10 năm khởi sắc hợp tác Việt - Mỹ
Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ bình thường hóa vào năm 1995 và hai nước bắt đầu xác lập quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra vào ngày 10 và 11/9/2023 tới đây sẽ ưu tiên làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương.
Mở rộng quan hệ ngoại giao
Ngày 29/8/2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng thông báo: “Dự kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi tin rằng các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Mỹ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới”.
Trong chuyến thăm sắp tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến tới Hà Nội sau khi tham dự Hội nghị G20 ở Ấn Độ. Trong các thông báo về chuyến viếng thăm này, cả Việt Nam lẫn Mỹ đều nhấn mạnh ưu tiên là làm sâu sắc hơn quan hệ đôi bên.
Phía Nhà Trắng cho rằng, lãnh đạo hai quốc gia sẽ “tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế tập trung vào công nghệ và sáng tạo của Việt Nam, mở rộng quan hệ giao lưu nhân dân thông qua trao đổi giáo dục, các chương trình phát triển nhân lực, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực”.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2023 vừa qua, đoàn các Hạ nghị sĩ, Hạ viện Mỹ do Hạ nghị sĩ Jason Smith - Chủ tịch Ủy ban Thuế vụ của Hạ viện dẫn đầu, cũng đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 17/8/2023, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cũng cho biết “quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ trong thời gian qua phát triển sâu rộng, hiệu quả, thực chất trên tất cả lĩnh vực trong quan hệ song phương cũng như tại cơ chế đa phương”. Cả Việt Nam lẫn Mỹ đều đang trao đổi các biện pháp làm sâu sắc quan hệ đôi bên để “hướng tới tầm quan hệ mới khi điều kiện phù hợp”.
Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, đến năm 2013 thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Như vậy, chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ Joe Biden rơi vào dịp kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập đối tác toàn diện giữa hai nước.
Kỳ vọng hợp tác kinh tế
Năm 2022, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt 123,86 tỷ USD, tăng 11% so với trước đó một năm.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua và là thị trường xuất khẩu duy nhất mà Việt Nam vượt mức 100 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN. Lũy kế đến tháng 6/2023, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,73 tỷ USD với hơn 1.200 dự án, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đánh giá về quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm qua khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, Ðại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Ðại sứ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ rằng, quan hệ hợp tác hai bên được kỳ vọng sẽ còn phát triển đột phá hơn nữa trong thời gian tới. Theo ông Phạm Quang Vinh, cả Mỹ lẫn Việt Nam có trụ cột về kinh tế song phương phát triển mạnh, bất chấp tình hình thế giới nói chung hay khu vực có nhiều khó khăn.
“Nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ đạt khoảng 30 tỷ USD, thì năm 2022 đạt hơn 123 tỷ USD, tức tăng hơn 4 lần sau 10 năm... Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Mỹ hoạt động ở Việt Nam đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam cũng tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) nên quan hệ thương mại hai bên có thể hướng tới chất lượng cao hơn, bền vững hơn, cùng hướng đến chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế sạch”, Ðại sứ Phạm Quang Vinh cho biết.
Có thể nói, quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua phát triển ổn định, hiệu quả và mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác mới, nhấn mạnh thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch góp phần phát triển cho Việt Nam cũng như chuỗi cung ứng thế giới.