Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tháng 10 tăng trưởng thấp nhất từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tuy nhiên trong cùng lúc đó doanh số bán lẻ nội địa tăng mạnh, đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đã trở nên cân bằng hơn, theo nhận định của một bài báo trên Bloomberg.
Trong "Ngày độc thân" tại Trung Quốc vừa qua, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã tăng chóng mặt. Trong vòng một ngày, Alibaba đã bán được tổng lượng hàng hóa trị giá hơn 91,2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 14,5 tỷ USD, tăng trưởng đến 11% so với con số năm ngoái.
Ngoài ra, thông tin mới công bố cho thấy doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tháng 10 tăng 11%, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm nay.
Kết quả cuộc khảo sát của Nielsen cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tiếp tục ở mức cao và vì vậy họ không ngừng chi tiêu.
Trong khi đó, hãng hàng không lớn thứ hai của Trung Quốc, China Eastern Airlines, công bố số lượng khách đi lại trên tất cả các chuyến bay của hãng tăng 11,8% trong tháng 10.
Ngoài ra, doanh số bán ôtô tháng 10 cũng tăng trưởng cao nhất trong hơn 1 năm. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang phần nào mất đà tăng trưởng, đây thực sự là một tin tốt đối với các hãng ôtô nước này.
Người Trung Quốc cũng chi tiền không tiếc tay đối với hàng công nghệ cao. Theo CEO Tim Cook của Apple, doanh số bán iPhone tại Trung Quốc không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong quý gần nhất, lợi nhuận của Apple tại thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan tăng hơn gấp đôi lên 23 tỷ USD.
Ở một góc nhìn khác, McKinsey đã tiến hành một cuộc khảo sát về kỳ vọng thu nhập của người Trung Quốc, và thật đáng ngạc nhiên, 71% số người trả lời cho rằng thu nhập của họ sẽ tăng trong năm nay và 81% có kế hoạch sẽ chi tiêu nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên cùng lúc đó, Trung Quốc tiếp tục đón nhận nhiều tin xấu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp Trung Quốc tháng 10 chỉ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất tính từ năm 2008.
Đầu tư vào tài sản cố định tăng 10,2% trong 10 tháng đầu năm, tốc độ chậm nhất trong 15 năm. So với cùng kỳ, tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm chỉ còn 2%.
“Người Trung Quốc đang đẩy mạnh tiêu dùng, trong khi đó nguồn cung hàng hóa lại chưa đáp ứng kịp thời. Nếu nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng chắc chắn hoạt động sản xuất sẽ phục hồi và giúp kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong quý hiện tại”, ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Standard Chartered, nhận định.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang cố gắng điều chỉnh cấu trúc của kinh tế, chuyển từ tập trung vào sản xuất và xuất khẩu sang kích thích tiêu dùng trong nước. Mới đây Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng không dưới 6,5%/năm trong 5 năm tới.
Ngành công nghiệp Trung Quốc đang đối diện với nhiều vấn đề khi sản lượng thép giảm 3,1%, xi măng giảm 3,5%, than đá giảm 1,2% so với cùng kỳ.
Theo nhà bình luận kinh tế Mark Magnier của Wall Street Journal, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc bao gồm 6 lần hạ lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ và hàng trăm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dường như chưa phát huy tác dụng với ngành công nghiệp nước này.
Chính vì thế mới dẫn đến tình trạng tiêu dùng vẫn tăng trưởng trong khi đó các ngành công nghiệp nặng lại trì trệ hơn rất nhiều so với tính toán của không ít chuyên gia kinh tế.
Ở thời điểm hiện tại, khi lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đi xuống, sản xuất suy giảm và lạm phát không tăng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực để đưa ra thêm các gói kích thích kinh tế khác, sẽ cần thêm thời gian để biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra được giải pháp "thần kỳ" nào cho Trung Quốc hay không.
>Top 10 thị trường châu Á có khả năng bùng nổ tiêu dùng
>Ngày Độc thân, Alibaba chạm mốc doanh thu 14,3 tỷ USD
>Bí mật của chuỗi bán lẻ Timberland Boot