Xuất khẩu lao động: Cần tầm nhìn dài hạn

P.V| 18/06/2010 09:15

Ông Gyorgy Sziraczki, chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức ILO, khẳng định không nên quá lệ thuộc vào lao động di cư và cần có tầm nhìn dài hạn trong vấn đề xuất khẩu lao động.

Xuất khẩu lao động: Cần tầm nhìn dài hạn

Ông Gyorgy Sziraczki, chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), khẳng định không nên quá lệ thuộc vào lao động di cư và cần có tầm nhìn dài hạn trong vấn đề xuất khẩu lao động.

ông Gyorgy Sziraczki - Ảnh: H.G.

Khủng hoảng kinh tế tác động tới tầng lớp cận nghèo

Ông Gyorgy Sziraczki khẳng định khu vực Đông Nam Á đang làm thế giới ngạc nhiên về tốc độ phục hồi kinh tế. Điều thú vị, theo ông, là một số chính phủ trong khu vực đang chuyển hướng chính sách. Ông nói:

- Đáng chú ý là kinh tế của ASEAN đang phục hồi mạnh mẽ, nhất là những nước bị suy thoái nhanh như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Điều này rất ấn tượng vì cách đây sáu tháng, không ai dám mong đợi như vậy. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để duy trì tốc độ tăng trưởng đó và rút khỏi các gói kích thích kinh tế.

Một điều thú vị khác là Đông Nam Á không bị nạn thất nghiệp quy mô lớn mà việc làm phi chính thức gia tăng mạnh mẽ sau khủng hoảng. Với hơn 60% việc làm trong khu vực là việc làm phi chính thức, điều đó cũng có nghĩa nhiều người lao động vẫn không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội.

Nhưng cần lưu ý, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua không tác động mạnh nhất tới người nghèo mà là nhóm người cận nghèo. Đó là những người vừa thoát khỏi nghèo đói trong vài năm qua do kinh tế tăng trưởng nhanh, các khu công nghiệp, khu chế xuất xuất khẩu tạo ra nhiều việc làm. Nó đã giúp nhiều người ở khu vực nông thôn nhanh chóng vượt ngưỡng nghèo, nhưng cuộc khủng hoảng khiến họ đột ngột mất việc và rơi lại xuống ngưỡng nghèo.

Năng suất lao động là một điểm đáng ngạc nhiên khác. Singapore và Malaysia gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc tụt giảm năng suất. VN vẫn duy trì tăng năng suất nhưng so với Ấn Độ và Trung Quốc thì vẫn rất thấp.

* Vậy cuộc khủng hoảng này có làm các chính phủ Đông Nam Á thay đổi cách tiếp cận vấn đề lao động?

- Sau cuộc khủng hoảng, nhiều nhà lãnh đạo Đông Nam Á đột nhiên nhận ra họ phải nhìn về dài hạn. Malaysia vừa giới thiệu mô hình kinh tế mới, trong đó nhấn mạnh các ưu tiên tăng năng suất lao động, tăng mức sống, đầu tư cho giáo dục và đào tạo kỹ năng.

Thủ tướng Malaysia đã phát biểu rằng nếu muốn chuyển từ nước thu nhập trung bình sang thu nhập cao, bạn không thể duy trì sự khác biệt lớn về thu nhập. Đó là một cách nhìn mới và hay. Bộ trưởng tài chính Singapore trong bài phát biểu về ngân sách năm ngoái cũng từng nói trong khủng hoảng ưu tiên là duy trì việc làm, sau khủng hoảng sẽ là chất lượng việc làm. Họ thiết lập các trung tâm giáo dục mới, nỗ lực cải thiện năng suất và dành nhiều ngân sách cho hai việc này.

Thủ tướng VN cũng từng nói rằng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là hai vấn đề ưu tiên của VN. Theo tôi, đó là những ưu tiên đúng hướng. Các công ty định đầu tư vào VN không chỉ quan tâm đến chi phí lao động mà còn đặt ra các câu hỏi: xuất khẩu có thuận lợi không, cung ứng điện có đáng tin cậy không, đường sá thế nào?... Một số nước ở Đông Nam Á làm những việc này không tốt lắm. VN là một trong số đó.

Tóm lại, tôi ấn tượng trước việc Đông Nam Á đang phục hồi nhanh chóng và họ đang thay đổi chính sách cho tương lai. Không một nước nào được bỏ lỡ cơ hội này. Nếu không chuyển hướng kịp thời sẽ bị các nước khác qua mặt vì những nước đó sẽ hành động nhanh hơn.

* Là chuyên gia kinh tế cao cấp trong tổ chức lớn nhất thế giới về lao động, ông nhận định gì về xu hướng hợp tác lao động trong khu vực?

- Đó là xu hướng di cư. Lao động di cư là điều bắt buộc và sẽ gia tăng trong khu vực. Nhìn vào các nước Asean, một số nước có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh như VN, Campuchia, Lào. Những nước này mỗi năm có thêm nhiều người trẻ tuổi tìm kiếm việc làm. Thách thức cho các nước này không chỉ là tạo ra việc làm mà phải là việc làm tốt.

Nhưng mặt khác các nước Singapore, Brunei, Thái Lan lại có dân số già. Họ cần lao động. Vì thế vấn đề đặt ra ở đây là quản lý di cư làm sao để cả nước nhận, nước cử lẫn lao động di cư và gia đình họ đều hưởng lợi từ chuyện này.

* Nhưng theo ông, làm sao để quản lý tốt hơn lao động di cư?

Lao động Việt Nam làm việc tại một nhà máy sản xuất găng tay cao su ở Malaysia - Ảnh: Hồ Văn

- Tất nhiên chúng ta muốn và buộc phải gửi lao động có kỹ năng và được giáo dục tốt ra nước ngoài. Những người như vậy sẽ học hỏi được nhiều hơn và gửi tiền về nhiều hơn. Ngoài ra, các nước nhận nói chung ngày càng có nhu cầu lao động có kỹ năng. Một vấn đề khác cũng liên quan đến giáo dục là công nhận kỹ năng và khả năng của người lao động.

Lấy ví dụ thế này: nếu một kỹ sư ở VN muốn sang Singapore làm việc, phía Singapore sẽ muốn đảm bảo là kỹ sư đó có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, khả năng ngôn ngữ, ứng xử... phù hợp với công việc cụ thể nào đó. Vì vậy, cần đảm bảo sự công nhận lẫn nhau đối với người lao động.

ASEAN đã và đang thực hiện các biện pháp để hiện thực hóa điều này. Nhưng việc đầu tiên tất cả các nước cần làm là phải có hệ thống chất lượng lao động riêng của mình, sau đó tìm cách hài hòa và công nhận lẫn nhau. Quá trình này phải thực hiện từng bước.

Vấn đề thứ ba liên quan đến bảo trợ xã hội. Những người làm việc ở nước ngoài cần được đối xử tương tự lao động bản địa chứ không phải là công dân hạng hai. Chúng ta thấy báo chí nói tới những trường hợp người giúp việc đi làm ở nước khác không được đối xử bình đẳng, bị bóc lột. Việc bảo trợ xã hội cho lao động di cư phụ thuộc cả ở nước nhận và nước cử.

Philippines là một ví dụ hay: các đại sứ quán của họ có nhân viên phụ trách chăm lo lao động Philippines tại địa bàn đó, họ thường xuyên giữ mối quan hệ với công dân của mình và có một số chế độ bảo hiểm sức khỏe bổ sung. Người lao động cũng có thể gọi điện đến đại sứ quán để xin hỗ trợ, tư vấn...

Không nên quá phụ thuộc vào lao động di cư

* Theo ông, xuất khẩu lao động có phải là con đường đúng đắn trong dài hạn?

* Chính phủ các nước nên chú trọng tạo việc làm trong nước hay thúc đẩy xuất khẩu lao động, thưa ông?

- Theo tôi là cả hai. Vấn đề là làm sao để quản lý tốt hơn và tránh phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu lao động, đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm và cải thiện hệ thống giáo dục trong nước. Không thể lựa chọn một trong hai mà phải làm cả hai. Bài toán là tìm ra sự cân bằng thích hợp.

- Theo tôi, nó đóng vai trò nhất định trong sự phát triển của một đất nước ở chỗ cung cấp kiều hối, giảm sức ép việc làm, mang lại thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào lao động di cư cũng mang lại rủi ro cho các bên.

Với nước cử, nếu đưa lao động ra ngoài quá nhiều thì công việc của chính phủ trở nên dễ dàng. “Tôi chỉ cần đưa người ra nước ngoài, khỏi phải mất công đầu tư, đào tạo, cải thiện môi trường kinh doanh hay bảo trợ xã hội mà lại thu được kiều hối”. Nhưng tôi nghĩ có những rủi ro sau: nếu quá phụ thuộc vào lao động di cư, nó sẽ giảm sức ép đối với chính phủ và doanh nghiệp trong việc cải thiện nền kinh tế quốc doanh, tăng năng suất, sức sáng tạo, đổi mới...

Mặt khác, các tài năng của đất nước sẽ đổ ra ngoài. Bạn buộc phải “xuất khẩu” những lao động được đào tạo kỹ năng tốt nhất mà! Cho dù thu được kiều hối nhưng sẽ không có lợi về năng suất, sức sáng tạo... Chúng ta thường gọi tình trạng này là chảy máu chất xám.

Với nước nhận, vấn đề sẽ là sự lệ thuộc vào lao động nhập cư. Họ có lương thấp hơn so với lao động bản địa, điều đó một mặt tốt cho kinh doanh vì tiết kiệm chi phí, mặt khác lại không khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, đầu tư. Họ trở nên phụ thuộc vào lao động giá rẻ, không có động cơ tăng năng suất lao động, đầu tư vào sản phẩm mới hay khám phá thị trường mới. Sự phụ thuộc trên quy mô lớn không có lợi cho phát triển quốc gia.

Những ngày này, nếu bạn đọc báo ở Singapore hay Malaysia thì sẽ thấy đây là các vấn đề lớn. Mô hình kinh tế mới mà Malaysia đưa ra vào tháng trước bao gồm mong muốn cải thiện chất lượng nguồn lao động, tăng đầu tư và trở thành nước có thu nhập cao trong mười năm nữa. Vấn đề là hiện Malaysia có quá nhiều lao động nhập cư với giá nhân công rẻ khiến giới kinh doanh phần nào trở nên lười biếng.

Ở Nam Á, một số nước cũng phụ thuộc lao động nhập cư: 80% nguồn thu ngoại tệ của Nepal là kiều hối. Nhiều nước ở Thái Bình Dương cũng chủ yếu thu ngoại tệ từ kiều hối và du lịch. Về ngắn hạn, lao động di cư có thể có lợi, nhưng nếu lạm dụng về dài hạn thì lại có hại.

* Liệu trên thế giới có mô hình nào giúp các chính phủ giải được bài toán cân bằng này chưa?

- Theo tôi biết thì chưa. Nhưng tôi nghĩ các đại sứ quán rải rác khắp nơi có thể tìm ra thông tin về những lĩnh vực mà các nước thiếu lao động. Ngoài ra phải tăng cường thống kê, quản lý dữ liệu... Rất dễ biết số người ra nước ngoài làm việc vì thường khâu này phải qua đăng ký. Dữ liệu này có thể giúp các đại sứ quán hỗ trợ công dân của mình ở nước ngoài hoặc để các cơ quan trong nước giúp họ chuẩn bị ra nước ngoài làm việc tốt hơn.

Nhưng rất nhiều nước không có thông tin về những người lao động xuất khẩu quay trở lại nước gốc. Rõ ràng có một khoảng trống thông tin ở đây: bạn khó nắm bắt thật sự có bao nhiêu lao động nước mình đang làm việc ở một địa bàn nước ngoài, và do vậy khó xác định được nhu cầu lao động tăng hay giảm với một ngành nghề nhất định nào đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu lao động: Cần tầm nhìn dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO