Trong nước

Việt Nam và Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện, những doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi?

Thanh An 11/09/2023 17:30

Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, năng lượng, hàng không, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh... được cho là sẽ có nhiều cơ hội phát triển sau sự kiện lịch sử này.

01(1).jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hà Nội ngày 10/9/2023

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo hai nước đã thông qua tuyên bố chung nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Đây là sự kiện quan trọng đối với mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và bắt đầu xác lập quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013. Qua chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, cả hai nước đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực trong khuôn khổ đối tác toàn diện.

Nói về triển vọng phát triển, hợp tác của hai nước nhân sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có. “Sự kiện này sẽ thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, lợi ích mang lại trước hết là hoạt động xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao tại Mỹ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể, song sự sụt giảm này chỉ mang tính thời điểm chứ không phải xu hướng chủ đạo.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng năm 2023, khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang phục hồi. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Sau đại dịch Covid-19 cũng như những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững. Vì vậy, Việt Nam được lựa chọn là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

doanh_nghiep.jpg
Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu được cho là sẽ hưởng lợi lớn sau sự kiện lịch sử này

Đây là cơ hội lớn, tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng. Đặc biệt là các yêu cầu, đòi hỏi về giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.

Các lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa hai nước sẽ là các lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược như năng lượng, hàng không, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh...

Riêng với lĩnh vực năng lượng, Mỹ và Việt Nam đã triển khai nhiều hợp tác, từ thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí, xây dựng và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện, đến phát triển điện gió, hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên sâu…

Hai bên cũng đã thiết lập cơ chế đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam - Mỹ. Theo đó, Việt Nam đề nghị Mỹ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực, hỗ trợ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận công nghệ mới, làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị…

Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam trong hai ngày 10 và 11/9/2023, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, quan hệ hai nước đã được nâng cấp từ "đối tác toàn diện" - bỏ qua cấp độ "đối tác chiến lược" - lên thẳng cấp độ "đối tác chiến lược toàn diện".

Mỹ là quốc gia thứ 5 nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện, sau Trung Quốc (nâng cấp quan hệ năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016) và Hàn Quốc (năm 2022).

Ngoài ra, Việt Nam có hơn 10 đối tác chiến lược gồm Nhật Bản, Tây Ban Nha (năm 2009); Anh (2010); Đức (2011); Ý, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Pháp (2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020).

Quan hệ đối tác toàn diện với hơn 10 nước: Chile, Brazil và Venezuela (năm 2007); Argentina (2010); Ukraine (2011); Mỹ, Đan Mạch (2013); Myanmar và Canada (2017); Hungary (2018); Brunei và Hà Lan (2019)...

Quan hệ đối tác chiến lược là một dạng thức quan hệ có tầm quan trọng lớn và có tính chiến lược, dài hạn giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với tổ chức quốc tế. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đây là mô hình liên kết mới trong quan hệ quốc tế, trở nên thịnh hành kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Do tính chất đa phương và đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược được thể hiện dưới các hình thức như: đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược có lựa chọn theo từng lĩnh vực...

Chẳng hạn, ngoài quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với các nước như trên, Việt Nam cũng có quan hệ đối tác chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý nước với Hà Lan, đưa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này lên tầm cao nhất.

Trong quan hệ đối tác chiến lược, các bên tham gia đều có nhu cầu tăng cường hợp tác, coi trọng và chú ý hơn tới lợi ích chiến lược của nhau, có hợp tác sâu rộng, gắn kết về lợi ích và hướng tới lòng tin chiến lược.

Trong khi đó, với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, các bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực mà các bên cùng có lợi, từ thương mại, đầu tư cho tới công nghệ, năng lượng... Đồng thời, các bên xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao của Việt Nam. Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước được coi là có tầm quan trọng lớn đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam và Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện, những doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO