Đàm phán giảm lãi vay có khả thi?

Gia Lê| 13/04/2021 09:03

Dù lãi suất cho vay trong năm vừa qua đã giảm đáng kể, nhưng vẫn giảm chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn đầu vào. Theo đó, nhiều khách hàng vẫn phải chịu mức lãi suất vay vốn khá “chát” so với mức bình quân của thị trường.

Đàm phán giảm lãi vay có khả thi?

Trong năm 2020, hầu hết ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, thậm chí miễn giảm lãi cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó phần lớn là những khách hàng doanh nghiệp kinh doanh bị ngưng trệ, giao thương, thương mại bị đứt gãy. Trong những tháng đầu năm nay, một số nhà băng lại tiếp tục giảm lãi suất cho vay, không chỉ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà còn áp dụng cho toàn bộ khách hàng đang vay vốn. 

Như Vietcombank ngay từ đầu năm đã thông báo quyết định giảm đồng loạt lãi suất cho dư nợ tiền vay hiện hữu và cho vay mới trong thời gian ba tháng, từ ngày 22/2 đến 22/5/2021. Hay như HDBank, đầu tháng 3 cũng ban hành chính sách giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải, có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2021.

Tuy nhiên, số nhà băng chịu “hy sinh lợi nhuận” để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn ngân hàng chỉ dành các mức lãi suất cho vay ưu đãi với các gói tín dụng dành cho khách hàng mới. Điều này khiến nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân đã vay vốn những năm trước đây vẫn phải chịu mức lãi suất khá cao so với mức bình quân chung của thị trường, dù không ít trong số này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như thu nhập giảm sút, kinh doanh suy yếu.

Trong khi đó, việc chứng minh bị tác động bởi dịch bệnh đối với khách hàng cá nhân cũng như hộ kinh doanh gia đình không phải là dễ dàng, khi thủ tục mà các ngân hàng đặt ra để đáp ứng điều kiện được miễn giảm lãi hoặc được giảm lãi suất vay vốn là khá phức tạp. 

Dù vậy, có lẽ những khách hàng đang vay vốn hiện nay cũng có thể chủ động đề xuất ngân hàng giảm lãi suất về mức hợp lý so với thị trường chung để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả, nhưng những đợt bùng phát vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong khi sản xuất, kinh doanh sẽ chưa sớm về lại mức bình thường như trước đây.

Việc đề xuất giảm lãi suất vay không phải là bất khả thi, mà đơn giản phụ thuộc vào việc khách hàng có thật sự quan tâm và muốn thực hiện hay không. Phần lớn hợp đồng vay vốn đều có điều khoản điều chỉnh lãi suất vay sau một giai đoạn nhất định. Với hợp đồng vay ngắn hạn có thể điều chỉnh hằng tháng trong khi những hợp đồng vay trung dài hạn định kỳ xem xét điều chỉnh lãi suất vay ba tháng hoặc sáu tháng một lần, dựa trên chi phí vốn và lãi suất cơ sở mà các ngân hàng cập nhật định kỳ.

Phần lớn hợp đồng vay vốn đều có điều khoản điều chỉnh lãi suất vay sau một giai đoạn nhất định. Với hợp đồng vay ngắn hạn có thể điều chỉnh hằng tháng trong khi những hợp đồng vay trung dài hạn định kỳ xem xét điều chỉnh lãi suất vay ba tháng hoặc sáu tháng một lần, dựa trên chi phí vốn và lãi suất cơ sở mà các ngân hàng cập nhật định kỳ.

Chi phí vốn của các ngân hàng đã giảm rất mạnh trong năm qua cũng là điều kiện quan trọng để khách hàng lấy làm cơ sở đề xuất, cũng như là động lực để ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay vốn. Với việc lãi suất cho vay đã giảm từ 1-1,5%, chậm hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2-2,5%) trong năm 2020 đã khiến biên lãi ròng (NIM) của hầu hết ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4% và giúp nhiều ngân hàng có lợi nhuận kỷ lục trong năm vừa qua.

Với những lo ngại về việc một số ngân hàng cần phải duy trì lãi suất cho vay cao để bù đắp những thiệt hại của các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi đại dịch mà có thể chuyển thành nợ xấu trong năm nay, hiện nay cũng không còn là vấn đề quá lớn. Thực tế là nhiều khách hàng được tái cơ cấu nợ đang khôi phục sản xuất, kinh doanh và không còn thuộc nhóm được tái cơ cấu, do đó nguy cơ nợ xấu từ các khoản nợ tái cơ cấu này đang ngày càng giảm.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHN, theo đó cho phép các nhà băng tiếp tục thực hiện chính sách tái cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cho đến hết năm nay. Các ngân hàng cũng được phép trích lập dần dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể đối với các khoản nợ tái cơ cấu, tối thiểu 30% vào cuối năm nay, 60% vào cuối năm 2022 và 100% vào cuối năm 2023. Với lộ trình trích lập dự phòng được giãn ra đến ba năm, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng quá mạnh, do đó vẫn có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay nếu muốn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đàm phán giảm lãi vay có khả thi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO