Mặc dù giá mía thu mua được cho là có sự cải thiện đáng kể, nhưng diện tích trồng mía của nông dân cũng giảm liên tiếp trong những năm gần đây - Ảnh minh họa |
Tuy được “o bế” nhưng chưa tận dụng được cơ hội
Mía đường Việt Nam từng là một trong những ngành nông nghiệp trọng điểm khi tạo ra việc làm cho hàng triệu gia đình, sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành mía đường với thuế nhập khẩu ở mức 5%. Kể từ đó, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tăng mạnh và ngành mía đường lý giải sự sa sút của mình đến từ sự cạnh tranh của đường nhập khẩu và đường nhập lậu.
Không thể phủ nhận những thách thức lớn mà toàn cầu hoá đặt ra cho ngành mía đường, thế nên Chính phủ đã có những chính sách kịp thời nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả các cam kết, phù hợp thông lệ quốc tế, mặt khác cũng bảo vệ lợi ích của ngành mía đường. Chính phủ đã đưa mía đường vào danh sách những sản phẩm được gia hạn thực hiện lâu nhất lên tới 2 năm trong các phiên đàm phán về ATIGA.
Ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Song song đó, các hành động được Bộ Công Thương thực hiện trong thời gian qua đã góp phần ngăn chặn được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành mía đường, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành nhập khẩu mặt hàng đường, góp phần bảo hộ ngành mía đường trong nước.
Vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có báo cáo sản xuất mía đường 6 tháng đầu năm 2022. Trong tháng 6/2022, các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021/2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7.523.728 tấn mía, sản xuất được 741.666 tấn đường. Trong khi mức tiêu thụ dự báo lên đến 2,1 - 2,3 triệu tấn, tức đường trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 40% nhu cầu. Đồng thời mặc dù giá mía thu mua được cho là có sự cải thiện đáng kể, nhưng diện tích trồng mía của nông dân cũng giảm liên tiếp trong những năm gần đây, từ hơn 190.000 ha niên vụ 2018-2019 chỉ còn gần 129.000 ha niên vụ 2020-2021.
Nhìn vào số liệu trên, để công bằng nhận định rằng ngành mía đường vẫn còn bộc lộ những hạn chế rõ ràng khiến sản phẩm đường nội ngày càng sa sút về sản lượng và bỏ lại khoảng trống cho đường nhập ngoại và đường nhập lậu.
Ngành mía đường trong nước vẫn đang tụt lại trên “đường đua” hội nhập - Ảnh minh hoạ |
“Mắt xích yếu” của việc sản xuất đường trong nước
Ngành mía đường Việt Nam hiện tại vẫn manh mún, nhỏ lẻ về quy mô và lạc hậu trong sản xuất. Tỷ lệ cơ giới hoá của Việt Nam chỉ mới đạt từ 10-20% và chủ yếu tập trung ở khâu làm đất do khó áp dụng trên các diện tích nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến năng suất thu hoạch mía đường của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước xung quanh như Thái Lan. Năng suất thấp nên lợi nhuận của người nông dân trồng mía cũng ngày càng kém, dẫn đến hệ quả là mặc dù giá thu mua mía đã tăng nhưng người nông dân không mặn mà phát triển thêm diện tích mà thậm chí còn rời bỏ.
Năng lực sản xuất mía đường ở Việt Nam cũng cần cải thiện hơn nữa ở tất cả các khâu đặc biệt là khâu chế biến đường và khâu quản lý sản xuất mía đường để tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Tính đến hiện tại, số lượng nhà máy sản xuất đường trên cả nước chỉ còn 24 nhà máy, trong đó số ít là nhà máy hiện đại, công suất lớn, còn đa số đều có công suất thấp, công nghệ sơ sài, thiếu đồng bộ nên không tận dụng chuỗi giá trị của cây mía, hiện lại gặp khó khăn khi sản lượng mía mới chỉ đáp ứng hơn 50% công suất vận hành khiến chi phí sản xuất và giá thành tăng cao, trong khi lợi nhuận không đủ đáp ứng nhu cầu tái đầu tư vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, sản phẩm đường nội Việt Nam liên tục gặp tình trạng cung không đủ cầu.
Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành mía đường mà còn tạo kẽ hở cho đường lậu hoành hành.
Hệ quả hiện hữu khiến ngành mía đường cạnh tranh kém là việc nguồn cung trong nước gặp nhiều khó khăn khi không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào. Giai đoạn quý III, IV là thời điểm nhu cầu tiêu thụ đường tăng vì các nhà máy cần mua nhiều đường để sản xuất bánh kẹo dịp Trung thu và chuẩn bị hàng hoá cho Tết Nguyên đán. Do vụ ép mía của các nhà máy thường bắt đầu từ tháng 12 đã gây ra tình trạng thiếu hụt “giáp hạt” - tồn kho giảm mà chưa vào vụ ép, mặt khác, nguồn cung từ nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhu cầu đường dự kiến tăng mạnh 20-30% trong đợt cao điểm sản xuất hàng hoá lễ, tết - Ảnh minh hoạ |
Đại diện một công ty sản xuất F&B lớn tại Việt Nam cho rằng họ đang gặp khó khăn trong dự trữ đường tồn kho cho hoạt động sản xuất cao điểm nhất trong năm. Vị này cho rằng do nhu cầu đường công nghiệp trong giai đoạn này tăng mạnh 20-30%, trong khi các đơn vị cung ứng khó tìm được nguồn cung bổ sung. Bên cạnh đó, chi phí và thời gian ở khâu logistics phát sinh đã tạo ra “nút thắt cổ chai”, gây khó khăn cho nhà sản xuất.
Có thể thấy rằng, những khó khăn của ngành mía đường đang gặp phải không chỉ đến từ bên ngoài mà còn đến từ bên trong - nội lực của ngành. Trách nhiệm của ngành mía đường không chỉ là nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước giành lại thị phần nội địa mà còn phải trở thành “mắt xích mạnh” bảo đảm linh hoạt được nguồn cung cho sản xuất và tiêu thụ trong nước.