Quốc tế

Mỹ lại “tung đòn” thương chiến, mục tiêu gì?

Khả Hân 27/05/2024 11:26

Sau 6 năm, Mỹ lại “tung đòn” chiến tranh thương mại với Trung Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai bên lại căng thẳng. Mục tiêu của Mỹ là gì và vì đâu có hành động này trong năm nay?

Cường độ thương chiến

Giữa tháng 5 vừa qua, Mỹ bất ngờ thông báo tăng mạnh thuế đối với nhiều hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ xe điện, pin, thiết bị y tế cho đến các sản phẩm nhôm và thếp. Thuế mới sẽ được chính quyền Biden áp dụng trong năm nay, số ít mặt hàng vào 2026. Do đó, xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng đột biến trong năm nay với các sản phẩm sẽ bị áp thuế vào 2025 và 2026.

Trong đó, đáng chú ý nhất là thuế suất với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 102,5% trong năm nay từ mức 27,5%. Tuy nhiên, thực tế là các hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc như BYD, NIO và Li Auto vẫn chưa bán chính thức xe điện tại Mỹ, do các rào cản nhập khẩu ôtô nói chung. Polestar là thương hiệu duy nhất, thông qua sự hợp tác giữa Geely (Trung Quốc) và Volvo, bán xe vào thị trường này.

the-gioi.jpg

Dù vậy, các quan chức Mỹ vẫn lo ngại xe điện Trung Quốc sẽ sớm tràn ngập thị trường Mỹ, thông qua nước thứ ba. Bởi, cuộc chiến giảm giá đang nổ ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thu hút sự tham gia của BYD, Geely, Great Wall Motor, thậm chí cả Tesla. Điều này khiến Mỹ lo ngại rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu để thoát khỏi khó khăn.

427tỷ USD:

Số tiền Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong năm 2023.

Ngay lập tức, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và yêu cầu hủy bỏ các biện pháp thuế quan bổ sung nay. Theo cơ quan này, đây là hành động chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại, ảnh hưởng đến hợp tác song phương. Hiện nhiều mặt hàng của Trung Quốc vẫn đang nằm trong diện chịu thuế nhập khẩu vào Mỹ, từ sau đợt áp thuế gần đây nhất của Mỹ lên Trung Quốc là dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump năm 2018 và 2019, với số hàng hóa trị giá khoảng 300 tỷ USD.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Biden dự đoán đợt tăng thuế sẽ không làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc và Bắc Kinh khó có thể đáp trả Mỹ một cách đột ngột. Nguyên nhân bởi việc nhắm vào các công ty nổi tiếng của Mỹ hoặc siết chuỗi cung ứng, như hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, sẽ làm tổn thương niềm tin trong và ngoài nước của Bắc Kinh, trong bối cảnh họ đang nỗ lực tăng kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài sau giai đoạn sụt giảm liên tiếp thời gian qua.

Mục tiêu phía sau

Đòn đánh thuế của Nhà Trắng tung ra ngay thời điểm Tổng thống Nga dự kiến thăm Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5. Giống như ông Tập chọn Moskva cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử năm ngoái, lãnh đạo Nga cũng tới thăm Bắc Kinh sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ năm hôm 7/5. Trung Quốc thời gian qua vẫn từ chối lên án Nga về cuộc chiến ở Ukraine, lập luận rằng việc NATO mở rộng cùng “tâm lý Chiến tranh Lạnh” của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến xung đột.

148 tỷ USD:

Số tiền hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Còn trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc được đăng ngày 15/5, một ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga vẫn sẵn sàng đối thoại và đàm phán để giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm ở Ukraine. Ngoài ra, Tổng thống Nga cho biết ông cùng ông Tập đã đưa mối quan hệ song phương Nga - Trung trở nên vững mạnh nhất trong lịch sử nhờ dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

Kim ngạch thương mại Nga - Trung gần đây tăng đáng kể. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng trong quý I năm nay. Việc Nga - Trung xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại đây sẽ là đòn bẩy để Moskva lách lệnh trừng phạt và vẫn có nguồn lực tài chính để chi cho chiến sự.

Chính vì vậy, không loại trừ khả năng chính sách áp thuế bổ sung của Mỹ như một đòn “nắn gân” phía Trung Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ Nga và Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn. Trước đó vào cuối tháng 4, các nguồn tin cho biết Mỹ đang dự thảo các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số ngân hàng Trung Quốc được cho là đang hỗ trợ hoạt động sản xuất quân sự của Nga. Biện pháp trừng phạt có thể bao gồm loại bỏ các ngân hàng này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

the-gioi-3.jpg

Ngoài ra, với thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, giới phân tích cũng cho rằng chính sách này của ông Biden nhằm ghi điểm với cử tri. Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào năm 2023, hơn 83% người Mỹ có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc. Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump - người đã bày tỏ ủng hộ áp mức thuế từ 60% trở lên đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên các mức thuế mà chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc. Đây là một phần nỗ lực nhằm khuyến khích sản xuất nhiều hơn ở Mỹ. Thực tế các sắc thuế bổ sung mà chính quyền Biden dự kiến triển khai là khá khiêm tốn.

Với lạm phát vẫn neo cao, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, nền kinh tế Mỹ cũng đứng trước rủi ro suy thoái, Nhà Trắng cũng buộc phải cân nhắc kỹ càng khi tăng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo các nhà kinh tế học, trong ngắn hạn các sắc thuế của Mỹ đưa ra sẽ không tác động đáng kể lên GDP, lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ. Ngược lại, với Trung Quốc, việc áp thêm thuế cũng có thể không ảnh hưởng ngay lập tức. Bởi, nhà sản xuất xe điện hàng đầu nước này chưa hiện diện nhiều tại Mỹ, còn pin năng lượng mặt trời xuất khẩu chủ yếu qua nước thứ ba.

Dù vậy, đợt tăng thuế mới của Mỹ sẽ mang lại thách thức lâu dài nếu các đồng minh của Mỹ như Liên minh châu Âu, Anh và các nước khác thực hiện theo. Gần đây, các công ty Trung Quốc đã phải đối mặt với chỉ trích từ Mỹ và Liên minh châu Âu về việc đang xả hàng giá rẻ vào các nước này. Điều này đặt Trung Quốc, EU và Mỹ vào tình thế đối đầu thương mại nguy hiểm năm 2024, với khả năng cao xảy ra các trường hợp hành động phòng thủ thương mại, mà chính sách tăng thuế mới đây của Mỹ là minh chứng rõ nhất và có thể chỉ mới là màn dạo đầu.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc xuất 12.362 xe điện sang Mỹ vào năm 2023, với khoảng 10.000 chiếc là của thương hiệu Polestar.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ lại “tung đòn” thương chiến, mục tiêu gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO