Nỗi lo lạm phát quay trở lại

Khả Hân| 16/03/2021 06:00

Áp lực lạm phát ở nhiều quốc gia ngày càng gia tăng kèm theo đó là nỗi lo về khả năng các chính sách tiền tệ sẽ sớm đảo chiều.

Áp lực lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2021 của khu vực đồng tiền chung châu Âu mới được công bố đầu tháng 3 vẫn duy trì ở mức cao, 0,9%, so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ hai tăng mạnh liên tiếp sau 5 tháng tăng trưởng âm trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng lõi còn tăng mạnh hơn, ở mức 1,1%, dù có giảm nhẹ so với mức tăng 1,4% của tháng 1, nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với mức 0,2% của tháng 12/2020. Diễn biến này cho thấy khu vực đồng tiền chung châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát năm 2021 có thể vượt mục tiêu 2%.

lam-phat-3396-1615349949.jpg

Tại Úc - nền kinh tế thiên về xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nông sản, cũng ghi nhận chỉ số giá hàng hóa xuất khẩu tháng 2 đạt mức tăng kỷ lục, 23,9% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ tư tăng trưởng dương liên tiếp sau khi đã có 13 tháng tăng trưởng âm trước đó. Đây cũng là mức tăng giá cao nhất kể từ tháng 5/2017 đến nay. 

Đó là hệ quả tất yếu khi giá hàng hóa toàn cầu đang tăng cao trong những tháng vừa qua, từ giá các loại năng lượng như dầu mỏ, kim loại như đồng, nông sản như cà phê hay đường, trong bối cảnh các chính phủ bơm tiền, duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục và các nhà đầu tư tìm chỗ trú ẩn do lo ngại đồng tiền mất giá. 

Một lý do nữa là trước triển vọng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi trong năm nay, dẫn đến dự báo nhu cầu nguyên vật liệu sẽ tăng mạnh trở lại cũng hỗ trợ giá cho đợt tăng giá này. 

JPMorgan Chase & Co hồi đầu tháng 2 cho rằng, các loại hàng hóa dường như đã bắt đầu một siêu chu kỳ tăng giá mới - giai đoạn mở rộng trong đó giá cao hơn hẳn xu hướng trong dài hạn. Ngân hàng Goldman Sachs cũng có quan điểm tương tự. Cần biết rằng, thị trường hàng hóa chỉ có 4 chu kỳ siêu tăng giá như vậy trong vòng 100 năm qua.

Giới phân tích tài chính tỏ rõ lo ngại khi các nhà hoạch định chính sách ngay lập tức dừng đột ngột các gói kích thích kinh tế vốn được đưa ra hàng loạt ở thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát. Đó cũng là điều mà các nhà đầu tư lo ngại, vì nếu lạm phát tăng sẽ buộc FED phải tăng lãi suất để kiềm chế, đồng thời thu hẹp dần các chương trình thu mua tài sản.

Tại Mỹ, đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu chính phủ gần đây được cho là tín hiệu báo trước lạm phát đang quay trở lại, bất chấp Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng nền kinh tế vẫn yếu và lạm phát sẽ chưa sớm chạm mục tiêu 2%. Tuy nhiên, sau khi vắc xin được tiêm phòng rộng rãi, nền kinh tế có thể tăng trưởng trở lại và thị trường lao động phục hồi, từ đó sẽ gây áp lực lên giá tiêu dùng. Bảng lương phi nông nghiệp tháng 2 được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố cuối tuần qua cho thấy đã có thêm 379.000 việc làm mới được tạo ra, vượt xa con số 166.000 của tháng trước và cả con số dự báo 197.000 của các chuyên gia kinh tế, giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 6,2%. Ngân hàng Dự trữ bang Atlanta, Mỹ mới đây dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 10% trong ba tháng đầu năm. Nền kinh tế tăng trưởng nóng sẽ kéo theo áp lực lạm phát gia tăng là điều mà giới phân tích đang lo ngại.

Nguy cơ sớm đảo chiều chính sách

Trong phiên điều trần hồi cuối tháng 2 trước Quốc hội Mỹ, ông Powell cho rằng lạm phát và việc làm vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của FED, đồng thời cam kết duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và giúp đảm bảo đà hồi phục hết mức có thể. Ngày 4/3/2021, khi chứng kiến lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng mạnh, Jerome Powell lại trấn an các nhà đầu tư khi cho biết FED còn lâu mới rút lại các gói kích thích khổng lồ, ngay cả khi ông tỏ ra lạc quan về nền kinh tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mọi thứ sẽ không có gì là chắc chắn. Trước những số liệu việc làm và dự báo tăng trưởng mạnh mẽ được công bố mới đây, không loại trừ khả năng Chủ tịch FED có thể sớm thay đổi quan điểm. Đó cũng là điều mà các nhà đầu tư đang lo ngại, vì nếu lạm phát tăng sẽ buộc FED phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, đồng thời thu hẹp dần các chương trình thu mua tài sản.

Trong khi đó, giới phân tích tài chính tỏ rõ lo ngại khi các nhà hoạch định chính sách ngay lập tức dừng đột ngột các gói kích thích kinh tế, vốn được đưa ra hàng loạt ở thời kỳ khủng hoảng trước đó. Thực tế, hành động của một số ngân hàng trung ương gần đây đã phát đi cảnh báo, dẫn đầu là Trung Quốc, với động thái rút hàng chục tỷ USD ra khỏi thị trường.

Tại châu Âu, trái với nhận định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục dưới mức mục tiêu và tin rằng lãi suất chính sách cần giữ ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế, cũng như không loại trừ khả năng tiếp tục mua thêm trái phiếu, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) mới đây thể hiện lo ngại lạm phát năm nay ở Đức sẽ vượt qua mức 3% và đang yêu cầu cần sớm tăng lãi suất trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi lo lạm phát quay trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO