Bệnh nghề mới

QUẢNG YÊN/DNSGCT| 18/10/2015 06:32

Bệnh nghề mới, thấy rõ nhất là không còn lòng trung thành. Chỉ cần lương cao, không đúng nghề hoặc là nghề mới không thích bằng nghề cũ nhưng lương cao hơn là đi liền.

Bệnh nghề mới

“Mấy anh trai nhà mình bây giờ làm nghề gì, ở đâu hả bà?”. Nghe hỏi vậy, đừng tưởng rằng người bà con họ hàng dưới quê lên hỏi thăm. Mà đó là ông chồng hỏi… vợ ở ngay trong nhà. Phải chăng “không quan tâm đến nhau, quan hệ gia đình lỏng lẻo” là căn bệnh thời đại?

Đọc E-paper

Thế nhưng muốn “sửa cho bớt bệnh” cũng không dễ, hỏi thăm xem con cái đang làm gì, ở đâu có khi chúng gắt lên, “có nói thì ba má cũng đâu có hiểu, bây giờ toàn nghề mới không à…”.

Mà đúng vậy thật, ngày xưa của cha mẹ làm gì có PR, PG, Marketer, MC… toàn tên Tây. Chưa kể những Digital và Social Media nữa là… chết ngắc. Bây giờ chúng làm những trò “ma quái” như Seeding Online, Forum Seeding… nằm trong bóng tối dõi theo người ta, ủ mưu bịa ra những xì-căng-đan để câu view.

Thật sự là thời của cha mẹ đã qua rồi. Ngày xưa đã vào một cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là hết lòng gắn bó cả đời. Bây giờ đám trẻ hở chút là nhảy việc, làm gì có khái niệm trung thành. Trung thành là… dại.

Đi vào các cửa hàng cửa hiệu, trung tâm mua bán, giao dịch… thấy các trai thanh gái lịch ăn mặc đồng phục lịch sự, mời mọc, thấy văn minh thương mại và dịch vụ xã hội thị trường tiến bộ nhanh quá, cũng yên lòng về tương lai con cái. Chúng có nhiều cơ hội để làm việc hữu ích và con người chắc cũng phải văn minh thực sự mới làm nên sự thay đổi của đất nước.

Này ông ơi, mừng “một nửa” thôi. Tôi hỏi ông, nếu tất cả trai thanh gái lịch đều như ông nghĩ, thì ở đâu ra những đứa mất dạy đầy đường, những quân cướp của giết người, lừa đảo, chẳng ngày nào không đầy các trang báo? Thì xã hội luôn có đủ hết, vậy mới gọi là xã hội. Nếu không, đã gọi là tập thể ưu tú tiên tiến gì gì nữa, thiếu gì danh hiệu?

Mà nghĩ lại, thấy cũng đáng lo thật. Bệnh nghề mới, thấy rõ nhất là không còn lòng trung thành. Vậy sao cứ nói rằng phải học cách quản lý kiểu Nhật Bản, chăm lo gắn bó người lao động như gia đình, tặng quà sinh nhật này nọ, công ty gia tộc gắn bó…? Học kiểu gì mà thoắt cái đã nhảy sang chỗ khác, chỉ cần lương cao, không đúng nghề hoặc là nghề mới không thích bằng nghề cũ nhưng lương cao hơn là đi liền?

Trai gái thanh lịch tự tin đầy mình nghiệp vụ nhưng rồi giả dối, lương tâm cạn dần, miễn sao bán được hàng, phủ bom tin nhắn. Gái thì cong cớn, tự tin, ái kỷ, kiêu ngạo, về nhà coi cha mẹ là “thế hệ lạc hậu” hết. Thiếu gì cậu ấm cô chiêu đi làm rồi mà coi cha mẹ chẳng ra gì, dù vẫn phải sống dựa vào chính cơ nghiệp tài sản của bố mẹ cả đời mới lập nên?

Nhiều anh chị không muốn nhắc “ngày xưa cha mẹ nuôi con khó nhọc”. Anh chị ấy sợ phải biết ơn cha mẹ hay sao đó? Làm như biết ơn cha mẹ thì đồng nghĩa với mình yếu kém? Không, các anh chị không ai chịu tiếng yếu kém hết.

Yếu kém sao được khi vi tính nhoay nhoáy, tiếng Anh cũng biết, Tây Tàu đều rành, các trò chơi, máy móc cha mẹ đâu có biết chúng bấm bấm cái gì cả ngày? Trên mạng người ta tự do ăn nói, ở nhà cha mẹ lại cứ khuyên nhủ “chuyện ngày xưa”, ai nghe? Thử nói đạo lý với những đứa chửi cả ông bà trên “Phây” (Facebook) kia xem, với những đứa con gái chanh chua cãi nhau trên Phây rồi thách nhau ra “giải quyết” ở phố đi bộ kia xem, chúng có nghe không?

Còn khuya nhé. Một khi văn hóa tụt lại phía sau vật chất thì vật chất càng văn minh, con người sẽ càng trở nên “ngu mà còn tỏ ra… nguy hiểm”.

>Xử lý “hội chứng đám đông”

>9X nhìn tương lai

>Quyền đi tìm một lần sống tử tế

>Chẳng ai sung sướng, tại sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bệnh nghề mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO