Thủ tướng Sonexay Siphandone: Doanh nghiệp Việt góp phần kích thích kinh tế Lào
Sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào góp phần giúp nước này kích thích phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, Thủ tướng Sonexay Siphandone nói.
Sáng 7/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào.
"Sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào đã góp phần giúp chúng tôi kích thích, phát triển kinh tế", Thủ tướng Sonexay Siphandone nói.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam cho biết đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt gần 5,5 tỷ USD. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam cũng luôn nằm trong top 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào.
Hiện các doanh nghiệp Việt đã tạo ra việc làm cho hàng vạn lao động Lào, bổ sung nguồn thu ngân sách cho nước này trung bình 200 triệu USD mỗi năm.
Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết thời gian qua, Chính phủ nước này đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài. Lào cũng xây dựng quy hoạch 12 khu kinh tế, khu công nghiệp, bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với từng giai đoạn.
"Chúng tôi sẽ tìm các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giải quyết những vướng mắc, sớm cấp phép để các dự án trở thành hiện thực", ông nói.
Thủ tướng Lào đồng thời đề nghị các doanh nghiệp Việt tiếp tục tìm hiểu, đầu tư vào các lĩnh vực mà nước này có thế mạnh, như nông nghiệp sạch, chế biến nông sản, khoáng sản, năng lượng sạch.
Chia sẻ với người đồng cấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian tới cần có đột phá. Trong đó, ông nói ưu tiên đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng - Vientiane để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu.
Ông cũng lưu ý đến đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai bên; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Lào có nguồn nguyên liệu dồi dào, trong khi doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chế biến, có thị trường rộng lớn với hàng chục hiệp định thương mại tự do đã ký kết, có thể giúp hàng hóa của Lào tiếp cận các nước.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai bên phối hợp, giải quyết các dự án tồn đọng, vấn đề còn vướng mắc; ưu tiên, thúc đẩy đầu tư. Chính phủ mỗi nước tiếp tục xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi; cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Ông cũng lưu ý, chính sách phải ưu tiên phù hợp cho doanh nghiệp hai nước, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Là doanh nghiệp đầu tư tại Lào, ông Nguyễn Nam Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ami Renewables Quảng Bình, nói môi trường đầu tư kinh doanh tại Lào ngày càng được cải thiện, thông thoáng, các khó khăn đã được giải quyết.
"Ngày càng có nhiều nhà đầu tư điện gió lớn của Việt Nam sang khảo sát, đầu tư dự án tại Lào", ông nói và cho biết những dự án này mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Dù vậy, doanh nghiệp này cũng chia sẻ thêm rằng, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Chính phủ Việt Nam cần xem xét thẩm định, sớm phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 cũng như gia hạn chủ trương này để các nhà đầu tư chuẩn bị tới đây. Ngược lại, Chính phủ Lào cần xem xét và ký kết các hợp đồng câu nhượng các dự án đã hoàn thành thủ tục cần thiết, cũng như các vướng mắc liên quan đến đất đai. Ông cũng nói rằng hai bên cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển thiết bị tạm nhập tái xuất cũng như xuất nhập cảnh cho chuyên gia.
(Nguồn: VnExpress)