Chính sách giữ chân người lao động hiệu quả
Vì tác động của dịch Covid-19 nên trước Tết Nhâm Dần, rất nhiều lao động tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương vừa nghỉ việc, vừa nghỉ phép dài hạn và xin nghỉ Tết sớm để về quê.
Nhiều doanh nghiệp dự báo, lực lượng lao động sau Tết Nhâm Dần sẽ có nhiều biến động, sớm nhất là khoảng tháng 4/2022 mới ổn định. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, ngay sau Tết âm lịch, tỷ lệ người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp quay lại thành phố làm việc đạt 96%, tương đương 1,9 triệu người.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM chia sẻ trong một buổi họp báo: "Năm nay, lực lượng lao động ở TP.HCM khả quan hơn so với những năm trước. Rất nhiều người lao động quay lại làm việc ngay sau Tết chủ yếu là do "chính sách giữ chân" khá tốt của chủ doanh nghiệp".
Nhìn chung, người lao động quay lại làm việc đạt mức cao và tỷ lệ tuyển thêm lao động tăng hơn. So với giai đoạn sau Tết của các năm trước, năm nay Công ty CP Sài Gòn Food tuyển hơn 200 công nhân, tăng khoảng 40%. Dự kiến, trong thời gian tới, công ty này sẽ tuyển thêm 300 công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất và hoàn thành các mục tiêu doanh thu. "Tính đến nay, người lao động trở lại nhà máy khả quan hơn các dự báo trước Tết. Công nhân cũ còn giới thiệu thêm công nhân mới vào làm, hiện công ty đã tuyển hơn 200 công nhân mới. Chúng tôi cần đào tạo gấp tay nghề cho nhóm này để đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đạt mục tiêu doanh thu 2.200 tỷ đồng trong năm 2022", bà Trần Thị Kiều Oanh - Giám đốc Nhân sự Công ty CP Sài Gòn Food chia sẻ.
Kế hoạch tăng năng suất giúp người lao động tăng thu nhập với mức tăng tối thiểu 20% đang được Sài Gòn Food khởi động, hướng đến tăng thu nhập cho người lao động.
Ổn định lao động, đẩy mạnh sản xuất
"Trong những tháng cuối năm 2021, chúng tôi nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác tại Mỹ, Hàn Quốc. Nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được đặt đến quý III năm nay, do đó chúng tôi khuyến khích người lao động trở lại làm việc ngay khi Tết Nguyên đán kết thúc", ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ. "Nếu như các năm trước phải đến giữa tháng 2 âm lịch, người lao động tại Việt Thắng mới trở lại nhà máy đầy đủ, thì năm nay với những triển vọng sản xuất tại doanh nghiệp, từ mùng 7 Tết, đã có hơn 3.000 công nhân trở lại làm việc".
Dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát, các chuyến bay quốc tế được triển khai, giao thương được khôi phục. Vì vậy, các đối tác nước ngoài có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam, gia tăng cơ hội hợp tác, xuất khẩu sản phẩm. Ông Nguyễn Tấn Vũ - Phó tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam bày tỏ: "Chúng tôi rất kỳ vọng vào năm nay do nhu cầu của thị trường đã tăng trở lại. Thời gian qua, số đối tác tìm hiểu và làm việc với chúng tôi tăng gần 400% so với trong các đợt dịch. Doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục vào Việt Nam, kéo theo nhiều công trình sẽ được thi công trong thời gian tới, nhờ vậy, kinh doanh thang máy của công ty cũng có nhiều cơ hội hơn".
Mặc dù có nhiều yếu tố cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, sản xuất, xuất khẩu sẽ tăng, nhu cầu tuyển dụng lao động cao, thị trường lao động sôi nổi, nhưng để đạt được sự phát triển đột phá sau thời gian dài tạm lắng, các doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn. Bà Hạnh bộc bạch: "Với riêng ngành nội thất, giá gỗ nguyên liệu cùng nhiều chi phí khác đang tăng cao. Người lao động vẫn biến động khoảng 5% vì ảnh hưởng của dịch, họ phải nghỉ phép vì người nhà là F0 chẳng hạn. Vì vậy, trong thời gian tới, Lâm Hoàng Phát vừa phải cân đối các khoản chi phí, vừa quản lý, quản trị tốt nhân lực để sao cho việc sản xuất, kinh doanh vẫn tăng trưởng, giá sản phẩm ổn định, phúc lợi cho người lao động luôn được đảm bảo".