Thời sự

Lãi suất thấp: Chưa chắc vốn đến được nơi cần đến

Hoàng Mạnh Hà 12/12/2024 07:30

Mức lãi suất thấp nhất trong vòng hơn thập kỷ qua, giúp giảm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp.

65465466.jpg
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do yêu cầu thế chấp cao và quy trình xét duyệt phức tạp.

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn đã giảm từ 6% xuống 4,5%/năm; lãi suất chiết khấu từ 4,5% xuống 3%/năm, và lãi suất cho vay qua đêm giảm từ 7% xuống 5%/năm. Đây là giải pháp của nhà điều hành nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay, qua đó chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân và góp phần tăng trưởng kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm 2-3% so với cuối năm 2022.

Lợi ích rõ rệt mang cho một số ngành lớn như công nghiệp chế biến, dệt may và thủy sản khi chi phí vốn giảm. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế - yếu tố quan trọng trong bối cảnh phải đối mặt với nhu cầu giảm sút từ các thị trường Mỹ, EU…

Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất chưa tạo được tác động đồng đều trong toàn bộ nền kinh tế. Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do yêu cầu thế chấp cao và quy trình xét duyệt phức tạp.

Trong khi đó, ngành bất động sản là đối tượng hưởng lợi lớn khi giảm lãi suất. Nhờ lãi suất vay mua nhà giảm, nhiều doanh nghiệp bất động sản tái cơ cấu nợ, đồng thời kích cầu thị trường nhà ở. Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Con số này cho thấy mức độ phụ thuộc của thị trường này vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp bất động sản tận dụng nguồn vốn để giải quyết các vấn đề nêu trên thì rất tốt cho thị trường. Trên thực tế, hiện có không ít doanh nghiệp đang săn lùng, thâu tóm các dự án hàng trăm héc ta khắp cả nước.

Vấn đề đặt ra là liệu nguồn vốn vào bất động sản có giúp tăng cung cho phân khúc có nhu cầu thực hay lại vốn lại bị chôn một chỗ? Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vô cùng gian nan hoặc không thể vay được?!

Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại cần kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy vào bất động sản, nhằm ngăn ngừa hiện tượng đầu cơ quỹ đất. Đồng thời ưu tiên cấp vốn cho các dự án đầu tư vào công nghệ, máy móc và nâng cao năng lực sản xuất thay vì đầu tư vào tài sản thụ động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất thấp: Chưa chắc vốn đến được nơi cần đến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO