Nền kinh tế của Việt Nam 40 năm qua đã trải qua nhiều giai đoạn, có được và có mất, nhưng cái được cũng chưa hoàn hảo và cái mất thì khá nặng nề. Vì lẽ đó, đất nước và nền kinh tế phát triển chậm hơn so mong muốn, so với yêu cầu và khả năng.
Sai lầm về chiến lược và mô hình phát triển dẫn tới khủng hoảng kinh tế - xã hội cho tới cuối năm 1986. Đảng đã tổng kết điều này và tiến hành đổi mới. Những quyết sách về đổi mới kinh tế từ tháng 12/1986 đã tạo bước ngoặt trong lịch sử phát triển của đất nước.
Dù chưa thật hoàn chỉnh, sau này phải tiếp tục thực hiện, nhưng nhờ những quyết sách mạnh mẽ đó, đất nước đã đi tới một chặng đường khác trong sự phát triển, thu được những thắng lợi quan trọng và có ý nghĩa lịch sử.
Đổi mới và thay đổi mô hình phát triển, tăng trưởng, từ không thị trường sang cơ thế thị trường, từ không hội nhập sang hội nhập, từ sở hữu đơn thuần nhà nước và tập thể sang đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân và sở hữu nước ngoài.
Ba điểm ấy là những nét nổi bật của quá trình đổi mới, tạo nền tảng mở cửa vào thập niên 1990, khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ và có Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ.
Việt Nam đã gia nhập ASEAN, WTO và tham gia nhiều định chế quốc tế, có quan hệ với hơn 250 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ nền tảng hợp tác này, Việt Nam đã có nhiều thành công trong quá trình hội nhập.
Tuy nhiên, nền kinh tế rơi vào bất ổn nghiêm trọng, suy giảm nặng nề từ năm 2007 - 2008, đến nay chưa khắc phục được. Đó là điều đáng tiếc, phải tổng kết, rút ra bài học như từng làm ở những giai đoạn trước.
Bước vào thời kỳ phát triển mới với rất nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và triệt để.
Đây không phải là một vấn đề đơn giản mà phải kiên trì đấu tranh để đổi mới tư duy, nhận thức và tìm cách làm để tránh đi theo đường mòn, trở lại nếp cũ mà đến nay vẫn còn nhiều.
Không có tư duy phát triển mới, Việt Nam không thể tiến nhanh được, thậm chí có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nhưng cái khó nhất hiện nay là xác định tư duy cho sự phát triển.
Đại hội Đảng tới đây sẽ quyết định và xây dựng tiếp nền tảng (tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng) để thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp đúng nghĩa.
Đổi mới hiện nay phải bắt đầu từ đổi mới tư duy. Ví dụ, hội nhập thế giới đòi hỏi một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, nhưng lâu nay Việt Nam vẫn còn vương vấn với vấn đề "kinh tế nhà nước là chủ đạo" hay "đất đai là sở hữu toàn dân"...
Những vấn đề này, Đảng đã quyết định đường lối, Hiến pháp đã khẳng định, đảng viên và công dân tuân theo để thực hiện. Đó là xác nhận về mặt chính trị nhưng thực tiễn phải được trải nghiệm và chứng minh.
Việc đòi giải đáp ngay bằng câu chữ không giải quyết được vấn đề.
Chiến lược phát triển kinh tế tới năm 2030-2035 đang được xây dựng. Vấn đề quan trọng nhất là phải đổi mới tư duy phát triển, trên cơ sở đó đổi mới mô hình phát triển, thay vì chỉ đổi mới mô hình tăng trưởng.
Một đặc thù của xây dựng kế hoạch chiến lược là các chỉ tiêu, nếu không có chỉ tiêu thì không thành kế hoạch.
Một hướng đi rất quan trọng là phải hạn chế đến mức ít nhất các chỉ tiêu về số lượng có tính chất trực tiếp, bắt buộc, trừ một số lĩnh vực thật cần thiết như dự toán ngân sách, đầu tư bằng vốn nhà nước, xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, nhiệm vụ xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng...
Thay vào đó là các chỉ tiêu có tính chất gián tiếp, dự báo, hướng dẫn, đặc biệt là coi trọng và tăng thêm các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng và phát triển.
Việc sử dụng các chỉ tiêu chất lượng này không nên tham nhiều mà tập trung vào các chỉ tiêu có tính bao quát, tổng hợp, là kết quả hoặc hệ quả của việc thực hiện các chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, chi tiết.
Ví dụ như chỉ tiêu suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị tăng trưởng GDP của nền kinh tế, hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR)... Làm được như vậy đòi hỏi phải nghiên cứu công phu, đồng bộ trong từng khâu, từng lĩnh vực trong nền kinh tế.
>Mạnh dạn đổi mới kinh tế lần 2
>Kinh nghiệm đổi mới từ Malaysia và Thái Lan
>Đổi mới - Công trình sáng tạo của Đảng nâng vị thế đất nước
>Muốn đổi mới nền kinh tế, phải đổi mới cán bộ