Kyrgyzstan: Máu đã thay màu TULIP

HẢI HÀ| 16/04/2010 04:40

Năm năm trước, Kyrgyzstan đã xuất hiện trên trang nhất các báo trên thế giới, sau khi các cuộc biểu tình lớn với cái tên Cách mạng hoa tulip đã đem quyền lực tới cho cựu thủ lĩnh đối lập Kurmanbek Bakiyev.

Kyrgyzstan: Máu đã thay màu TULIP

Năm năm trước, Kyrgyzstan đã xuất hiện trên trang nhất các báo trên thế giới, sau khi các cuộc biểu tình lớn với cái tên Cách mạng hoa tulip đã đem quyền lực tới cho cựu thủ lĩnh đối lập Kurmanbek Bakiyev. Thế giới một lần nữa chứng kiến Kyrgyzstan rơi vào hỗn loạn khi Kurmanbek Bakiyev bị lực lượng đối lập lật đổ.

Biến động từ thất vọng

Mọi việc bắt đầu vào ngày 6/4, nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra sau khi một nhân vật đối lập bị bắt giữ và từ đó làm dấy lên làn sóng không hài lòng vốn đã âm ỉ trong dân chúng do nạn tham nhũng và giá cả leo thang. Nghèo khổ và những bất ổn kinh tế đã làm nổ ra cuộc chính biến đột ngột này.

Đau thương sau chính biến đổ máu tại Bishkek tuần qua

Người dân và phe đối lập kết tội chính quyền của ông Bakiyev tham nhũng và lạm quyền nên nhân quyết định tăng giá điện, nước mới đây, hàng ngàn người đã đổ xuống đường ở thủ đô Bishkek và những nơi khác biểu tình, tấn công các trụ sở chính quyền, ném chai xăng vào lực lượng an ninh. Những người biểu tình xông vào chiếm tòa nhà chính phủ, quốc hội và yêu cầu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev từ chức. Ít nhất 75 người chết, hơn 400 người bị thương.

Bà Roza Otunbayeva yêu cầu Tổng thống - người mà bà đã hậu thuẫn lên nắm quyền năm năm trước khi lật đổ Tổng thống Askar Akayev - phải từ chức. Bà Otunbayeva cho biết sẽ điều hành chính phủ lâm thời trong sáu tháng để “soạn thảo hiến pháp nhằm tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng”.

Tuy nhiên, tình hình Kyrgyzstan hiện nay vẫn chưa ổn định vì ông Bakiyev vẫn chưa chịu từ chức. Ông này đã phải chạy sang thành phố Osh ở phía Nam sau các vụ đụng độ đẫm máu tại Bishkek và nhất mực nói rằng ông vẫn còn là tổng thống hợp hiến. Hơn nữa, chính phủ mới chỉ mới kiểm soát được 4 trong 7 vùng. Đám đông dân chúng, có lúc lên tới 30.000 người, đã làm sụp đổ chính quyền và đưa đất nước vào tình trạng hỗn loạn. Không biết phe đối lập có giải pháp lâu dài để ổn định quốc gia 5 triệu dân này.

Kyrgyzstan trên bàn cờ Trung Á

Vụ lật đổ Bakiyev hay những người tiền nhiệm chỉ là “bổ sung” cho sự hỗn loạn của Kyrgyzstan kéo dài nhiều thập niên qua liên quan tới ảnh hưởng của khu vực có vị trí quan trọng này tại Trung Á. Kyrgyzstan, có 858km đường biên giới chung với Trung Quốc, là cửa khẩu vào các nước Trung Á giàu dầu lửa mà Mỹ, Nga và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng.

Kyrgyzstan là trung tâm cung ứng hàng và vũ khí cho cuộc chiến của Mỹ với phe Taliban ở Afghanistan. Mỹ mở căn cứ không quân năm 2001 ở thành phố Manas, tăng tiền thuê gấp ba lần, từ 17 triệu USD lên 60 triệu USD/năm. Nga cũng tài trợ 2 tỷ USD/năm để “gây áp lực đóng căn cứ này”, như nhận định của các nhà phân tích. Hai căn cứ quân sự của Mỹ và Nga chỉ cách nhau khoảng 30km.

Năm nước gồm Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan và Kazakhstan, vốn trước đây là một khu vực tương đối phồn thịnh và ổn định. Thế nhưng, kể từ khi giành được độc lập, các quốc gia này đã trở thành những thể chế toàn trị, kinh tế đình trệ và bất ổn định. Chẳng hạn, tại Uzbekistan, vào năm 2005, hàng trăm người đã thiệt mạng khi quân đội nổ súng bắn vào đoàn biểu tình phản đối chế độ toàn trị của Tổng thống Karimov.

Còn tại Turkmenistan, cho đến tận cuối năm 2006, nước này vẫn bị cai trị bởi chế độ Saparmurat Niyazov với nạn tham nhũng, và duy trì chính sách sùng bái cá nhân. Nước cộng hòa Tajikistan nhỏ bé, ngay sau khi có được độc lập, đã từng trải qua một cuộc nội chiến kéo dài từ 1992 đến 1997. Chỉ có Kazakhstan, quốc gia rộng lớn và nhiều tài nguyên nhất là phát triển phồn thịnh...

Nếu như Trung Á, trong thế kỷ XIX, là bàn cờ của “cuộc chơi lớn”, tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Anh nhằm kiểm soát tuyến thông thương sang Ấn Độ, thì giờ đây, Kyrgystan là biểu tượng cho “cuộc chơi lớn” mới giữa Mỹ và Nga trong chiến lược kiểm soát Trung Á. Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng công nhận Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan do bà Roza Otounbaieva lãnh đạo.

Đồng thời, Nga tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ nhân đạo Kyrgyzstan. Trong khi đó, phía Hoa Kỳ cũng được trấn an là căn cứ Manas vẫn có thể hoạt động bình thường. Nằm ở ngoại ô thủ đô Bichkek, căn cứ Manas có vai trò quan trọng trong việc tiếp tế hậu cần cho lực lượng Mỹ và quốc tế đang tham chiến tại Afghanistan. Mỗi tháng, có khoảng 35 ngàn binh sĩ Mỹ ghé qua căn cứ này khi đi sang hoặc rút ra khỏi Afghanistan.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng cảm thấy lo ngại cho những bất ổn tại Kyrgyzstan. Bởi vì hai nước có đường biên giới chung. Phát ngôn viên chính thức Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố: “Chúng tôi là những quốc gia láng giềng hữu nghị và sự kiện tại thủ đô Kyrgyzstan khiến chúng tôi lo ngại sâu sắc. Chúng tôi hy vọng rằng, trật tự sẽ được lập lại trong thời gian ngắn nhất và mọi vấn đề sẽ được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp”.

Đằng sau lời tuyên bố này, Trung Quốc còn có những lo ngại hơn trước những bất ổn tại nước láng giềng này vì Kyrgyzstan kề sát tỉnh Tân Cương, nơi mà Bắc Kinh luôn luôn phải đối phó với nguy cơ nổi dậy của các tổ chức Hồi giáo ly khai. Mặt khác, vào năm ngoái, Đài Truyền hình Rossiya của Nga từng phát những lời cáo buộc Mỹ thực hiện các hoạt động do thám Trung Quốc và Nga sau khi bí mật chuyển căn cứ không quân duy nhất của Mỹ tại Kyrgyzstan thành trung tâm do thám vô cùng tinh vi, hiện đại.

Trong đoạn phim tài liệu mang tên “Base” (Căn cứ), Đài Truyền hình Rossiya cho biết: “Căn cứ này có thể nghe trộm cả thế giới. Mọi tài liệu fax, mọi thư điện tử, mọi cuộc gọi điện thoại di động, cố định đều đang được thu lại và xử lý. Hàng tỷ tin nhắn cũng đang bị chặn. Tại Manas, Mỹ đã xây một trạm điều khiển toàn bộ Trung Á, các vùng ở Trung Quốc và Siberia”.

Dù những lời cáo buộc còn phải kiểm chứng nhưng rõ ràng, Kyrgyzstan sẽ không thể nhuộm màu hoa tulip bình yên mà sẽ luôn có những biến động đầy đau thương chừng nào không tự quyết định được số phận của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kyrgyzstan: Máu đã thay màu TULIP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO