Người dân Pakistan bi quan về khả năng chèo lái nền kinh tế của Thủ tướng mới
Quốc hội mới thành lập của Pakistan ngày 3/3 đã bầu ông Shehbaz Sharif làm Thủ tướng lần thứ 2. Ông Sharif đánh bại ứng viên đối lập Omar Ayub – người được cựu Thủ tướng Imran Khan hậu thuẫn.
Dẫu có Thủ tướng mới, người dân Pakistan trên đường phố Karachi và Lahore vẫn bày tỏ lo ngại, về chi phí sinh hoạt và điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi. Nhiều người nói với Reuters rằng, Thủ tướng mới sẽ không cải thiện được tình hình.
Một người đàn ông 30 tuổi ở Karachi bộc bạch: “Ông ấy trở thành Thủ tướng thông qua bầu cử không minh bạch. Tôi không nghĩ Pakistan sẽ cải thiện được tình hình kinh tế xã hội. Mọi thứ có thể sẽ còn tồi tệ hơn và người dân tiếp tục chứng kiến lạm phát cao. Giá điện và gas đã tăng. Phí giao thông vận tải cũng cao ngất ngưởng. Tôi không nghĩ Thủ tướng mới có khả năng giải quyết các thách thức này.”
Cuộc bầu cử và Thủ tướng mới sẽ không thể tạo ra sự khác biệt. Đời sống của người dân đang xấu đi từng ngày. Đây là sự tiếp nối của các vấn đề đã có từ lâu ở Pakistan. Nhiều Chính phủ, nhiều Thủ tướng thời gian qua đều không giải quyết được tình hình. Người dân đang đau đầu và lo ngại về lạm phát và giá cả cao.
Một công nhân 42 tuổi ở Karachi
Trong khi đó ứng viên đối lập mới thua cuộc Omar Ayub chia sẻ với báo chí: “Bài phát biểu của ông Shehbaz Sharif cho thấy 1 thực tế đau lòng rằng, vị chính trị gia này không có cái nhìn toàn cảnh hoặc kế hoạch cụ thể để điều hành đất nước. Tôi đoán bài phát biểu của ông được viết bởi 1 quan chức đã nghỉ hưu nào đó, mà tư duy vẫn nặng nề về khoảng thời gian cách đây 25 năm.”
Chính trị gia đối lập Zartaj Gul thì nói: “Ông Shehbaz Sharif không thể điều hành đất nước này, vì ông ấy không phải được bầu từ người dân Pakistan. Ông ấy đã lấy cắp chiến thắng của đảng PTI. Ông ấy đã lấy cắp phiếu bầu của người dân. Ông ấy không thể đại diện cho người dân Pakistan.”
Được biết cuộc bầu cử diễn ra ngày 8/2, với vô số tranh cãi và bạo động, trong bối cảnh Pakistan vẫn chìm trong khủng hoảng kinh tế. Mặc dù đã có Thủ tướng mới nhưng hiện tại, cáo buộc qua lại lẫn nhau giữa các đảng phái vẫn chưa hạ nhiệt.