Mỹ và Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác đóng tàu trong bối cảnh căng thẳng thương mại
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC 2025 diễn ra tại đảo Jeju, Hàn Quốc, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã gặp lãnh đạo hai tập đoàn đóng tàu hàng đầu Hàn Quốc là HD Hyundai và Hanwha Ocean, nhằm thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và củng cố chuỗi cung ứng hàng hải giữa hai nước.
Ông Greer đã gặp ông Chung Ki-sun - CEO của HD Hyundai, để trao đổi về các cơ hội hợp tác trong phát triển công nghệ, quy trình sản xuất và đào tạo nhân lực trong ngành đóng tàu. Ông Chung nhấn mạnh sự sẵn sàng của HD Hyundai trong việc hỗ trợ Mỹ tái thiết ngành công nghiệp đóng tàu, đồng thời đề xuất mở rộng chuỗi cung ứng thiết bị cảng biển, bao gồm cần cẩu, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Trước đó, ông Greer cũng đã gặp ông Kim Hee-cheul - CEO của Hanwha Ocean, để thảo luận về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu quân sự và dịch vụ bảo trì cho Hải quân Mỹ. Công ty Hanwha Ocean từng được biết đến với tên gọi Daewoo Shipbuilding, hiện đang tích cực mở rộng hoạt động tại thị trường Mỹ, bao gồm việc mua lại một nhà máy đóng tàu ở Philadelphia và ký kết các hợp đồng sửa chữa tàu với Hải quân Mỹ.
Các cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm Hàn Quốc, với mức thuế lên đến 25%. Hàn Quốc đang nỗ lực đàm phán để đạt được một thỏa thuận toàn diện với Mỹ nhằm giảm hoặc miễn trừ thuế quan, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực đóng tàu, an ninh kinh tế và chính sách tiền tệ.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun dự kiến sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với ông Greer để thúc đẩy tiến trình đạt được một thỏa thuận trước tháng 7. Ngành đóng tàu Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và năng lực sản xuất. Đây được xem là "lá bài chiến lược" của Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Các cuộc đàm phán diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC, được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và tiến trình cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang gặp nhiều khó khăn. Việc hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu giữa Mỹ và Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho quan hệ thương mại song phương và góp phần ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về đóng tàu, đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực tàu chở khí hóa lỏng (LNG), tàu chở dầu siêu lớn (VLCC) và tàu đa nhiên liệu thân thiện môi trường. Các tập đoàn lớn như HD Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries và Hanwha Ocean đang vận hành các nhà máy hiện đại với năng suất cao, có khả năng chế tạo các loại tàu phức tạp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Báo cáo từ ING cho thấy, Hàn Quốc chiếm khoảng 70% đơn hàng tàu LNG toàn cầu năm 2022 và hơn 50% đơn hàng tàu chạy bằng nhiên liệu sạch, cho thấy ưu thế trong phân khúc tàu công nghệ cao.
Theo Korea Times, các nhà máy đóng tàu Hàn Quốc đã giành được các đơn đặt hàng với tổng cộng 900.000 tấn tổng hợp bù -CGT (công cụ thống kê nhằm đánh giá năng lực đóng tàu ở phạm vi kinh tế vĩ mô) cho 13 tàu, chiếm 62% tổng số toàn cầu là 1,46 triệu CGT vào tháng 1/2025. Trong khi đó, Trung Quốc đứng thứ 2 với 270.000 CGT cho 21 tàu, chiếm 19% tổng số toàn cầu, theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Clarkson Research Services có trụ sở tại Anh.