RCEP - Chiến thắng địa chính trị của Trung Quốc trước Mỹ tại châu Á

Như Tâm| 17/11/2020 04:45

Trung Quốc và 14 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ngày 15/11 ký RCEP - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.

RCEP - Chiến thắng địa chính trị của Trung Quốc trước Mỹ tại châu Á

Giới phân tích nhận định lợi ích kinh tế từ "siêu thỏa thuận thương mại" này lại chỉ vừa phải và cần nhiều năm để hiện thực hóa.

Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) diễn ra ngày 15/11. Đây là liên minh thương mại lớn nhất thế giới gồm 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương - thị trường 2,2 tỷ dân với tổng GDP 26.200 tỷ USD, tương đương khoảng 30% thế giới. Quy mô của RCEP còn lớn hơn Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và Liên minh châu Âu (EU).

Giới phân tích nhận định lợi ích kinh tế từ RCEP chỉ vừa phải và cần nhiều năm để hiện thực hóa. Tuy nhiên, đây vẫn là chiến thắng địa chính trị cho Trung Quốc vào thời điểm Mỹ dường như đang rút khỏi châu Á - Thái Bình Dương theo chính sách đối ngoại "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump. Hiện chưa rõ Mỹ có thương lượng siêu thỏa thuận thương mại nào với các nền kinh tế khu vực dưới thời Joe Biden hay không. 

RCEP gồm 10 quốc gia ASEAN (Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei, Campuchia, Myanmar và Lào) và đối tác thương mại hàng đầu khu vực Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

"Thông điệp ngoại giao của RCEP có thể cũng quan trọng như kinh tế - chiến thắng cho Trung Quốc", theo giới phân tích Citi Research. RCEP mang lại những tín hiệu nhất định trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và lo ngại về phi toàn cầu hóa.

Đó là Đông Á rất cởi mở với kinh doanh, công nhận lợi ích kinh tế của hội nhập thương mại sâu rộng hơn, giảm quan điểm cho rằng Trung Quốc đang hướng nội hơn và ám chỉ rằng về chính sách kinh tế, châu Á - Thái Bình Dương không muốn phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các hiệp định thương mại lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các hiệp định thương mại lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lợi ích từ RCEP

RCEP được triển khai từ tháng 11/2012 khi quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn dắt, đang diễn ra. Do TPP không có Trung Quốc, nhiều nhà quan sát coi RCEP là đòn đáp trả của Bắc Kinh với sự ảnh hưởng từ Washington tại châu Á - Thái Bình Dương, dù nỗ lực đàm phán RCEP là do ASEAN dẫn dắt.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP năm 2017 và áp thuế với một số đối tác  thương mại vì có hành vi thương mại bất bình đẳng. 11 quốc gia còn lại trong TPP tái đàm phán và ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018.

Theo giới phân tích, RCEP là thỏa thuận thương mại yếu hơn nếu so với CPTPP. Thuế giữa nhiều thành viên RCEP đã thấp do những hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương quy mô nhỏ hơn. Do đó, lợi ích kinh tế trực tiếp bị hạn chế.

Ví dụ, hơn 70% thương mại giữa 10 nước ASEAN không chịu thuế, Gareth Leather, kinh tế gia cấp cao về châu Á tại Capital Economics, nói. Việc giảm thuế theo RCEP "chỉ thực hiện từ từ và sẽ cần nhiều năm trước khi hiệp định có hiệu lực hoàn toàn".

Nhưng RCEP thiết lập nền tảng để các nước thành viên hợp tác sâu hơn trong tương lai, đặc biệt là giữa những bên chưa có thỏa thuận thương mại song phương, theo Simon Baptist, giám đốc kinh tế toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit (EIU). Các cặp tiềm năng bao gồm Trung Quốc - Nhật Bản, nền kinh tế số hai và thứ ba thế giới, và Nhật Bản - Hàn Quốc, đang vướng vào tranh chấp thương mại song phương.

Thỏa thuận thương mại giữa các nước thành viên RCEP.

Thỏa thuận thương mại giữa các nước thành viên RCEP.

Ấn Độ có trở lại?

Ấn Độ, tham gia đàm phán RCEP từ đầu, rút khỏi thỏa thuận năm 2019. Một trong những lo ngại của Ấn Độ là hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nội địa.

RCEP vẫn để ngỏ cánh cửa để Ấn Độ trở lại. Một số quốc gia thành viên, như Nhật Bản, coi sự hiện diện của Ấn Độ là quan trọng để đối trọng với Trung Quốc, Leather nói. Nhưng "các cuộc đụng độ trên dãy Himalaya gần đây khiến việc ký một thỏa thuận có cả Trung Quốc trở nên khó hơn nữa".

Các nhà phân tích từ Citi Research nói Ấn Độ là một trong những bên thất bại lớn nhất từ RCEP. Dẫn phân tích từ viện chính sách Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, Citi cho rằng Ấn Độ có thể tăng trưởng GDP thêm 1,1 điểm phần trăm vào năm 2030 nếu tham gia RCEP.

"Không tham gia RCEP có thể khiến Ấn Độ kém hấp dẫn hơn so với ASEAN trong việc tìm nơi sản xuất thay thế", nhóm phân tích nói.

Ngay cả khi Ấn Độ không trở lại, 15 nước thành viên RCEP sẽ chiếm 50% GDP thế giới vào năm 2030, theo báo cáo từ HSBC ngày 15/11.

(Theo Người Đồng hành)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
RCEP - Chiến thắng địa chính trị của Trung Quốc trước Mỹ tại châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO