Nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ: Cơ hội vàng cho hợp tác kinh tế
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ đã mở ra cơ hội mới cho hợp tác kinh tế giữa hai nước…
Mong muốn một Việt Nam độc lập, hùng mạnh và thịnh vượng
Mỹ nhiều lần tuyên bố ủng hộ một Việt Nam độc lập, hùng mạnh và thịnh vượng. Quan điểm này được Tổng thống Joe Biden nhắc lại trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua. Cùng với đó, Mỹ xem trọng vai trò của Việt Nam trong khu vực và đánh giá cao thị trường 100 triệu dân và một nền kinh tế có tiềm năng, quy mô ngày càng lớn.
Về phần mình, Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định luôn sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Mỹ. Đây là quan điểm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ trong thư gửi Tổng thống Harry S. Truman năm 1946.
Trải qua những biến động của lịch sử, đây là thời điểm để hai nước hiểu biết, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau để nâng tầm quan hệ, thực hiện việc mở rộng hợp tác sâu rộng trên cả song phương, khu vực và toàn cầu. Việt Nam xem Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu, nhất là về kinh tế - thương mại. Ngược lại, Mỹ xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.
Gần 30 năm kể từ ngày bình thường hóa quan hệ, kinh tế - thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng. Đặc biệt trong 10 năm 2013-2023, sau khi Việt Nam - Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp 10 lần.
Sau 10 năm, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN. Cùng với thương mại là dòng vốn đầu tư. Các tập đoàn của Mỹ đã đầu tư 11 tỷ USD vào Việt Nam.
Quan hệ giữa hai nước không chỉ kinh tế - thương mại mà cùng với đó là các lĩnh vực khác khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường… cũng đã có những bước phát triển rất tốt.
Kinh tế là nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng
Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ nêu rõ: hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương.
Theo đó, Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh trong cuộc họp báo với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta sẽ làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt là trong việc xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng ta cũng mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế để thúc đẩy hơn nữa đầu tư và thương mại giữa hai nước”.
Tổng thống Mỹ cũng nhắc đến việc một công ty Việt Nam đã ký thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện và ắc quy tại tiểu bang Bắc Carolina, tạo ra 7.000 việc làm cho người Mỹ.
Cùng với thị trường hàng hóa, Mỹ cũng là cường quốc về thị trường vốn. Các công ty công nghệ Việt Nam có tầm cỡ như VinFast niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đã mở ra cơ hội mới để các doanh nghiệp khác có thể tham gia thị trường vốn này.
Các “ông lớn” về công nghệ của Mỹ từ Apple đến Intel đã tiến sâu hơn vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sử dụng tối đa công suất của nhiều nhà máy ở Việt Nam. Công ty Amkor Technology có trụ sở ở Arizona đã tiên phong đầu tư nhà máy bán dẫn công nghệ cao ở Bắc Ninh, dự kiến đưa vào sản xuất thử cuối năm nay.
Cũng nhân dịp này, ngày 11/9/2023, một “thỏa thuận ghi nhớ mang tính bước ngoặt” giữa Boeing và Vietnam Airlines trị giá 10 tỷ USD, dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 30.000 việc làm tại Mỹ. Boeing cho biết, Vietnam Airlines sẽ mua 50 máy bay 737 Max của hãng và sẽ được bàn giao đợt đầu tiên vào năm 2025.
Cùng với việc có đối tác chiến lược và toàn diện với 5 nước Mỹ, Trung Quốc, Ấn độ, Hàn Quốc và Nga, Việt Nam còn là đối tác toàn diện với 10 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. Các nước này đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việc tham gia CPTPP là rất quan trọng đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, vì nó tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam khi bán vào các thị trường như Canada, Úc, Nhật Bản… gần như được miễn thuế. Khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ sẽ có cơ hội tận dụng được lợi thế này của Việt Nam.
Nhiều cơ hội vàng đang mở ra
Những gì đã đạt được trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ trong mấy chục năm qua là rất to lớn. Tuy nhiên, những gì đã đạt được so với tiềm năng vẫn còn rất khiêm tốn.
Thị trường nông sản là một ví dụ. Là cường quốc về nông sản nhiệt đới, nhưng tính đến tháng 2/2023, Việt Nam mới có 7 loại trái cây được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa và bưởi da xanh. Mỹ là nước tiêu thụ rất lớn các loại nông sản nhưng vẫn còn nhiều rào cản nên nông sản Việt Nam chỉ mới chiếm tỷ trọng nhỏ và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt là một số mặt hàng khác như cà phê, hạt điều, thủy hải sản...
Cùng với nông, thủy sản là các tài nguyên khác như khoáng sản, nắng, gió cũng rất lớn đang được các nhà đầu tư Mỹ quan tâm và sẵn sàng hợp tác lâu dài.
Việt Nam với dân số trẻ, có lực lượng lao động dồi dào đang là cơ hội vàng cho các quốc gia phát triển đầu tư kinh doanh. Mỹ với tư cách là cường quốc kinh tế, hơn thế là cường quốc số một về công nghệ sẽ có rất nhiều việc để làm ở Việt Nam, đặc biệt khi hai bên đã xác định là đối tác chiến lược toàn diện.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng của Việt Nam ở mức 5,8% trong năm 2023 và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm nay. Điều đó hấp dẫn đối với các tập đoàn tư bản đang tìm kiếm những “điểm sáng” trong môi trường nhìn chung ảm đạm. Đặc biệt, khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội vàng để khai thác tiềm năng của hai phía. Vị thế của Việt Nam cũng sẽ được nâng lên khi có đối tác chiến lược toàn diện là cường quốc số một thế giới.