Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Reuters. |
Với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và nền kinh tế đang trên đà phục hồi, chính sách nới lỏng của FED sẽ là tiêu điểm khi ngân hàng trung ương Mỹ họp trong ngày 16 và 17/3. Một câu hỏi ngày càng "nóng" là khi nào FED cân nhắc thu hồi chính sách hiện tại khả năng cao sẽ được nhắc đến trong cuộc họp báo của chủ tịch Jerome Powell.
Powell khả năng cao không nêu chi tiết nhưng những gì ông nói ra có thể làm rung chuyển thị trường trái phiếu vốn đã biến động, từ đó ảnh hưởng lan sang cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu tăng trưởng sẽ chịu tác động tiêu cực nếu lợi suất trái phiếu tăng.
"Tại cuộc họp báo lần trước, tôi như chỉ nghe bằng một tai, nhìn bằng một mắt. Lần này, tôi sẽ chú ý đến từng từ và thị trường cũng sẽ chú ý đến từng từ", Rick Rieder, giám đốc hoạt động đầu tư (CIO) về tài sản thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock, cho biết. "Dù nói gì hay không, Powell đều ảnh hưởng đến thị trường".
Rieder "phấn khích chờ xem" cuộc họp báo của Powell và một thách thức với FED để bắt đầu thay đổi cách truyền đạt về chính sách. Nhà đầu tư sẽ phân tích từng từ.
"Đây sẽ là March Madness của thị trường", Rieder bổ sung, nhắc đến giải đấu bóng rổ đại học được mong chờ do Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia Mỹ (NCAA) tổ chức thường niên. Powell rõ ràng "đang giữ bóng" và điều ông nói ngày 17/3 sẽ quyết định mức độ lo ngại của thị trường liên quan khi nào FED giảm quy mô mua trái phiếu, thậm chí là tăng lãi suất trở lại.
Thông báo từ FED
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ ra thông báo lúc 14h00 ET ngày 17/3 (2g00 ngày 18/3 giờ Hà Nội). Giới quan sát dự đoán thông báo không thay đổi nhiều về nội dung so với lần họp trước. Tuy nhiên, FED còn công bố dự báo mới nhất của các quan chức FOMC về nền kinh tế và lãi suất. Hầu hết quan chức được cho là sẵn sàng tăng lãi suất, đang ở 0 – 0,25%, vào năm 2023, một số thành viên còn sẵn sàng tăng lãi suất từ năm 2022.
"Chúng tôi cho rằng họ sẽ có chút lạc quan hơn nhưng vẫn thận trọng. Họ khó giữ quan điểm nới lỏng như trước bởi trên thực tế, nền kinh tế đang cải thiện", theo Mark Cabana, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất ngắn hạn tại Mỹ, Bank of America. "Chúng tôi nghĩ họ sẽ ám chỉ tăng lãi suất vào cuối năm 2023".
Rieder cho biết FED đã "cầm lái ổn định" các chương trình nới lỏng nhưng giờ đây, họ cần phát tín hiệu có thay đổi cả về chính sách mua tài sản và lãi suất. FED từng nêu rõ sẽ giãn cách nhiều thời gian từ lúc phát tín hiệu cho đến khi hành động.
Quan điểm của Rieder là FED có thể giảm quy mô mua trái phiếu từ tháng 9 hoặc 12 năm nay nên cần thảo luận từ bây giờ. FED đang mua 80 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 40 tỷ USD tài sản thế chấp mỗi tháng. FED có thể tăng lãi suất ngắn hạn trong năm 2022 mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế, Rieder nhận định. FED không dự báo tăng lãi suất cho đến sau năm 2023 nhưng điều này khả năng cao thay đổi sau cuộc họp lần này.
Theo Reuters, FED sẽ dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng trong năm 2021 với tốc độ nhanh nhất hàng chục năm, thất nghiệp giảm và lạm phát tăng trong bối cảnh chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 có thêm tiến triển và chính phủ Mỹ triển khai gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD.
"FOMC sẽ không xác thực kỳ vọng của thị trường về một đợt tăng lãi suất sớm hơn, nhanh hơn, và tái khẳng định giữ lập trường rất nới lỏng trong tương lai gần", Roberto Perli, kinh tế gia tại Cornerstone Marco, viết trong thông báo gửi khách hàng. "Tóm lại, đừng kỳ vọng FOMC thay đổi cách dùng từ quá nhiều".
FED giữ lãi suất cận 0 suốt năm qua và cam kết duy trì cho đến khi kinh tế Mỹ tối đa hóa việc làm, lạm phát chạm 2% và trên đà vượt mục tiêu này vào lúc nào đó. Tháng 12/2020, FED dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,2% trong năm nay. Con số này có thể điều chỉnh thành 6% hoặc hơn. Mọi con số trên 5% đều sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1984, khi kinh tế Mỹ tăng trưởng 7,2%.
"FED sẽ ngày càng khó trấn an lo ngại lãi suất tăng", theo James Knightley, kinh tế gia tại ING. Nhưng đó không hẳn là điều xấu nếu, vào tháng 6, đa số quan chức FED chọn tăng lãi suất vào năm 2023. "Bình thường hóa lãi suất sớm hơn sẽ là điều thành công với FED".
(Theo Người đồng hành)