Tiến thoái lưỡng nan

KHẢI LY| 15/03/2012 06:16

Hai cô gái đang đứng trên một lằn ranh vô hình, bước sang xã hội hiện đại không được, bước trở lại xã hội người Lạch không xong, và các cô đứng đó với một cảm giác lạc lối, đôi khi không biết mình là ai.

Tiến thoái lưỡng nan

Tôi lắng nghe một tâm hồn lương thiện bình thường, khao khát yêu và được yêu, khao khát hạnh phúc như tất cả mọi phụ nữ trên đời, ủng hộ không phán xét quyền được lựa chọn một lối sống, một tương lai mà với nó, họ thấy hạnh phúc. Với lựa chọn đó, họ sẽ được gì, mất gì, đôi khi họ gặp những cú sốc, đôi khi phải hy sinh, đôi khi trên con đường đi tìm hạnh phúc, người ta phải trả giá đắt mới có được chút hạnh phúc nhỏ nhoi.

Đêm một thị trấn cao nguyên Lang Biang, vùng đất của những trang trại trồng khoai tây và cà phê, của những phụ nữ người Lạch mặt bịt kín, mang gùi nặng trĩu những đọt măng và chuối từ rẫy về nhà. Nhưng khi ánh lửa bập bùng và tiếng cồng chiêng vang lên dội vào vách đá thì hình ảnh những cô gái Lạch đã thay đổi trong mắt du khách.

Hai cô gái trong đội múa xinh đẹp, trắng nõn, không giống chút nào với những người cùng thôn làng. Một vẻ đẹp hoang dại mê hoặc lòng người. Nó cuốn các vị khách vào những trò vui chơi nhảy múa cùng hội làng, và cũng từ đó, những cô gái hoang dã bỗng có những người bạn khắp thế giới, và những ước mơ cũng đã vượt quá xa khỏi dãy núi biểu tượng tình yêu mang cái tên ghép của một cặp tình nhân “dị tộc”, chàng Lang người Chil và nàng Biang người dân tộc Lạch.

Hai cô gái đẹp đã lỡ một lần yêu những chàng trai Việt kiều, với những ước mơ khác lạ về một chân trời khác lạ và hạnh phúc viên mãn. Nhưng nhân duyên không thành.

Trong mắt của những người Lạch trong làng, cô gái nào đã từng đem lòng yêu thương một chàng trai không cùng dân tộc, người con gái ấy coi như mất “giá trị”. Nếu cô gái trẻ dù xinh đẹp đến đâu còn muốn “bắt chồng”, phải đền cho nhà trai rất nhiều tiền và gia súc.

Hai cô gái trẻ ở đội múa cồng chiêng tâm sự, các cô không muốn "bắt chồng" phải đền nhiều của cải vô lý, nên trở lại cuộc sống nương rẫy vất vả theo truyền thống của người Lạch ở Lâm Đồng.

Đó là những cô gái đầu tiên của người dân tộc Lạch muốn được thoát ra khỏi buôn làng bằng những cuộc hôn nhân nhuốm màu đa văn hóa như thế.

Bây giờ các cô gái xinh đẹp ở đội văn nghệ cồng chiêng dưới chân núi Lang Biang ấy vẫn đang tìm kiếm chồng tốt trong số những du khách ghé vào khu du lịch tham quan.

Đi theo các cô một ngày, bước chân vui vẻ hướng về những cửa hàng mỹ phẩm cuối thị trấn. Có lúc bước đi kiêu hãnh, nhưng ánh mắt buồn bã dừng lại ở các quán cà phê ven đường có các chàng trai Lạch đang ngồi ngắm họ lướt qua với sự xa lạ, không khỏi có những tia nhìn nuối tiếc với theo một nhan sắc khá hiếm đang tuột khỏi tầm với.

Những cô gái đẹp như ông bà xưa từng nói họ mang phận “hồng nhan”, họ lạc loài giữa những khắt khe và bước ngập ngừng về phía hạnh phúc. Cô gái người Lạch trắng và xinh, cô không muốn cái nắng gió cao nguyên phá hủy làn da mịn màng của mình. Cô không chịu được cái ý nghĩ phải mang gùi lội bộ qua suối, làm lụng suốt ngày trên đất đỏ, tối về nhà xem ti vi như những cô gái ở xứ này.

Cô muốn làm công việc văn phòng, cô dự định sau khi lấy được bằng đại học, sẽ đi thành phố Hồ Chí Minh, tìm một công việc thích hợp trong một công ty, thoát khỏi cảnh sống lam lũ nơi quê nhà.

Cuộc sống của cô chứa đựng đầy những mâu thuẫn. Hiện tại, ban ngày, cô đi làm ở thị trấn, và với cách chưng diện của mình, cô làm các đồng nghiệp khó chịu, vì cô là người Lạch mà sành điệu hơn họ.

Cô càng cô đơn hơn trong cái xã hội nhỏ bé ở thị trấn, nơi người Lạch theo chế độ mẫu hệ, con gái đôi mươi đã bắt chồng, đi làm rẫy, đầu tắt mặt tối với vườn cà phê hay ruộng khoai tây. Trai làng làm thợ mộc, thợ nề, làm rẫy tận chân núi.

Tôi lắng nghe một tâm hồn lương thiện bình thường, khao khát yêu và được yêu, khao khát hạnh phúc như tất cả mọi phụ nữ trên đời, ủng hộ không phán xét quyền được lựa chọn một lối sống, một tương lai mà với nó, họ thấy hạnh phúc.

Với lựa chọn đó, họ sẽ được gì, mất gì, đôi khi họ gặp những cú sốc, đôi khi phải hy sinh, đôi khi trên con đường đi tìm hạnh phúc, người ta phải trả giá đắt mới có được chút hạnh phúc nhỏ nhoi.

Hai cô gái đang đứng trên một lằn ranh vô hình, bước sang xã hội hiện đại không được, bước trở lại xã hội người Lạch không xong, và các cô đứng đó với một cảm giác lạc lối, đôi khi không biết mình là ai.

Câu chuyện của hai cô gái đặt trong bối cảnh một xã hội thiểu số chuyển mình mạnh mẽ từ gốc rễ, với những giá trị truyền thống bị đảo tung, những quan niệm cũ về hôn nhân, về giá trị của con người phải lùi bước trước làn sóng văn hóa mới.

Đó cũng là chuyện xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta, ở thế kỷ XXI, khi vẫn có một cô gái Việt bị nhà chồng trả về nhà vì lý do “mất trinh”, cô gái Lạch phải đền tiền vì tội “mất giá trị” khi dám yêu thương một người thuộc dân tộc khác...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiến thoái lưỡng nan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO