Liên kết tam giác xuất khẩu: Hướng đi chiến lược cho TP.HCM mới
Xuất khẩu TP.HCM mới đạt hơn 53 tỷ USD nửa đầu 2025, nhờ nhiều yếu tố cộng hưởng. Trước biến động toàn cầu, mô hình liên kết tam giác giữa sản xuất, thương mại, cảng biển được xem là hướng đi chiến lược, giúp tái cấu trúc chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
Định hình chuỗi xuất khẩu tích hợp
Việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ thay đổi ranh giới hành chính mà còn mở ra tiền đề cho một không gian kinh tế liên kết có chiều sâu. Trong cấu trúc mới này, xuất khẩu bắt đầu được tổ chức lại theo hướng phối hợp chức năng giữa ba địa phương: khu vực sản xuất công nghiệp hiện đại tại Bình Dương, hệ thống thương mại - tài chính tại TP.HCM và cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM đạt 31,6 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Bình Dương đạt 18,4 tỷ USD, tăng 13,9%. Bà Rịa - Vũng Tàu đạt xấp xỉ 3 tỷ USD (không bao gồm dầu thô), tăng 1,06%. Tổng cộng, TP.HCM mới đã đóng góp hơn 53 tỷ USD, phản ánh tiềm lực rõ nét của khu vực này trong thương mại quốc tế.
Lý giải về đà tăng trưởng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2025, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, từ đầu quý II, nhiều DN trên địa bàn đã tăng tốc sản xuất và đẩy nhanh tiến độ giao hàng nhằm tận dụng giai đoạn tạm hoãn 90 ngày trước khi Mỹ chính thức áp dụng mức thuế quan mới kể từ tháng 7. Ông nhận định: “Khoảng thời gian hoãn thuế tạm thời là cơ hội quý báu để DN điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh, hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu, qua đó phần nào giảm thiểu rủi ro liên quan đến chi phí và thuế suất”.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng này chủ yếu phản ánh “sự tăng tốc mang tính ngắn hạn” phát sinh từ yếu tố thời vụ và biến động chính sách thương mại. Khi mức thuế 20%, thậm chí có thể lên tới 40% đối với một số mặt hàng đã chính thức có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn trong nửa cuối năm. Do đó, các giải pháp mang tính căn cơ về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tăng cường xác minh xuất xứ, tối ưu hóa chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh là điều kiện thiết yếu để duy trì đà xuất khẩu ổn định.
Nhận định này cũng phù hợp với quan điểm của nhiều chuyên gia, cho rằng tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh hiện tại không thể dựa vào cơ hội ngắn hạn, mà cần một chiến lược thích ứng bền vững khi môi trường thương mại toàn cầu đang ngày càng bất định.
Dù hệ thống liên kết liên vùng chưa hoàn toàn định hình, nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Sản phẩm có thể được sản xuất tại các khu công nghiệp của Bình Dương, xử lý hồ sơ thương mại - tài chính tại TP.HCM và xuất qua cảng Cái Mép - Thị Vải. Việc các mắt xích chức năng dần định vị rõ vai trò cho thấy triển vọng hình thành một chuỗi xuất khẩu khép kín, giúp rút ngắn thời gian xử lý đơn hàng và cải thiện khả năng đáp ứng thị trường.

Ba nhóm ngành xuất khẩu nổi bật tại TP.HCM mới gồm điện tử - công nghệ cao, dệt may - giày dép, thực phẩm - nông thủy sản chế biến và gỗ nội thất. Ngành điện tử dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhờ sức mạnh sản xuất tại các khu công nghệ cao; dệt may và da giày tạo việc làm lớn với mạng lưới doanh nghiệp rộng. Trong khi đó, nhóm chế biến nông thủy sản và gỗ nội thất được kỳ vọng gia tăng vai trò khi hạ tầng logistics ngày càng hoàn thiện.
