Pakistan nên tập trung vào kinh tế - thương mại thay vì quan hệ với các nhóm nổi dậy?
Tháng 1/2024, các cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran, nhằm vào mục tiêu ở Pakistan, đã tạo ra sự chấn động trong khu vực. Bối cảnh bất ổn chính trị, khủng bố trong nước thường xuyên và khủng hoảng kinh tế, đẩy Pakistan như đứng trên vực thẳm. Không chỉ vậy, nước này còn đau đầu về nguy cơ bùng nổ xung đột biên giới với láng giềng. Ví dụ với Iran, Ấn Độ hay Afghanistan.
Theo nhiều chuyên gia, khi quá trình thành lập Chính phủ tiếp theo của Pakistan đang diễn ra, quan trọng là các lãnh đạo chính trị phải lập lại chính sách đối ngoại, để ổn định quan hệ với láng giềng, nhằm tập trung nhiều hơn giải quyết những khó khăn trong nước, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính nghiêm trọng đang diễn ra.
Nguyên nhân cuộc tấn công của Iran, là Pakistan không có khả năng hoặc không sẵn sàng kiềm chế “Jaish al-Adl” - một nhóm đấu tranh cho nền độc lập của khu vực dân tộc Baluch ở Iran.
Mối liên hệ giữa Islamabad với “Jaish al-Adl” bắt nguồn từ bối cảnh chính trị phức tạp sau cách mạng hồi giáo Iran 1979, và cuộc kháng chiến của lực lượng du kích mujahedeen chống lại chế độ do Liên Xô thành lập ở Afghanistan.
Cuối những năm 1980, Iran bắt đầu hỗ trợ một số nhóm chiến binh Shi'ite ở Pakistan, để thể hiện tình đoàn kết sau khi các nhóm Sunni cực đoan bắt đầu tấn công cộng đồng thiểu số Shi'ite ở Pakistan.
Đáp lại, Pakistan hỗ trợ “Jaish al-Adl”. Iran sau đó đáp trả bằng cách thiết lập quan hệ với nhóm chiến binh đấu tranh giành độc lập cho tỉnh Baluchistan của Pakistan. Những năm gần đây, chứng kiến bạo lực gia tăng ở khu vực Baluch ở cả hai bên biên giới.
Khu vực Kashmir cũng bị chia cắt tương tự, trường hợp này là giữa Pakistan và Ấn Độ. Chính sách của Islamabad là giải phóng các khu vực do Ấn Độ kiểm soát, nên từ lâu nước này hỗ trợ ở mức độ nhất định cho các nhóm chiến binh đối địch với Ấn Độ, như “Jaish-e-Mohammad”.
Năm 2019, Ấn Độ và Pakistan không kích qua lại giống như Iran và Pakistan đã làm vào tháng trước. Việc ăn miếng trả miếng bắt đầu sau một vụ đánh bom liều chết ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. New Delhi cho rằng, vụ đánh bom do “Jaish-e-Mohammad” thực hiện.
Trường hợp nước láng giềng Afghanistan, Pakistan từ lâu đã nuôi dưỡng phong trào Taliban theo học thuyết “chiều sâu chiến lược”, vốn là một phần trong kế hoạch dự phòng chiến tranh với Ấn Độ. Khi Taliban lên nắm quyền ở Kabul vào tháng 8/2021, thủ tướng Imran Khan của Pakistan, đã chúc mừng phong trào vì phá bỏ xiềng xích nô lệ.
Tuy nhiên, quan hệ 2 bên thay đổi nhanh chóng. Taliban quay lại cầm quyền ở Afghanistan đi kèm với các cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan, gây ra bởi “Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP)”, một nhóm thường được gọi là “Taliban Pakistan”. Gần 1.000 dân thường và nhân viên an ninh đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom và đấu súng vào năm 2023.
Bạo lực gia tăng dẫn đến căng thẳng biên giới. Islamabad tuyên bố TTP đang hoạt động ở Afghanistan và yêu cầu Taliban trấn áp, trong khi Taliban coi TTP là vấn đề nội bộ của Pakistan.
Islamabad đã gia tăng áp lực lên Chính phủ ở Kabul, bằng cách trục xuất 1,7 triệu người tị nạn Afghanistan không có giấy tờ, mặc dù Taliban không có khả năng tiếp nhận họ.
Trong số 4 quốc gia láng giềng trên bộ của Pakistan, chỉ biên giới với Trung Quốc là không gặp rắc rối. Nhưng một số nhóm chiến binh đã nhắm mục tiêu vào người Trung Quốc ở Pakistan, đặc biệt là tại Baluchistan, ngay cả khi Islamabad nỗ lực cải thiện an ninh để tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác kinh tế.
Tình hình kinh tế của Pakistan hiện nay, không cho phép củng cố thế trận quân sự trên ba mặt trận.
Có tiếng nói cho rằng, đã đến lúc Pakistan phải chuyển sang một trang mới, bằng cách dứt khoát từ bỏ việc thao túng các nhóm chiến binh như một công cụ đối ngoại.
Tiếp xúc song phương, như chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian tới Islamabad vào ngày 29/1, được cho sẽ không đủ, vì giúp xoa dịu căng thẳng tạm thời nhưng không phải là giải pháp lâu dài.
Pakistan nên phát triển một chính sách đối ngoại mới, ưu tiên kinh tế - thương mại, và dứt khoát ngăn chặn các nhóm chiến binh bất hợp pháp. Điều này giúp ổn định quan hệ với láng giềng, và phục hồi nền kinh tế đang trong cơn khủng hoảng.