. Gần đây, thị trường chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án đang gặp khó khăn. TS. Khương cũng chia sẻ: “Từ năm 2019 đến nay đã có một số dự án tập trung tại thị trường Hà Nội và TP.HCM đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị hơn 500 triệu USD. Dự kiến quý III-IV, sẽ có một số giao dịch diễn ra nếu thuận buồm xuôi gió. Nhóm các nhà đầu tư ngoại tích cực nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và một số nước châu  Âu”.

Đánh giá tổng quát, thị trường BĐS Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế và thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước do quy mô dân ở Việt Nam xấp xỉ 100 triệu dân, độ tuổi từ 25-40 tuổi chiếm tỷ lệ 55%, nhu cầu nhà ở và sức mua sắm rất lớn, tốc độ tăng trưởng GDP ổn định 6,5-6,8%, nền chính trị ổn định, hạ tầng giao thông đang dần phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ... chính là điều kiện rất tốt để nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư ở Việt Nam.

TS. Khương cho rằng: “Nút thắt lớn nhất của các DN địa ốc trong những năm gần đây là vấn đề về pháp lý, với những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây, sẽ là một công cụ hỗ trợ, một đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các DN đang gặp khó trong lĩnh vực BĐS, mà còn cho cả nền kinh tế. Mặc dù tác động của Covid-19 được dự báo kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển trong giai đoạn 2021-2022”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất động sản thời Covid-19: Doanh nghiệp vẫn còn cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO