Rút dần khỏi Trung Quốc
Dịch bệnh vừa qua đã bộc lộ rõ những yếu kém của chuỗi cung ứng toàn cầu, khi nhiều nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào công xưởng sản xuất lớn nhất là Trung Quốc. Sự tập trung đến mức lệ thuộc trong hơn hai thập niên qua đã khiến nhiều quốc gia phải giật mình nhìn lại khi đại dịch Covid-19 xảy ra, dù Trung Quốc chỉ mới phong tỏa một thành phố là Vũ Hán nhưng đã khiến không ít tập đoàn nước ngoài lao đao do chuỗi cung ứng bị rối loạn.
Nhận thấy thực trạng trên cũng như để đối phó với những cú sốc tương tự trong tương lai, doanh nghiệp nhiều nước đã tìm cách rút ra khỏi Trung Quốc. Đơn cử như Chính phủ Nhật Bản mới đây cho biết sẽ hỗ trợ 23,5 tỷ yên, tương đương 220 triệu USD để khuyến khích doanh nghiệp chuyển hoạt động sang các quốc gia Đông Nam Á, cũng như hỗ trợ tài chính cho các công ty Nhật Bản chuyển địa điểm sản xuất ở nước ngoài về nước.
Các công ty cũng có thể nhận được trợ cấp khi mở thêm nhà máy hoặc thúc đẩy công suất hiện có ở Nhật Bản, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các mặt hàng hiện phải nhập khẩu nhiều từ những khu vực nhất định. Sáng kiến này được đưa ra sau khi nhiều hãng sản xuất ô tô và các nhà chế tạo khác của Nhật Bản bị thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán.
Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) - ông Phil Hogan hôm 21/4/2020 tuyên bố EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi Covid-19 qua đi. Giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua đã phơi bày nhiều vấn đề liên quan đến sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chẳng hạn thiết bị y tế, khi nhiều sản phẩm nhập từ Trung Quốc vào các nước châu Âu cho thấy kém chất lượng.
Trong khi đó, nếu như vào năm ngoái, nhiều công ty Mỹ đã thuyết phục các đối tác ở Trung Quốc di dời nhà máy sản xuất đến Đông Nam Á, hoặc rút hẳn hệ thống sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cũng như nhằm sắp xếp lại chuỗi cung ứng, thì trong đầu năm nay, hàng loạt công ty Mỹ tìm cách rút khỏi Trung Quốc và tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, nhằm giảm thiểu rủi ro thay vì dựa hoàn toàn vào Trung Quốc để rồi lĩnh hậu quả, như những gì đã xảy ra trong đại dịch Covid-19.
Tìm kiếm các đối tác mới
Một báo cáo mới đây của hãng tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney cho biết, chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp (Reshoring Index), cho thấy sản xuất nội địa Mỹ chiếm thị phần lớn hơn đáng kể trong năm 2019 so với hàng nhập khẩu từ 14 nền kinh tế châu Á. Theo đó, đã có khoảng 31 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ đã dịch chuyển từ nguồn Trung Quốc đến các nền kinh tế châu Á khác, bao gồm Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan. Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng dịch chuyển dây chuyền sản xuất tới Mexico.
Ngày 29/4/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã tuyên bố rằng Chính phủ Mỹ đang làm việc với Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Những cuộc thảo luận này xoay quanh việc các quốc gia nên tái cấu trúc các chuỗi cung ứng để ngăn ngừa việc lặp lại sự gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác cũng đang tìm cách thúc đẩy các công ty rút cả sản xuất và gia công khỏi Trung Quốc. Các công cụ thuế và trợ giá nằm trong số những biện pháp được cân nhắc để khuyến khích thay đổi. Đặc biệt, Mỹ đang xúc tiến hình thành một liên minh những đối tác đáng tin cậy gọi là “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”. Liên minh này sẽ bao gồm các công ty và những tổ chức hiệp hội hoạt động theo cùng một hệ thống tiêu chuẩn từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng, hạ tầng cho đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục.
Ngày 29/4/2020 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã tuyên bố rằng Chính phủ Mỹ đang làm việc với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Những cuộc thảo luận này xoay quanh việc các quốc gia nên tái cấu trúc các chuỗi cung ứng để ngăn ngừa việc lặp lại sự gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Việc hãng sản xuất điện thoại Apple trong những tháng qua liên tiếp đăng tin tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, cho thấy dấu hiệu tập đoàn này muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trước đó một sản phẩm của Apple là AirPods đã có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam từ cuối năm 2019. Sau đó vào tháng 1 năm nay, Pegatron - một trong những đối tác chiến lược của Apple chuyên lắp ráp iPhone, iPad, MacBook được cho là sẽ mở nhà máy tại Việt Nam và Indonesia vào cuối năm nay.
Nhưng cơ hội đón nhận xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia của những nền kinh tế đang phát triển sẽ gặp khá nhiều thách thức khi cơ sở hạ tầng, logistic, nguồn nhân lực có những hạn chế nhất định. Dù vậy, các quốc gia vẫn tích cực triển khai các chính sách thu hút đầu tư, đơn cử như Thái Lan cắt giảm thuế hay Ấn Độ lập quỹ đất cho doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc.