Hoa Kỳ rà soát thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây đã ra thông báo tiến hành các đợt rà soát hành chính định kỳ đối với một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Cụ thể, danh sách các sản phẩm và mã vụ việc đang bị DOC rà soát bao gồm:
Túi mua hàng bằng giấy (Certain Paper Shopping Bags): Mã vụ việc A-552-836, thời kỳ rà soát từ 3/1/2024 đến 30/6/2025.
Đinh thép (Steel Nails): Mã vụ việc A-552-818, thời kỳ rà soát từ 1/7/2024 đến 30/6/2025.
Máy cắt cỏ đẩy tay và các bộ phận (Certain Walk-Behind Lawn Mowers and Parts Thereof): Mã vụ việc A-552-830, thời kỳ rà soát từ 1/7/2024 đến 30/6/2025.
Ống thép chịu lực không gỉ (Welded Stainless Pressure Pipe): Mã vụ việc A-552-816, thời kỳ rà soát từ 1/7/2024 đến 30/6/2025.
Lốp xe tải hạng nhẹ (Passenger Vehicles & Light Truck Tires): Mã vụ việc C-552-829, bị rà soát theo thuế chống trợ cấp, với thời kỳ từ 1/1/2024 đến 31/12/2024.

Các bên liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày DOC đăng thông báo rà soát (tức ngày 30/7/2025) để đăng ký danh sách bên liên quan và nộp yêu cầu rà soát (chậm nhất ngày 31/7/2025). Nếu sau thời hạn trên, không có yêu cầu rà soát nào được gửi đến DOC đối với các lô hàng thuộc phạm vi áp thuế, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) sẽ tiến hành quyết toán khoản tiền ký quỹ thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp trước đó.
Theo quy định của Hoa Kỳ, trong vòng 35 ngày kể từ ngày đăng thông báo trên công báo liên bang (dự kiến ngày 4/8/2025), DOC sẽ lựa chọn doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc, căn cứ trên dữ liệu do CBP cung cấp. Trong một số trường hợp, DOC sẽ gửi bản câu hỏi về Lượng và Giá trị (Q&V questionnaire) để hỗ trợ việc lựa chọn này.
Các bên cũng có quyền rút yêu cầu rà soát trong vòng 90 ngày kể từ ngày khởi xướng (dự kiến đến ngày 28/9/2025), thời hạn này có thể được gia hạn tùy từng vụ việc cụ thể.
Đáng chú ý, để được xem xét hưởng thuế suất riêng rẽ, doanh nghiệp phải nộp đơn xin hưởng trong vòng 21 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng (dự kiến đến ngày 21/7/2025). Nếu doanh nghiệp không nộp đơn và cũng không được chọn làm bị đơn bắt buộc, họ có thể bị áp dụng mức thuế toàn quốc (có thể rất cao).
Ngoài ra, DOC có thể yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin nhằm lựa chọn quốc gia thay thế phù hợp để tính giá trị xuất khẩu của Việt Nam, do nước ta vẫn được xem là nền kinh tế phi thị trường trong một số vụ việc thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu thuộc phạm vi các vụ việc trên cần chủ động cập nhật thông tin, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo yêu cầu của DOC. Việc phối hợp kịp thời, chặt chẽ với Cục sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng và duy trì ổn định xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng cạnh tranh khốc liệt.