Cơ hội vàng, vận hội mới
Với lợi thế 64% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động lại thấp hơn Trung Quốc, Việt Nam đang được nhiều quốc gia nhắm tới trong chiến lược chuyển dịch đầu tư. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam càng tạo được uy tín với quốc tế khi kiểm soát dịch bệnh tốt, niềm tin của người dân với Chính phủ, tính linh hoạt và khả năng thích nghi nhanh chóng của Việt Nam. Đây chính là vận hội mới mà Việt Nam không thể bỏ lỡ để đón sự chuyển dịch đầu tư mới.
Thông tin tại hội thảo "Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp (DN) thời khủng hoảng" do TheLEADER tổ chức cho biết, vừa qua Ngoại trưởng Mỹ cũng đã tuyên bố chọn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam là các nền kinh tế thay thế cho Trung Quốc trong việc cung ứng hàng hóa. Trong một khảo sát công bố hồi tháng 2 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, có 122 DN cho biết sẽ di chuyển địa điểm sản xuất. Trong đó, 62,7% nguồn di chuyển là từ Trung Quốc, còn nơi chuyển đến được chọn hàng đầu là Việt Nam, tiếp theo là Thái Lan, Philippines, Indonesia...
Các vùng đất mới như Vân Đồn - Bắc Vân Phong đang thu hút đầu tư |
Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều nước trong khu vực cũng đang chạy đua trong việc thu hút vốn đầu tư FDI và có nhiều chính sách ưu đãi lớn. Đơn cử, Chính phủ Ấn Độ vừa tiếp cận hơn 1.000 công ty của Mỹ và đưa ra các ưu đãi về thay đổi Luật Lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử. Thái Lan cũng có gói kích thích rất lớn với hàng loạt chính sách thu hút đầu tư mới về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh. Ngay cả Campuchia cũng nhận thức được điều này và cũng vừa có Luật Đầu tư nước ngoài mới. Malaysia cũng đã đưa ra một chương trình hỗ trợ đầu tư quy mô khoảng 240 triệu USD hỗ trợ thuế, tài chính cho các DN nước ngoài chọn nước này là điểm đến...
Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, có nhiều nhóm nhà đầu tư đang tìm những quỹ đất từ 500, 700 đến 1.000ha để đầu tư khu công nghiệp (KCN). Một số nhà sản xuất lại muốn đầu tư tăng diện tích nhà máy nên thị trường BĐS công nghiệp tại TP.HCM, Hà Nội, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)... là những vị trí thuận lợi để thu hút nguồn vốn FDI.
Tuy nhiên, những mắc xích quan trọng mà nhà đầu tư quan tâm để tiết gỉam chi phí là giao thông nội ô, vị trí, kho bãi, hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt từ các KCN đến các cảng biển... thì Việt Nam vẫn còn chưa thuận lợi. Ví dụ, Việt Nam có các hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải dài khoảng 11km. Như vậy chúng ta có rất nhiều hệ thống cảng nước sâu rất tốt, nhưng từ cảng nước sâu này đến các KCN Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng là câu chuyện phải bàn và kế đến là về logistics.
Cần nhiều quỹ đất mới
Với tỷ lệ nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng cao, nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu, quỹ đất khan hiếm là nguyên nhân khiến giá thuê tại Hà Nội và TP.HCM gia tăng từ đầu năm 2020. Theo CBRE, tại Đồng Nai và TP.HCM, giá thuê kho xưởng xấp xỉ 5 USD/m2/tháng. Mức giá này ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An dao động trong khoảng 3,7-4 USD/m2/tháng. Cùng với đó, giá thuê đất công nghiệp cũng tăng cao. Mức giá thuê tại TP.HCM tiệm cận mốc 160 USD/m2/chu kỳ thuê; từ 80-120 USD/m2/chu kỳ thuê ở các địa phương khác.
Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, bà Dương Thùy Dung cho rằng, trong bối cảnh khan hiếm quỹ đất cho các dự án BĐS công nghiệp, KCN, các nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Theo đó, họ phải chuyển hướng tìm kiếm các vùng đất mới. Các nguồn cung đất công ngiệp sẽ dịch chuyển về các tỉnh, thành phố công nghiệp cấp 2 nhờ mức giá thuê cạnh tranh và tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Tuy nhiên, những khu vùng đất mới có kết nối tốt với cảng biển sẽ có tỷ lệ lấp đầy nhanh chóng.
Bà Nguyễn Nhất Ly - Phó chủ tịch Lean Group cũng nhận định, đa số DN đều có xu hướng chọn đầu tư ở những địa điểm có khả năng xây dựng kết cấu hạ tầng thuận lợi và có thể hình thành cụm công nghiệp, nhất là vấn đề logistics, vận chuyển phù hợp cả đầu vào và ra của sản phẩm. Đặc biệt, những vùng đất mới chưa được khai thác, có nhiều yếu tố tự nhiên, chưa bị tác động bởi con người, có nhiều tiềm năng, giao thông thuận lợi, quỹ đất còn khá rộng như Vân Đồn (Quảng Ninh) ở phía Bắc và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) ở phía Nam... là những quỹ đất đang được giới đầu tư trong nước và FDI đặc biệt chú ý.
Cũng theo bà Ly, từ sau đại dịch, xu hướng đầu tư lướt sóng các dự án BĐS căn hộ, nhà ở không còn hấp dẫn, thay vào đó, các nhà đầu tư quay sang tìm kiếm các dự án đầu tư BĐS dài hạn như đầu tư kho bãi, khu công nghiệp, BĐS phục vụ cho ngành y tế, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất, công nghệ... Đây cũng là lĩnh vực các DN FDI cũng đang quan tâm khiến quỹ đất cho nhu cầu này đang bắt đầu rục rịch nóng.
Lãnh đạo Công ty CP Giao nhận Vĩnh Tường - bà Nguyễn Thị Ngọc Loan cho biết: "Nhu cầu thuê kho tại khu vực gần các KCN đang tăng nhanh. Đơn cử, quanh KCN Hiệp Phước đang có nhiều DN đăng ký thuê nhưng công suất 4 nhà kho của công ty đã hết chỗ. Hiện công ty đang có kế hoạch mở rộng thêm khoảng 5-6 nhà kho mới nhưng giá đất quanh khu vực Hiệp Phước đang tăng cao. Cách đây một năm, công ty mua chỉ 2,3 triệu/m2, mặt tiền giá 6 triệu/m2 nhưng sau một năm đã tăng lên 12 triệu/m2 và thời điểm hiện tại giá bán đang được chào tới 20 triệu/m2.
Tìm đất đầu tư dự án Trung tâm hỗ trợ phục hồi kháng ung thư, ông Nguyễn Hồng Phúc - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Nguyễn cũng cho biết, việc chọn vị trí đầu tư ở các vùng đất mới cũng rất khó khăn vì hiện nay các quỹ đất mới không nhiều, mà nếu có thì giá đất cũng rất cao. Ví dụ, với đặc thù là một dự án phục hồi sức khỏe có quy mô lớn, ngoài các yếu tố cơ bản như xa trung tâm, quỹ đất rộng, cơ sở hạ tầng tốt và dễ giải tỏa, vấn đề cảnh quan thiên nhiên, môi trường không khí, thậm chí là năng lượng, thổ khí và phong thủy cũng là vấn đề không dễ tìm. Thế nhưng, khi tìm được thì giá đất lại khó chấp nhận để đầu tư. Vì vậy, ngay cả các vùng đất mới, muốn thu hút đầu tư thì giá đất phải hợp lý.
Được xem là vị trí nhiều lợi thế, mới đây tỉnh Long An cũng nhanh chóng khởi công KCN Việt Phát với diện tích lên đến 1.800ha. Theo đại diện tỉnh Long An: "Trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, lãnh đạo tỉnh Long An đã chủ động nhiều phương án để thu hút vốn FDI chất lượng cao. Đặc biệt, sự đồng hành của Ngân hàng SCB trong việc tài trợ vốn không chỉ giúp KCN nhanh chóng khởi công đúng thời điểm vàng, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mà SCB còn phối hợp với tỉnh đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào KCN như tạo điều kiện về vốn và các giải pháp tài chính, giúp DN tăng cường đầu tư vào sản xuất và công nghệ, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tìm kiếm thị trường cho DN đầu tư đưa sản phẩm ra thị trường".