Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ đã ủng hộ quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) về việc thay đổi cách tính thuế với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Ông Lê Sỹ Giảng - nguyên Trưởng Ban Điều tra phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần làm ngay là ngồi lại với các nhà nhập khẩu Mỹ để tính toán thiệt hơn.
Đọc E-paper
* Ông nhận định thế nào về quyết định "Toàn bộ tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ từ tháng 2/2013 sẽ bị đưa ra hồi tố và đánh thêm phần thuế chống bán phá giá từ 1,16% lên 1,42%" của DOC?
- Nguyên nhân của vụ việc này là bên nguyên đơn - Hiệp hội Các nhà sản xuất tôm Hoa Kỳ không bằng lòng với việc DOC sử dụng mức lương lao động của Bangladesh trong việc tính toán biên độ bán phá giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam trong lần rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 (năm 2013), nên đã kiện DOC ra tòa. Do đó, ngày 16/3/2017, Tòa Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) ra phán quyết việc DOC sử dụng dữ liệu về mức lương ở Bangladesh trong việc tính toán biên độ bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam là không hợp lý, đồng thời yêu cầu DOC cân nhắc lại việc tính toán này.
Trên cơ sở đó, DOC đã tính toán lại biên độ bán phá giá đối với tôm Việt Nam trong đợt rà soát hành chính lần thứ 9 và các đợt rà soát sau đó, tức là từ tháng 2/2013, DOC không sử dụng dữ liệu về mức lương tại Bangladesh mà sử dụng mức lương ở Ấn Độ. Do mức lương ở Ấn Độ cao hơn ở Bangladesh nên biên bộ bán phá giá đối với tôm Việt Nam cũng theo đó mà tăng lên.
Việc làm này của DOC, theo quy định của luật pháp Mỹ là hợp pháp vì DOC phải tuân thủ phán quyết của Tòa Thương mại quốc tế Mỹ. Vấn đề là CIT chỉ nói DOC sử dụng mức lương của Bangladesh là không hợp lý và đề nghị DOC tính toán lại chứ CIT không nói rõ là cần phải tính thế nào và sử dụng quốc gia nào để thay thế. DOC đã chọn Ấn Độ để thay cho Bangladesh trong việc tính mức lương.
* Theo ông, điều ấy sẽ gây những bất lợi nào cho DN xuất khẩu tôm của Việt Nam?
- Việc DOC chọn mức lương ở Ấn Độ để thay thế mức lương ở Bangladesh làm cho đầu vào tính thuế đối với con tôm Việt Nam tăng lên vì chi phí lao động ở Ấn Độ cao hơn chi phí lao động ở Bangladesh. Điều này là bất lợi cho Việt Nam. Vì mức thuế tăng lên có nghĩa là tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ có giá cao hơn ở thị trường Mỹ và như thế, sức cạnh tranh của tôm Việt Nam cũng sẽ giảm theo tương ứng. Các bạn hàng, các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ phải cân nhắc khi mua tôm của Việt Nam.
* Đây không phải lần đầu Mỹ thay đổi cách tính thuế với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và chắc chắn chưa phải là lần cuối cùng. Theo ông, giải pháp tốt nhất cho DN xuất khẩu tôm vào Mỹ là gì?
- Đúng là Mỹ đã nhiều lần thay đổi cách tính thuế với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Năm 2014, DOC đã thay đổi cách tính khi Mỹ không còn được sử dụng phương pháp quy về không (zeroing) vì Mỹ đã thua Việt Nam trong vụ kiện tại WTO. Đó là lần thay đổi để nhằm duy trì cách tính thuế có lợi cho Mỹ đã bị WTO bác bỏ. Nhưng lần này lại khác, DOC thay đổi là để tuân thủ phán quyết của CIT, mà nguyên nhân là Hiệp hội Các nhà sản xuất tôm Hoa Kỳ thắng kiện DOC, đã gây bất lợi cho DN Việt Nam.
Phán quyết này trước mắt ảnh hưởng đến những đơn hàng mà Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ từ trước đó, tức từ tháng 2/2013 đến tháng 2/2014. Việc DN xuất khẩu tôm Việt Nam cần làm ngay là ngồi lại với các nhà nhập khẩu Mỹ để tính toán thiệt hơn giữa hai bên, bởi vì khoản thuế này là do các nhà nhập khẩu Mỹ đóng cho Chính phủ Mỹ. Nếu đã có quy định trong hợp đồng thì phải căn cứ vào hợp đồng để giải quyết. Trong trường hợp hợp đồng không quy định rõ, phải tìm một giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận.
Về lâu dài, đã làm ăn với Mỹ thì những rủi ro pháp lý từ thị trường này là không tránh khỏi. Giải pháp tốt nhất là DN tự trang bị kiến thức pháp lý cần thiết để phòng ngừa và xử lý khi sự việc xảy ra. Đối với những vấn đề pháp lý vượt quá tầm giải quyết của DN thì việc thuê luật sư là cần thiết. Chi phí thuê luật sư có thể làm tăng chi phí của DN, nhưng bù lại, DN có những hướng dẫn đáng tin cậy để ra những quyết định đúng đắn.
* Các rào cản thương mại đang tiếp tục được Mỹ dựng lên trong quá trình điều chỉnh các chính sách kinh tế, thương mại. Theo ông, DN Việt Nam cần làm gì để tiếp tục kinh doanh tại thị trường Mỹ?
- Không còn cách nào khác, các DN phải "vừa đánh vừa đàm", tức là vừa tiếp tục sản xuất, xuất khẩu vừa chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình đó.
Thị trường Mỹ có sức thu hút rất lớn, tôi nghĩ là các DN Việt Nam cần quan tâm hơn đến sự thay đổi chính sách của Mỹ.
* Cám ơn ông!