Thách thức kinh tế toàn cầu 2022

Khả Hân| 14/01/2022 05:00

Kinh tế thế giới năm 2021 đã phục hồi khá tích cực dù vẫn chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Liệu nền kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?

Thách thức kinh tế toàn cầu 2022

Sự phục hồi kinh tế có nguy cơ chững lại

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho biết sẽ hoãn công bố dự báo về triển vọng kinh tế thế giới muộn hơn một tuần so với kế hoạch dự kiến là ngày 25/1/2022, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên cần phải có thêm thời gian để đánh giá các chỉ số kinh tế. Sự thận trọng của IMF cho thấy, nền kinh tế toàn cầu năm 2022 có thể phải đối mặt với những bất ổn khó lường.

Cách đây một tháng, Tổng giám đốc IMF - bà Kristalina Georgieva cho biết, nhiều khả năng cơ quan này sẽ hạ thấp hơn nữa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do những lo ngại liên quan đến biến thể Omicron. Trước đó, vào tháng 10/2021, IMF dự báo năm 2021 tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 5,9% và đạt 4,9% trong năm 2022.

Dự kiến IMF sẽ cắt giảm dự báo mức tăng trưởng kinh tế Mỹ do sự lây lan của biến thể Omicron đang khiến dịch bùng phát, cũng như việc Quốc hội Mỹ không thông qua gói chi tiêu 1.200 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden dự chi cho các chương trình xã hội và chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc đã đình trệ trở lại, buộc nước này phải quay lại với chính sách nới lỏng tiền tệ. Khủng hoảng nợ bất động sản, việc áp dụng liên tục các biện pháp phong tỏa để phòng dịch và tình trạng thiếu hụt năng lượng đã ảnh hưởng lên sản xuất và tiêu dùng của nước này, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2021 chậm lại đáng kể và dự báo sẽ còn kéo dài sang năm 2022.

Đáng lưu ý là mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể càng làm trầm trọng thêm thương chiến giữa hai nước và kéo theo những chính sách trả đũa lẫn nhau. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm sẽ gây nên phản ứng dây chuyền toàn cầu và lây lan sang các đối tác thương mại hàng đầu của nước này.

Lạm phát và chính sách tiền tệ

Nguy cơ lây lan từ các biến chủng mới của SARS-CoV-2 cũng như chính sách phòng ngừa dịch bệnh cứng rắn của Bắc Kinh càng khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và làm đình trệ sự phục hồi kinh tế thế giới trong năm 2022. Cần nhớ rằng, những khó khăn trong vận chuyển, tình trạng thiếu container đã khiến các nhà sản xuất thiếu hụt nghiêm trọng linh kiện và nguyên liệu thô trong năm 2021 vừa qua.

Trước nguy cơ này, cùng với giá năng lượng, hàng hóa và thực phẩm tăng cao, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022. Tình trạng biến đổi khí hậu khiến thời tiết khắc nghiệt hơn đã đẩy giá thực phẩm toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm 2021 và tình trạng này có thể tiếp diễn trong năm nay.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng sẽ đẩy giá khí đốt lên cao, khi mà Mỹ và các đồng minh châu Âu đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm cả việc dừng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nếu Nga tấn công nước láng giềng.

Còn tại Mỹ, lạm phát chịu ảnh hưởng bởi các gói kích cầu lớn và tình trạng thiếu hụt lao động cũng như thiếu hụt nguồn cung. Với mức lạm phát lên đến 7% trong năm vừa qua tại Mỹ, giới phân tích tin rằng lạm phát sẽ không phải là hiện tượng nhất thời và các nền kinh tế khác sẽ sớm hứng chịu hậu quả tương tự.

Lạm phát cao cũng buộc ngân hàng trung ương nhiều nước phải sớm thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn, mà có thể làm tổn thương nền kinh tế đang trên đường phục hồi. Khi đó, với tăng trưởng trì trệ hoặc thậm chí có thể rơi vào suy thoái trở lại cùng với lạm phát cao, nền kinh tế toàn cầu nói chung và các quốc gia nói riêng có khả năng đối mặt với viễn cảnh đình lạm, đang trở thành mối lo ngại lớn nhất.

Một số tổ chức gần đây đã dự báo nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất ba lần trong năm 2022, đồng thời tiếp tục tăng trước khi đạt mức 2,5%, có thể sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đầu năm 2023. Chẳng những riêng nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng, mà các thị trường mới nổi cũng sẽ lao dốc trước ảnh hưởng từ thắt chặt chính sách tiền tệ của FED, khi dòng vốn đầu tư quốc tế có thể chảy ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển và đôi khi còn có thể kích hoạt khủng hoảng tiền tệ.

Theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh, nếu các nền kinh tế không có biện pháp đối phó với lạm phát, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc năm 2024. Còn Tổng giám đốc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhận định, lạm phát tăng đột biến "là rủi ro chính" đối với triển vọng lạc quan của kinh tế toàn cầu trong năm 2022. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức kinh tế toàn cầu 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO