Chuyện những chiếc đồng hồ ThụySĩ
Hồi thập niên 40 của thế kỷ trước, đồng hồ Thụy Sĩ có chất lượng và mức độ uy tín cao nhất thế giới. Thế nên, có đến 80% số đồng hồ trên thị trường được sản xuất tại Thụy Sĩ. Đến cuối thập niên 50, ý tưởng về đồng hồ điện tử được giới thiệu với lãnh đạo của các hãng sản xuất đồng hồ tại Thụy Sĩ, thế nhưng, ý tưởng mới này đã bị từ chối.
Ban lãnh đạo của các hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ cho rằng họ đã có những sản phẩm tốt nhất. Sau đó, ý tưởng về đồng hồ điện tử được bán cho Seiko, Nhật Bản.
Câu chuyện về những chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ và bài học về sự thay đổi. |
Năm 1940, các công ty sản xuất đồng hồ ở Thụy Sĩ có khoảng 80.000 nhân công. Ngày nay, số nhân công của họ chỉ còn 18.000 người. Năm 1940, có 80% số đồng hồ được bán ra trên thị trường thế giới được sản xuất ở Thụy Sĩ. Ngày nay, con số đó thuộc về đồng hồ điện tử.
Bài học cho câu chuyện ngắn này: Có những tổ chức và cá nhân thà chết chứ nhất quyết không chịu thay đổi.
Thế nhưng, có một sự thật hiển nhiên: Điều duy nhất không thay đổi chính là bản thân sự thay đổi. Ngày nay cũng vậy, thế giới mà chúng ta biết đã vĩnh viễn thay đổi cùng với sự xuất hiện của Covid-19. Đại dịch đã phơi bày vô số sự bấp bênh của những điều mà chúng ta từng xem là hiển nhiên trong thế giới phát triển, từ sự đan xen phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ sở hạ tầng chế tạo, cho đến hệ thống an ninh lương thực và y tế.
Việc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và tạm ngừng hoạt động dân sự, kinh tế - thương mại trên toàn quốc tại các nước đã cho thấy những lổ hổng trong cách thức vận hành của hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị, và buộc tất cả chúng ta phải thảo luận về cách chúng cần được thay đổi ở cấp độ toàn cầu.
Ở cấp độ cá nhân, việc buộc phải thay đổi để thích nghi với đại dịch và tương lai sau dịch là bài toán cấp thiết. Riêng với nhà lãnh đạo, đây không chỉ là bài toán mà còn là trọng trách, bởi tác nhân tạo ra cũng như thúc đẩy sự thay đổi trong tổ chức không ai khác ngoài lãnh đạo.
Nói như ông Trần Bằng Việt - Founder, CEO Dong A Solutions thì: "Mọi biến động, mọi biến đổi là không thể tránh khỏi. Ta không thể như con đà điểu gục đầu xuống cát và mong mọi việc không thay đổi. Người duy nhất và thứ duy nhất có thể thay đổi chính là bản thân mình".
Nhận xét này được vị CEO chia sẻ tại sự kiện trực tuyến Nhà lãnh đạo tương lai, thuộc chuỗi toạ đàm Tư duy linh hoạt - Vượt qua thách thức do Saigon Books và VietGrow phối hợp tổ chức.
Bên cạnh mục tiêu gây quỹ cho chương trình ATM - Túi thuốc cứu người, chuỗi toạ đàm kỳ vọng sẽ giúp người tham gia nhanh chóng tháo gỡ những trăn trở liên quan đến công việc và cuộc sống, cũng như nâng cao năng lực cá nhân lẫn sự linh hoạt trong tư duy, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
"Dù chúng ta là ai, là người quản lý, là người lãnh đạo, hay là người chỉ mới bắt đầu con đường sự nghiệp của mình, thì đây cũng là khoảng thời gian rất tốt để chúng ta nhìn lại và chuẩn bị tốt hơn cho công việc hiện tại, cũng như chuẩn bị tốt hơn nữa cho một công việc xa hơn, khi đại dịch qua đi trong vài tháng tới", ông Việt nói.
Bộ năng lực S4T3 cho tương lai
Dẫn báo cáo Tương lai việc làm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Việt cho biết, các kỹ năng hàng đầu của năm 2025 hầu như không xuất hiện trong báo cáo trước đây của WEF. Cụ thể là 2 vị trí hàng đầu Tư duy phân tích và đổi mới cùng Học tập tích cực và chiến lược học tập.
Một cụm kỹ năng khác cũng không nằm trong danh sách trước đó đã xuất hiện ở vị trí thứ 9: Khả năng phục hồi, khả năng chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt. Top 10 kỹ năng và nhóm kỹ năng hàng đầu mà nhà tuyển dụng xem là nổi bật xếp từ cao đến thấp vào năm 2025 gồm:
Link bài viết
1. Tư duy phân tích và đổi mới
2. Học tập tích cực và chiến lược học tập
3. Giải quyết vấn đề phức tạp
4. Tư duy phản biện và phân tích
5. Khả năng sáng tạo, độc đáo và chủ động
6. Lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội
7. Sử dụng, quan sát và kiểm soát công nghệ
8. Thiết kế và lập trình công nghệ
9. Khả năng phục hồi, khả năng chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt
10. Lập luận, giải quyết vấn đề và hình thành ý tưởng
Đồng thời, báo cáo của WEF cũng cho biết: "Tốc độ áp dụng công nghệ dự kiến sẽ không suy giảm và có thể tăng tốc ở một số lĩnh vực, gồm cả việc sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo. Hầu hết doanh nghiệp (84%) có kế hoạch đẩy nhanh tiến trình số hóa quy trình làm việc và sử dụng công cụ kỹ thuật số, như hội nghị truyền hình, để ứng phó với Covid-19. Một nửa số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch đẩy nhanh tiến trình tự động hóa các nhiệm vụ. Đến năm 2025, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau".
Theo đó, CEO của Dong A Solutions đã giới thiệu bộ năng lực S4T3 như một thước đo cho sự thay đổi, tương thích với viễn cảnh 5 năm kế tiếp đòi hỏi những kỹ năng nói trên. "Để đơn giản, tôi gọi bộ năng lực này là bên trong 4S, bên ngoài 3T", ông Việt nói.
Theo vị CEO, 4S gồm các yếu tố Số - Sâu - Sắc - Sát.
Năng lực Số, nói đến công dân kỹ thuật số (digital citizen). Theo định nghĩa chung nhất, công dân số là người có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để giao tiếp với người khác, tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh doanh và chính trị trên nền tảng kỹ thuật số. Đây là khái niệm hình thành khi kỷ nguyên của thời đại số bùng nổ vào năm 1990, thời đại cho phép mọi người trên thế giới kết nối với nhau thông qua thiết bị kỹ thuật số.
Sâu, nói sự tự nhận thức (self-awareness) và tự lãnh đạo hay lãnh đạo bản thân (self-leadership). Sự tự nhận thức được hiểu là khả năng thấu hiểu cảm xúc, nhu cầu, điểm mạnh - yếu của bản thân, nhận biết suy nghĩ, niềm tin và động lực của mình, từ đó biết cách khắc phục hoặc phát huy vào đúng thời điểm. Trong khi đó, lãnh đạo bản thân là khả năng tự ảnh hưởng lên chính mình để suy nghĩ và hành động một cách nhất quán với con người thật của bản thân, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để theo đuổi mục tiêu cũng như trải nghiệm quan trọng và thiết thực với mỗi người.
Cuối cùng, Sắc (critical thinking) và Sát (self-management) nói đến khả năng tư duy phản biện và tự quản lý bản thân. Có nhiều cách tiếp cận và định nghĩa tư duy phản biện, song có thể hiểu chung nhất là quá trình tư duy biện chứng, gồm phân tích, đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề, bằng lập luận logic, đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.
Trong khi đó, ba yếu tố bên ngoài, lần lượt gồm Thích ứng (adaptability) - Tương tác (communication và collaboration) và Thấu cảm (empathy).
Về khả năng Thích ứng, có thể hiểu là khả năng tự điều chỉnh hoặc thay đổi bản thân để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của tình huống hoặc môi trường mới, hoặc đơn giản là cách một cá nhân phản ứng với những thay đổi không thể tránh được và những điều tương tự.
Cùng đi với nhau, kỹ năng giao tiếp và hợp tác làm nên yếu tố Tương tác trong bộ năng lực S4T3. Theo đó, hợp tác là khả năng học tập, làm việc, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong một tập thể. Còn giao tiếp chỉ ra khả năng trình bày và truyền đạt. Ở một góc nhìn khác, nó còn là tập hợp những quy tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, năng lực phi ngôn ngữ và khả năng lắng nghe, tiếp nhận, xử lý thông tin trong quá trình giao tiếp.
Cuối cùng, Thấu cảm là khả năng hiểu và nhận thức, đồng trải nghiệm cảm xúc lẫn suy nghĩ với người khác. Trong đó, thấu cảm về mặt cảm xúc là khi hoàn toàn nắm bắt được cảm xúc của người khác; thấu cảm về nhận thức là có thể đặt mình vào vị trí của người khác và nhìn thấy quan điểm của họ và thấu cảm từ bi là cảm nhận nỗi đau của người khác và hành động để giúp đỡ.