Cần chiến lược dài hạn
Dù hoạt động xuất khẩu trong nửa đầu năm đạt kết quả khả quan, nhưng những tháng cuối năm được dự báo sẽ đối mặt với nhiều áp lực gia tăng. Chỉ số sản xuất toàn cầu suy yếu, lạm phát chưa hạ nhiệt tại các thị trường chủ lực, cùng xu hướng phòng thủ trong tiêu dùng khiến đơn hàng mới giảm sút đáng kể. Các DN tại TP.HCM mới bắt đầu cảm nhận độ trễ của thị trường, đồng thời chịu tác động trực tiếp từ mức thuế suất mới mà Mỹ vừa áp dụng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chỉ ra hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, chu kỳ phục hồi sau đại dịch đang đi vào giai đoạn chững lại. Thứ hai, nhiều đơn hàng đã được phía nhập khẩu “kéo sớm” về đầu năm để né các thay đổi về thuế và tỷ giá, khiến sức mua dồn sớm và hụt ở nửa sau. Khi các rào cản thuế quan có hiệu lực với mức thuế 20%, thậm chí 40% đối với một số trường hợp khiến giá hàng hóa tăng, chi phí logistics leo thang trở lại và biên lợi nhuận bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng chắc chắn sẽ điều chỉnh theo hướng thận trọng hơn.
Ông Huân cho rằng, với bối cảnh hiện tại, xuất khẩu có thể giữ ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý III và IV, nhưng khó tạo đột phá. Để duy trì tăng trưởng bền vững, cần triển khai đồng bộ ba trụ cột: mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công và hỗ trợ tiêu dùng nội địa. Thị trường mới sẽ giúp duy trì đầu ra trong bối cảnh rào cản thuế gia tăng; đầu tư công đóng vai trò kích cầu sản xuất trong nước; còn tiêu dùng nội địa là lực đỡ quan trọng khi đơn hàng quốc tế sụt giảm. Nếu một trụ suy yếu mà hai trụ còn lại không đủ sức bù đắp, tăng trưởng xuất khẩu có thể hụt hơi trong năm 2026.
Các chuyên gia cho rằng, về dài hạn, điểm yếu lớn nhất của TP.HCM mới vẫn nằm ở tỷ lệ nội địa hóa trong các chuỗi sản xuất xuất khẩu. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện đặc biệt trong các ngành điện tử, thiết bị vẫn phải nhập khẩu. Điều này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng mà còn tạo ra rủi ro lớn về tỷ giá, thời gian giao hàng và độ trễ trong kiểm định chất lượng.

Để nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng trong xuất khẩu, cần phát triển công nghiệp phụ trợ mang tính liên vùng. Bình Dương và Đồng Nai có thể đóng vai trò trung tâm sản xuất linh kiện và vật liệu đầu vào, trong khi TP.HCM cần đầu tư mạnh vào trung tâm R&D, kiểm định chất lượng và dịch vụ logistics cao cấp. Nếu vận hành đúng chức năng trong chuỗi giá trị, toàn hệ thống sẽ đạt hiệu suất cao hơn, dù vẫn cần thời gian để chuẩn hóa và phối hợp thể chế.
Song song đó, DN xuất khẩu cần chủ động chuyển đổi hệ thống vận hành. Việc tích hợp công nghệ vào chuỗi cung ứng, từ ERP, AI, IoT đến phân tích thị trường theo thời gian thực sẽ giúp tăng khả năng phản ứng, giảm độ trễ khi thị trường biến động. Ngoài ra, tiêu chuẩn phát thải carbon và quy định kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt từ các thị trường lớn như EU, Nhật Bản hay Mỹ buộc DN phải đầu tư sớm để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về chiến lược thị trường, ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, TP.HCM mới cần hướng tới Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latinh - những khu vực có sức mua ổn định và ít rào cản phi thuế. Việc phát triển tuyến hàng hải trực tiếp từ Cái Mép đến các cảng tại Ấn Độ, UAE, Brazil hay Chile sẽ tạo hành lang logistics mới, giảm thời gian trung chuyển và tăng tính chủ động cho DN.