Dù các NHTƯ có ngừng tăng lãi suất, nhưng với mức lãi suất còn neo cao chưa biết đến khi nào mới giảm trở lại, áp lực chi phí vay vốn của DN sẽ chưa sớm được gỡ bỏ. Bên cạnh việc tăng lãi suất, NHTƯ Mỹ và Anh đang siết chặt chính sách tiền tệ bằng cách bán bớt trái phiếu mà họ nắm giữ và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ sớm tham gia vào cách làm này.
Trong tình thế ấy, rủi ro phá sản của giới DN đang lớn hơn bao giờ hết. Một dữ liệu công bố gần đây cho biết số lượng các công ty vỡ nợ tại Anh đã đạt mức cao kỷ lục kể từ cuộckhủng hoảng tài chính năm 2009.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ phá sản (IS) của Chính phủ Anh, năm 2022 nước này có tới 22.100 công ty đăng ký mất khả năng thanh toán, tăng hơn 57% so với năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2009. Còn theo bà Catherine Atkinson - Giám đốc Tái cơ cấu thuộc Tập đoàn PwC, số đơn các chủ nợ yêu cầu tòa án đóng cửa DN đã tăng 4 lần trong năm 2022 so với năm 2021.
Không chỉ DN, năm 2022, tình trạngvỡ nợ cá nhân cũng đạt mức cao nhất trong vòng ba năm do tiền lương giảm ảnh hưởng đến tài chính cá nhân. Với lãi suất trả cho các khoản vay thế chấp tăng gần 3,7% vào tháng 12/2022, mức tăng hằng tháng lớn nhất kể từ khi ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12/2021, những cá nhân vay mua nhà đang đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán và có thể bị siết nợ.
Tại Trung Quốc, dù đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các công ty bất động sản vẫn phải đối mặt với áp lực trả các khoản nợ khổng lồ trong năm 2023, trong bối cảnh doanh số giao dịch nhà ở dự kiến vẫn ở mức thấp trong một thời gian nữa.
Có thể thấy lo ngại về tình trạng vỡ nợ của DN vẫn tiếp tục gia tăng khi lãi suất lên cao, mặc dù nguy cơ suy thoái kinh tế đã giảm bớt phần nào. Điều đáng lo ngại là các thị trường dường như vẫn chưa đánh giá đầy đủ rủi ro vỡ nợ gia tăng. Theo S&P Global, dự báo tỷ lệ vỡ nợ của Mỹ và châu Âu sẽ lần lượt là 3,75% và 3,25% vào tháng 9/2023, so với mức 1,6% và 1,4% một năm trước đó. Thậm chí, họ không loại trừ khả năng con số này có thể lên tới 6% và 5,5%.