Sức mạnh của đồng đô la Hồng Kông sắp bị tổn hại?

Khả Hân| 23/12/2019 08:00

Từ trước đến nay, đồng đô la Hồng Kông vẫn neo chặt vào giá trị đồng đô la Mỹ và được xem là một trong những đồng tiền giữ được sự ổn định nhất, bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tình hình rối loạn ở Hồng Kông hiện nay. Nhưng với đạo luật mới dành cho đặc khu này được ban hành gần đây, thật khó để nói trước được điều gì...

Sức mạnh của đồng đô la Hồng Kông sắp bị tổn hại?

Giá trị của đồng đô la Hồng Kông 

Theo giới phân tích, Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông (HKHRDA) được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua ngày 27/11/2019, sẽ mở đường cho Mỹ có hành động ngoại giao và biện pháp trừng phạt đối với đặc khu này khi cần thiết, và điều này có khả năng đe dọa đến tỷ giá hối đoái của đồng đô la Hồng Kông (HKD), cũng như vị thế là một trung tâm tài chính của thế giới từ trước đến nay.

Đạo luật HKHRDA vốn được cho là sẽ làm tăng sự giám sát của hệ thống kinh tế và chính trị Hồng Kông, và việc thông qua nó đã diễn ra trong thời gian bất ổn chưa từng thấy ở đặc khu này. Đạo luật này cũng cho phép Bộ Ngoại giao Mỹ có cơ sở đình chỉ tình trạng giao dịch đặc biệt của Hồng Kông, dựa trên việc đặc khu có giữ được đủ quyền tự chủ theo nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”.

Mỹ đã đối xử với Hồng Kông như là một thực thể riêng biệt với Trung Quốc đại lục kể từ năm 1992, đã trao cho đặc khu này những đặc quyền kinh tế đặc biệt, như trao đổi tự do giữa USD và HKD, và quyền truy cập các công nghệ nhạy cảm. Xuất khẩu từ Hồng Kông cũng được Washington miễn thuế quan trong cuộc chiến tranh thương mại đã được áp dụng ở đại lục. 

Nhưng nếu Mỹ thu hồi tình trạng thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông thì đó là sự leo thang nghiêm trọng, khi mà Hồng Kông được xem là cửa ngõ tài chính còn lại cho Trung Quốc tiếp cận nguồn vốn toàn cầu. Giới đầu tư khi đó sẽ đặt tình trạng báo động đối với không chỉ nền kinh tế Trung Quốc mà còn cả với Hồng Kông.

Trong khi đó, HKD đã được neo chặt vào USD kể từ ngày 17/10/1983 với giá trị ban đầu ở mức 7,8 HKD đổi 1 USD, và sau đó đã được mở rộng biên độ giao dịch trong phạm vi từ 7,75 đến 7,85 HKD đổi 1 USD kể từ năm 2005. Nếu giá trị HKD chạm vào một trong hai điểm tới hạn theo quy định, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) có nghĩa vụ phải mua hoặc bán HKD để giữ tỷ giá USD/HKD trong dải băng trên.

Link bài viết

Sự ổn định của cặp tỷ giá USD/HKD kể từ khi được chốt đã giúp đặc khu này có được danh tiếng như là một trung tâm tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đã được thử thách trong sáu tháng qua, khi các cuộc biểu tình chống chính quyền đã làm náo loạn thành phố. 

Vị thế trung tâm tài chính sẽ lung lay?

Nhiều người trong số những người biểu tình đang đòi hỏi các quyền tự do dân chủ rộng hơn và một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát, đồng thời lên tiếng ủng hộ đạo luật HKHRDA. Đạo luật HKHRDA cũng cho phép các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với các cá nhân chịu trách nhiệm cho những hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm đóng băng tài sản của họ tại Mỹ và cấm họ có thị thực Mỹ.

Tính cho đến thời điểm này, HKMA chưa đến mức phải lo lắng về việc dòng vốn đầu tư tháo chạy, hay phải hành động để giữ ổn định tỷ giá trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại, mặc dù đặc khu đã rơi vào suy thoái, với tăng trưởng của nền kinh tế trong quý III giảm 3,2% so với trước đó.

Tuy nhiên, bạo lực leo thang giữa cảnh sát và người biểu tình cực đoan vẫn còn, làm tăng nguy cơ suy thoái môi trường kinh doanh, đồng thời có thể dẫn đến những thay đổi đối với hệ thống chính trị và pháp lý của Hồng Kông được thực hiện từ Bắc Kinh. 

Trong khi đó, ngay cả khi không có đánh giá thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Trump vẫn có thể phát lệnh thu hồi quy chế thương mại đặc biệt mà Hồng Kông đang được hưởng. Tổng thống Mỹ cũng có thể không cho phép các thực thể của Chính phủ Mỹ và ngân hàng nước này đổi USD lấy HKD. 

Sau khi ký đạo luật HKHRDA, Tổng thống Donald Trump thừa nhận điều đó có thể làm phức tạp thêm việc ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Nhưng với sự ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ, sự nhất trí từ lưỡng viện, ông không có quyền lựa chọn nào khác để phủ quyết.

Theo các chuyên gia phân tích, nếu Washington đình chỉ giao dịch tự do USD với HKD thì sẽ khiến đồng nội tệ của Hồng Kông lao dốc là điều có thể thấy trước. Diễn biến này có khả năng dẫn đến dòng tiền tháo chạy khỏi đặc khu, và làm sứt mẻ danh tiếng của Hồng Kông như là một trung tâm tài chính lâu đời.

Với tầm quan trọng của Hồng Kông, sự kiện trên chẳng khác nào một “quả bom hạt nhân phát nổ” trong giới tài chính. Nếu dự báo cho 10 năm tới, thì đó cũng có thể là khởi đầu cho sự sụp đổ của Hồng Kông với tư cách là trung tâm tài chính của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức mạnh của đồng đô la Hồng Kông sắp bị tổn hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO