RCEP và cuộc dịch chuyển vốn lần hai

Khả Hân| 13/12/2020 02:10

Nếu như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong hơn hai năm qua đã tạo áp lực lên một số tập đoàn đa quốc gia, buộc họ có xu hướng rút cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác để tránh các hàng rào thuế quan mà phía Mỹ dựng lên đối với hàng hóa Trung Quốc, thì Hiệp định RCEP có thể vừa củng cố xu hướng dịch chuyển trên lại vừa thu hút thêm dòng vốn từ các nước phương Tây.

Hiệp định RCEP và dòng vốn dịch chuyển

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào giữa tháng 11 vừa qua với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia ngoài khu vực, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, được cho là không những tạo ra những lợi thế thương mại, ưu đãi thuế quan cho các nước thành viên, mà còn giúp sắp xếp, định hình lại chuỗi cung ứng khi việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư tiếp tục diễn ra.

Nếu như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong hơn hai năm qua đã tạo áp lực lên một số tập đoàn đa quốc gia, buộc họ có xu hướng rút cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác để tránh các hàng rào thuế quan mà phía Mỹ dựng lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc, thì Hiệp định RCEP lần này có thể vừa củng cố xu hướng dịch chuyển trên lại vừa thu hút thêm dòng vốn từ các nước phương Tây.

RCEP sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục dịch chuyển

RCEP sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục dịch chuyển

Với hơn 2,2 tỷ người của các thành viên RCEP và chiếm gần 30% GDP của thế giới, RCEP được xem là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất từ trước đến nay. Với hàng loạt hàng rào thuế quan được gỡ bỏ dần, bất cứ doanh nghiệp nào cũng không muốn bỏ qua một thị trường tiềm năng đến thế. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia càng muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng lẫn thị trường tiêu thụ, và một thị trường như RCEP là lựa chọn không thể thiếu. 

Đáng lưu ý là không như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có sự tham gia của Hàn Quốc và Trung Quốc, thành viên RCEP không chỉ có hai nước này mà còn có cả Nhật Bản - ba quốc gia thường có những căng thẳng trong mối quan hệ nhưng đã chấp nhận cùng tham gia vào một FTA chung với đa số thành viên là các nước ASEAN, nên giới quan sát tin rằng RCEP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần đảm bảo an ninh chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách xây dựng sự chắc chắn và tin cậy lẫn nhau.

Điều này cũng giúp châu Á tiếp tục trở thành nền kinh tế năng động, cởi mở, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực, do đó càng tạo điều kiện để thu hút dòng vốn đầu tư  đổ vào khu vực này. Cũng cần lưu ý là RCEP đã được ký kết đúng vào thời điểm thế giới đang định vị, tổ chức lại các chuỗi cung ứng, trong khi đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển.

Tâm điểm Đông Nam Á

Trong đó, các nước ASEAN có thể trở thành tâm điểm thu hút vốn, nhờ vào sự gắn kết chặt chẽ của khối với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được ký kết từ nhiều năm trước. Trong số này, những quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi, cảng biển đa dạng, hoạt động logistics phát triển và chi phí lao động hợp lý sẽ có sức hút lớn nhất đối với dòng vốn nước ngoài.

Theo đó, Việt Nam nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu, nhất là khi những năm gần đây đã ký kết hàng loạt FTA lớn. Như vào tháng 8, Việt Nam đã trở thành cửa ngõ kết nối để Liên minh châu Âu (EU) đến với ASEAN thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Việt Nam cũng là quốc gia được cho là hưởng lợi trước dòng vốn dịch chuyển từ áp lực thương chiến trong hơn hai năm qua.

Với tư cách là thành viên của CPTPP và RCEP, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến của các nhà đầu tư trong khu vực, từ các nước thành viên CPTPP và RCEP, lẫn các nước không là thành viên khi họ muốn tận dụng những ưu đãi về thuế quan cũng như thị trường tiêu thụ này.

Đơn cử như mới đây, hãng chế tạo linh kiện điện tử Foxconn của Đài Loan có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam với số vốn đầu tư khoảng 270 triệu USD và có thể sẽ sản xuất các linh kiện máy tính cá nhân. Theo nhận định, Foxconn muốn tận dụng lợi thế từ RCEP và hy vọng có thể đẩy mạnh năng lực sản xuất của hãng tại Việt Nam.

1434324-2474-1607584633.jpg

Trong khi đó, các đối thủ của Foxconn đến từ Đài Loan như Pegatron và Wistron cũng đã quyết định mở rộng sản xuất tại Việt Nam để tận dụng nhưng ưu đãi từ RCEP mang lại. Cụ thể, Pegatron (nhà cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo...) đã bắt đầu hiện thực hóa kế hoạch đầu tư tại Việt Nam với khoản tài chính lên tới 1 tỷ USD. 

Ngoài định hướng rót vốn mạnh vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa công nghệ cao, việc gia tăng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam thông qua RCEP cũng được đánh giá là khá triển vọng. Đặc biệt là khi các nước ASEAN trong tháng 11 đã thống nhất đưa mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% vào năm 2025.

Ngoài RCEP, EVFTA cũng được cho là có hiệu ứng tốt để thu hút các nhà đầu tư châu Âu trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý III/2020 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, 1/3 số doanh nghiệp châu Âu trả lời khảo sát cho rằng EVFTA là một phần quan trọng trong quyết định đầu tư vào Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
RCEP và cuộc dịch chuyển vốn lần hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO