Hiệu ứng từ quyết định giảm lãi suất

Anh Khoa| 31/03/2020 06:00

Quyết định giảm lãi suất hàng loạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liệu có tác động đến thị trường và lan tỏa sang mặt bằng lãi suất cho vay theo hướng đi xuống để hỗ trợ nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức?

Hiệu ứng từ quyết định giảm lãi suất

Động thái giảm lãi suất của NHNN diễn ra chỉ sau đúng một ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giảm 1% lãi suất cơ bản, nối tiếp đợt cắt giảm 0,5% của FED trước đó gần hai tuần.

Cắt giảm mạnh

Sau bao lời đồn đoán và dự báo, ngày 16/3/2020, NHNN đã quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 5%, lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Song song đó, NHNN cũng giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ 4% xuống 3,5%, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%, trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%, ngược lại lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc tăng từ 0,8% lên 1,0%.

Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai liên tiếp trên diện rộng của NHNN trong vòng nửa năm qua. Trước đó, vào giữa tháng 9/2019, NHNN cũng đã giảm 0,25% các lãi suất điều hành, tiếp đó đến giữa tháng 11 giảm 0,5% trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên.

Nếu như lần giảm này, trần lãi suất tiền gửi có mức độ giảm thấp hơn, chỉ 0,25%, thì các loại lãi suất điều hành có mức giảm khá lớn, như lãi suất tái cấp vốn và thanh toán bù trừ giảm mạnh đến 1%, lãi suất tái chiết khấu và OMO giảm 0,5%, đúng như tuyên bố gần đây của một lãnh đạo NHNN.

Động thái giảm lãi suất của NHNN diễn ra chỉ sau đúng một ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giảm 1% lãi suất cơ bản, nối tiếp đợt cắt giảm 0,5% của FED trước đó gần hai tuần. Bên cạnh đó, FED cũng cam kết bơm ra hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản cho các thị trường. Mà không chỉ FED, hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn trên thế giới như NHTƯ Anh, NHTƯ Trung Quốc cũng đã quyết định cắt giảm lãi suất.

Riêng NHTƯ châu Âu (ECB), NHTƯ Nhật Bản tuy không cắt giảm lãi suất do đã ở mức quá thấp nhưng cũng quyết định tung ra các gói kích thích tiền tệ giá trị lớn nhằm rót vốn cho thị trường và mua tài sản. Đơn cử như ECB mới đây đã triển khai thêm một gói nới lỏng định lượng lên tới 750 tỷ EUR, tương đương 820 tỷ USD, nâng quy mô mua tài sản của cơ quan này trong năm nay lên tới 1.100 tỷ EUR, bằng khoảng 6% GDP của khu vực.

Hiệu ứng có như kỳ vọng?

Sau quyết định giảm lãi suất của NHNN (có hiệu lực từ ngày 17/3/2020), hàng loạt ngân hàng đang niêm yết kịch trần ở 5,0% hoặc cao hơn mức 4,75% đã phải giảm về theo đúng quy định. 

Hie-u-u-ng-tu-quye-t-di-nh-gia-7355-2043

Tình trạng thừa thanh khoản khá lớn đã khiến nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất đầu vào liên tiếp.

Tuy nhiên, một số ngân hàng còn đẩy mức giảm rộng hơn hoặc giảm đồng loạt ở các kỳ hạn trên 6 tháng, dù các kỳ hạn này không chịu tác động của quy định trần lãi suất.

Với vốn đầu ra giải ngân trì trệ, trong khi dòng tiền gửi ngân hàng tiếp tục tăng đã đẩy hệ thống rơi vào tình trạng thừa thanh khoản khá lớn, nên nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất đầu vào liên tiếp chứ không cần phải đợi đến quyết định của NHNN. Thống kê cho thấy trong hai tháng đầu năm, huy động vốn toàn ngành ước tăng đến 1%, trong khi dư nợ tín dụng chỉ tăng vỏn vẹn 0,06%.

Tình trạng thừa thanh khoản còn thể hiện qua động thái hút ròng tiền đồng của NHNN trên thị trường mở. Tính từ tuần trước khi nghỉ Tết Canh Tý cho đến tuần thứ hai của tháng 3, NHNN đã có 7 tuần liên tiếp hút ròng, với tổng giá trị lên tới 147.000 tỷ đồng, riêng hai tuần đầu của tháng 3, con số hút ròng là 27.000 tỷ đồng.

Không chỉ mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 giảm, mà lãi suất trên thị trường 2 cũng chịu tác động từ quyết định giảm lãi suất điều hành nên đã duy trì xu hướng đi xuống trong tuần trước. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm đến cuối tuần qua đã rớt ngưỡng 2%, về mức 1,95%, giảm hơn 0,5% so với mức gần 2,5% của cách đó một tuần. Các kỳ hạn một tuần và hai tuần cũng có mức giảm xấp xỉ 0,4%.

Trong khi đó, trên thị trường OMO đã ghi nhận khoản vay theo lãi suất thấp từ NHNN. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 18/3/2020, một trong những phiên hiếm hoi kể từ cuối năm 2019 đến nay, kênh OMO ghi nhận khoản vay đầu tiên khớp mức lãi suất 3,5%, mức thấp nhất trong cả chục năm trở lại đây, với giá trị 1,05 tỷ đồng đến từ nhu cầu của một tổ chức tín dụng. 

Dù giá trị rất nhỏ so với quy mô giao dịch từng thể hiện ở kênh này, nhưng khoản vay trên đánh dấu quyết định giảm lãi suất của NHNN bắt đầu đi vào thực tế và mở đường cho các khoản vay tiếp theo sẽ được thực hiện. Rõ ràng với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đang phổ biến từ 4,5-4,75%, trên 6 tháng từ 6-7%, thì lãi suất vay qua OMO thấp hơn từ 1-3,5%, các ngân hàng đủ điều kiện sẽ có động lực tiếp cận thêm kênh vốn rẻ này.

Như vậy, khi mặt bằng lãi suất trên tất cả kênh vốn đầu vào đi xuống, chi phí vốn theo đó sẽ giảm đáng kể, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang gặp rất nhiều khó khăn và có nguy cơ giảm tốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Gần đây, dù NHNN đã triển khai gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và yêu cầu các nhà băng triển khai các giải pháp giảm, miễn lãi, tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng việc giảm lãi suất cho vay đồng loạt của toàn hệ thống áp dụng cho tất cả khách hàng luôn được thị trường chờ đợi và được đánh giá là rất cần thiết vào lúc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệu ứng từ quyết định giảm lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO