Trong nước

Chuyên gia Iran: Việt Nam cần tận dụng công nghệ để phát triển đất nước

Nguyễn Phong 09/01/2024 19:00

Sáng ngày 9/1, Trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược”.

Đến dự diễn đàn có lãnh đạo và đại diện từ Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, cùng một số tổ chức tư vấn chính sách khác. Bên cạnh đó, diễn đàn còn có sự hiện diện của đông đảo nhà khoa học, quý thầy cô, quý doanh nghiệp, quý báo đài và các đại biểu quan tâm tới kinh tế Việt Nam trong và ngoài nước.

09012024-hoi-thao-kinh-te-luong-minh-phu-dsc01329.jpg
Toàn cảnh sự kiện - Ảnh: DNSG

Mởi đầu sự kiện, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM đã báo cáo sơ lược tình hình kinh tế vĩ mô năm 2023, cũng như đưa ra một số nhận định năm 2024. Theo ông Trung, mặc dù gặp nhiều thách thức do biến động từ bên ngoài, năm 2023 kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn tăng trưởng hơn 5% là con số đáng khích lệ. Giải ngân đầu tư công cũng là điểm sáng khi tiến gần tới mục tiêu Chính phủ giao.

09012024-hoi-thao-kinh-te-luong-minh-phu-dsc01333.jpg
PGS. TS Nguyễn Đức Trung báo cáo sơ lược tình hình kinh tế vĩ mô năm 2023 - Ảnh: DNSG

Xét về các điểm sáng trên thế giới, theo ông Trung, mô hình của Dubai (UAE) rất đáng để học tập và có thể áp dụng với TP.HCM. Dubai vươn mình mạnh mẽ trong khó khăn, bằng các chính sách tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Mọi công ty trên thế giới đều được hỗ trợ mở văn phòng và kết nối kinh doanh nếu có nhu cầu. Ngoài ra, Dubai cũng tận dụng triệt để vị trí địa lý để phát triển lĩnh vực cảng biển, logistics, và trung chuyển hàng không.

Sau bài phát biểu của TS. Trung, tới phiên thảo luận bàn tròn. Một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách lần lượt chia sẻ ý kiến, như TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; GS. TS. Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh Tế TP.HCM; hay TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban đổi mới Quản lý Doanh nghiệp TP.HCM, Đại biểu Quốc hội.

Phần lớn ý kiến các chuyên gia đều nhận định, mục tiêu tăng trưởng trên 6% năm 2024 là có thể thực hiện được, nếu tình hình thế giới thuận lợi và toàn xã hội quyết tâm. Ví dụ quyết tâm giải ngân đầu tư công, quyết tâm cải cách hành chính, quyết tâm tìm kiếm thị trường xuất khẩu hay quyết tâm đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2024, IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%. Ngân hàng Thế giới dự báo khoảng 5,5%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo khoảng 6%.

Phần tiếp theo của chương trình, là bài chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm GS. Jean Tirole, chủ nhân giải Nobel kinh tế 2014, từ Trường Kinh tế Toulouse (Pháp); GS. Hùng Trung Nguyễn, từ Đại học New Mexico (Hoa Kỳ); GS. Vladik Kreinovich, từ Đại học Texas (Hoa Kỳ) và GS. Marc Hallin, từ Đại học Universite Libre de Bruxelles (Bỉ).

09012024-hoi-thao-kinh-te-luong-minh-phu-dsc01375.jpg
Chuyên gia quốc tế chia sẻ về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại sự kiện - Ảnh: DNSG

Mỗi bài tham luận cung cấp cho người xem một góc nhìn chuyên sâu về khía cạnh nào đó. Ví dụ xây dựng nền kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, chống biến đổi khí hậu hay quản lý kinh tế vĩ mô.

Có mặt tại sự kiện, chuyên gia tài chính Mojtaba Safari người Iran, hiện đang nghiên cứu tại Đại học Chiang Mai (Thái Lan), đã có buổi trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn.

z5054305987981_fe6d38f2074eab41e8aca96e9a612fa1.jpg
Chuyên gia tài chính Mojtaba Safari tại sự kiện - Ảnh: DNSG

Theo ông Safari, để phát triển một cách liên tục và bền vững, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải tận dụng được sự tiến bộ của khoa học. Ông tin rằng, với tính cách nhạy bén, cần cù và không ngại nghiên cứu cái mới của người Việt, thì điều này không khó. Nhiều công nghệ đã phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), mạng viễn thông 6G, công nghệ sinh học hay vật lý lượng tử. Chúng được áp dụng trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp, tạo ra cuộc cách mạng về tính hiệu quả và năng suất. Một công việc mấy năm trước cần 4 người làm, thì giờ đây với sự giúp đỡ của AI, chỉ cần 1 hoặc 2 nhân viên là có thể hoàn thành. Những nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, UAE hay Ấn Độ, đã rất tích cực nắm bắt công nghệ mới. Trong khi đó Đông Nam Á có phần chậm hơn. Thậm chí trong chuỗi cung ứng thiết bị AI, như chip và chất bán dẫn tiên tiến, Đông Nam Á mới ở phần thô. Ví dụ Indonesia chuyên cung cấp khoáng sản và đất hiếm.

Chuyên gia Safari khẳng định, trong thế giới mà công nghệ thay đổi mạnh mẽ như hiện nay, quốc gia nào không thích ứng sẽ bị bỏ lại. Thua trên mặt trận công nghệ, coi như thua toàn bộ cuộc đua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyên gia Iran: Việt Nam cần tận dụng công nghệ để phát triển đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO