“Luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm ra đi là công cụ quan trọng để tôi có được những quyết định lớn trong đời”.
"Có 3 việc nhân loại đều phải trải qua: Sinh ra, sống và chết”. Câu nói ngắn gọn của danh nhân Bruyere khái quát ba ngưỡng cửa cuộc đời, mà dù người nghèo hèn hay giàu có, bậc hiền triết hay kẻ vô danh đều bình đẳng như nhau. Sợ hãi, âu lo, tiếc nuối, dường như là tâm trạng chung của bất kỳ ai khi nói về điều này. Vậy mà có một nơi, người ta lại sống vui vẻ nhờ nghĩ đến cái chết 5 phút mỗi ngày, thậm chí trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Đó là đất nước Phật giáo Butan.
Trong chuyến hành trình đến Bhutan, một vị khách châu Mỹ không giấu được sự thảng thốt khi Karma Ura, một người bản địa, khuyên ông ta nên “nghĩ về cái chết năm phút mỗi ngày” để chữa khỏi mọi căn bệnh và có được đời sống hạnh phúc. “Nghĩ về cái chết, về sự sợ hại bản thân sẽ qua đời trước khi trông thấy lũ trẻ lớn lên, nghĩ về những điều khiến mình lo lắng”, ông Ura diễn giải rõ hơn. Hình ảnh cái chết cũng xuất hiện nhiều nơi tại quốc gia này, nhất là trong các ngôi đền, nơi thờ cúng. Vì sao thói quen “khác người” này lại đem đến niềm vui, hạnh phúc cho người dân nước này?
Cuộc sống ở Bhutan xoay quanh hai nền tảng cơ bản: hòa thuận với thiên nhiên và đời sống thấm nhuần triết lý Phật giáo.
Tài nguyên thiên nhiên trù phú dư sức đem về cho Butan một cuộc sống tiện nghi. Song quốc gia này kiên quyết sống xanh và bảo tồn hệ sinh thái của mình, tập trung vào chỉ số hạnh phúc quốc gia (GNH) hơn là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như hầu hết các nước khác.
Lối sống thanh bình ở đây được ảnh hưởng sâu sắc bởi những triết lý Phật giáo, tôn giáo được hơn 2/3 dân số Bhutan tin theo. Triết lý “vô thường” của tôn giáo này trở nên quen thuộc với nếp sống của người dân, lý giải vì sao con người ở đây không xem cái chết là điềm gở, nỗi buồn hay sự sợ hãi. Nếu nghĩ đến nhiều đến một sự việc, tâm trí ta sẽ quen dần với ý nghĩ đó. Cái chết cũng vậy. Đời người kéo dài 60 năm, 80 năm hay dừng lại ngay ngày mai khi tai nạn, bệnh tật hay bất trắc có thể đến bất kỳ lúc nào, không ai lường trước được. Nhận thức được đời sống hữu hạn như thế, liệu lòng người còn nuôi những oán giận, bon chen để giành về của cải vật chất mà khi chết ta không thể mang theo?
Tài sản, danh vị, chức tước gần như vô nghĩa khi đứng trước ngưỡng cửa của Thần Chết. Gần như đến cuối đời, ta mới nhận thấy tranh quyền đoạt vị chỉ làm ta kiệt sức, còn những giá trị ý nghĩa cuộc đời đã nhiều lần bị lãng quên. “Ta lo làm giàu mà quên tu tâm, dưỡng tinh thần. Càng tiện nghi thì ta càng lao tâm lao lực để được tiện nghi hơn nữa. Thêm vào đó là lòng tham muốn tranh đua để thỏa mãn, khiến cơ thể trở nên mất quân bình, phá hoại cơ quan thần kinh. Khi bệnh nhẹ ta không để ý, đến khi phát nặng thì ta mới hoảng hốt chữa trị rồi coi đó là số mạng thì đã trễ”. Vòng luẩn quẩn này được phân tích trong tác phẩm bán chạy “Hành trình về phương Đông”. Song liệu ta có đủ tỉnh táo để dứt mình ra khỏi vòng xoáy ấy không?
Suy nghĩ về cái chết là một trong những con đường giúp con người quay về với thực tại để ý thức và chịu trách nhiệm với chính mình. Steve Jobs, cố CEO của Apple, là một người như thế. Năm 17 tuổi, câu nói ông vô tình đọc được “Nếu sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ sống đúng” đã làm thay đổi phần đời còn lại của ông. Trong bài diễn văn ở Đại học Stanford, Steve Jobs chia sẻ: “Luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm ra đi là công cụ quan trọng để tôi có được những quyết định lớn trong đời. Gần như mọi thứ: từ hy vọng, sự tự hào, nỗi sợ hãi… sẽ biến mất khi bạn đối mặt với cái chết. Khi đó chẳng có gì ngăn bạn không nghe theo trái tim mách bảo để biết được điều gì thực sự quan trọng với mình”.
Nhà tâm lý học DeWall, Đại học Kentucky, Mỹ cho rằng khi phải đối mặt với mối đe dọa về thể xác hay sợ hãi tinh thần, não bộ con người có phản ứng tâm lý tự động đối kháng. Nghĩa là khi sẵn sàng đối mặt với cái chết, con người sẽ hạnh phúc hơn. Tham gia thử nghiệm tâm lý của hai nhà tâm lý học của trường Kentucky và Florida về “lý thuyết xử lý nỗi sợ hãi”, những người trong cuộc cho biết họ trải qua nhiều cung bậc: sợ hãi, bất chấp, coi thường và dần hạnh phúc khi nói về cái chết. “Tôi sẽ được gặp bà nội mình”, “Tốt thôi, tôi sẽ được an lành bên Chúa”... là những suy nghĩ được nói ra.
Một công trình khoa học công bố năm 2013 còn chứng minh nhận thức nhẹ nhàng về cái chết còn giúp con người suy nghĩ hài hước hơn trong một số tình huống. Ông Dewall cho rằng rất khó để đối đầu với thất bại hay sợ hãi về sự tồn tại của chính mình. Song một tâm hồn khỏe mạnh với hệ thống miễn dịch tốt sẽ giúp ta chống chọi được những suy sụp để trở nên mạnh mẽ hơn, vì ai cũng cần nhìn lại khó khăn đã qua để tiến về tương lai. Tuy vậy, quá khứ hay tương lai không quan trọng bằng thái độ của ta với cuộc sống hiện tại: Có trân quý những gì mình đang có hay không!
Không riêng Bhutan, ngày càng nhiều người mở lòng hơn về cái chết, chiêm nghiệm về nó để sống tốt hơn ngày càng được nhiều người quan tâm, trong đó có cả giới trẻ. Tại Hàn Quốc, nơi cứ mỗi ngày lại có hơn 40 người tự tử vì áp lực sống nặng nề, đã tìm đến các lớp trải nghiệm cái chết do Chính phú tổ chức miễn phí để giảm thiểu nạn khủng hoảng tự sát vào dạng cao nhất thế giới.
Dưới sự bảo trợ của một công ty dịch vụ tang lễ, hàng trăm người tham gia một đám tang tập thể giả lập, được dẫn vào một căn phòng lờ mờ nến và ngập tràn hoa cúc để viết những lời căn dặn dành cho người thân. Sau đó, họ giả chết, bước vào chiếc quan tài gỗ. Một người đàn ông khoác áo choàng đen tượng trưng cho Tử thần đi đóng nắp quan tài để những người tham gia có 10 phút trong bóng tối, chiêm nghiệm về cuộc đời. Người bật khóc vì ngột ngạt, người sợ hãi, kẻ phấn khích… song chắc hẳn 15.000 người được trải nghiệm đám tang của chính mình đều thay đổi ít nhiều khi trở lại cuộc sống thường ngày với một khởi đầu mới. Tại Mỹ, nơi xa lạ với văn hóa Đông Phương và ít luận bàn về cái chết, những hội quán, quán cà phê, câu lạc bộ về cách đối diện với cái chết đang xuất hiện ngày một nhiều hơn.
“Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp. Phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an”. Ca từ quen thuộc của bài hát “Nếu chỉ còn một ngày để sống” vang lên trong đầu người viết. Đặt giả thiết 2017 là năm cuối của cuộc đời, ta sẽ sử dụng 365 ngày sắp tới ra sao?