“Nghèo đói năng lượng” tại châu Âu
Theo Bloomberg, khủng hoảng năng lượng xảy ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang dần mở cửa, nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao nhưng nguồn cung chưa đủ.
Riêng tại các nước châu Âu với tham vọng thúc đẩy nguồn năng lượng sạch bằng cách giảm thiểu mức sử dụng khí đốt, các nhà máy than đóng cửa, lượng khí dự trữ thấp hơn nhiều so với nhu cầu bình thường và sự phụ thuộc ngày càng tăng của các nước vào nguồn năng lượng tái tạo đang trở thành một lỗ hổng.
Trong khoảng từ đầu tháng 8 đến ngày 15/9, giá điện tại Pháp đã tăng 149%, tại Đức tăng 119% và tại Anh con số này lên đến 298%. Roberto Cingolani - Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái của Ý cho biết ông dự kiến giá điện tại nước này sẽ tăng 40% trong quý III năm nay.
Theo số liệu năm 2019, khoảng 23% điện của Liên minh châu Âu (EU) được sản xuất từ khí đốt. Đây lại là loại năng lượng khó dự trữ, vì vậy chi phí nhiên liệu sẽ nhanh chóng kéo theo sự biến động giá điện.
Biểu đổ thể hiện mức tăng của giá ga, giá than, giá điện từ tháng 1/2021 đến nay tại châu Âu. Ảnh: Bloomberg |
Với mức tăng cao như hiện tại, nhiều hộ gia đình tại các quốc gia châu Âu đang có nguy cơ bị cắt điện vì không đủ khả năng chi trả hóa đơn. Stefan Bouzarovski - GS. Đại học Mancheste, Anh Quốc cho biết đang có khoảng 80 triệu hộ gia đình tại châu Âu phải vật lộn với việc giữ ấm trong mùa đông này. Dự báo trong thời gian tới sẽ có khoảng 60% dân số tại các nước trong khu vực chịu cảnh “nghèo đói năng lượng”, trong khi chỉ có khoảng 20 - 30% dân số nghèo đói về kinh tế.
Trong đó, Bulgaria có tỷ lệ dân số thiếu năng lượng cao nhất châu Âu với mức 31%, tiếp đến là Lithuania với 28% và Bồ Đào Nha là 19%. Người dân tại Thụy Sĩ ít bị ảnh hưởng nhất bởi mức thiếu hụt năng lượng chỉ ở 0,3%. Các chuyên gia nhận định nếu chính phủ các nước châu Âu không có động thái hỗ trợ và khắc phục tình trạng tăng giá hiện tại thì khủng hoảng năng lượng sẽ trở thành mối de dọa lớn với khu vực sau dịch Covid-19.
Kadri Simson - Ủy viên năng lượng châu Âu gợi ý các quốc gia có thể sử dụng một số cách để hỗ trợ các hộ gia đình như: giảm thuế VAT, giảm giá trực tiếp trên hóa đơn tiền điện cho các hộ khó khăn và có kế hoạch viện trợ lâu dài cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ.
Hiện chính phủ Pháp đã tuyên bố đóng ngừng tăng giá điện, giá xăng và khí đốt trong thời gian tới, riêng giá ga dự kiến vẫn tiếp tục tăng khoảng 30% đến cuối năm. Ngoài ra, nước này cũng đưa ra một số giải pháp giải quyết khủng hoảng như hỗ trợ khoảng 60 triệu hộ gia đình, mỗi hộ một phiếu mua năng lượng từ chính phủ trị giá 100 Euro (khoảng 116 USD).
Ngành công nghiệp Trung Quốc lao dốc vì thiếu điện
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số PMI (chỉ số đo lường năng lực kinh tế của ngành sản xuất) trong tháng 9 là 49,6, giảm so với mức 50,1 của tháng 8. Sau 18 tháng tăng trưởng liên tục, đây là lần đầu tiên, chỉ số này của Trung Quốc giảm xuống mức dưới 50. Một trong những nguyên nhân của sự suy giảm này là do mức sản xuất của các nhà máy suy giảm vì giá nhiên liệu, đặc biệt là giá điện tăng cao.
Từ tháng 6, tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc đã nhen nhóm, đến cuối tháng 9 giá than tăng vọt khiến mức thiếu hụt điện năng càng lớn. CNN nhận định, với giá khí đốt không ngừng tăng, nguy cơ thiếu điện cao sẽ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc ngày càng trầm trọng, buộc các nhà máy phải cắt giảm sản xuất tạo ra mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế thế giới và có thể đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu đến bờ vực sụp đổ.
Trung Quốc đang rơi vào nạn thiếu điện trầm trọng. Ảnh: Reuters |
Để giải quyết vấn đề, giới chức Trung Quốc cho phép các nhà máy nhiệt điện than tăng giá bán điện, các công ty điện lực quốc doanh vẫn tiếp tục cung cấp điện kể cả khi thua lỗ, điều chỉnh giá điện phù hợp với mức cung - cầu trong nước, tăng sản lượng sản xuất than trong nước và đẩy mạnh nhập khẩu nhiều than hơn.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để bảo vệ nền kinh tế trước nguy cơ lao dốc. Chính phủ nước này vẫn cố gắng đảm bảo cắt giảm cường độ tiêu thụ điện 3% trong năm nay hướng đến mục tiêu đỉnh carbon vào năm 2030 và trung tính carbon vào năm 2060.
Tổng công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc cũng cam kết dốc toàn lực để đấu tranh với vấn đề thiếu điện, nỗ lực đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu
Với tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc, các chuyên gia nhận định trong thời gian tới sản lượng sản xuất tại 3 tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông sẽ sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến GDP chung trong quý cuối năm của nước này. Bởi GDP của 3 tỉnh này chiếm 1/3 tổng GDP cả nước. Mặt khác, sản lượng sản xuất giảm có thể đẩy giá cả hàng hóa tăng cao, các nước chuyên nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Lu Ting - Chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Tài chính Nomura Holdings nói với Bloomberg: “Sắp tới thị trường toàn cầu sẽ có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm như dệt may, đồ chơi trẻ em và cả linh kiện máy móc”. Các tổ chức đầu tư như China International Capital Corp., Morgan Stanley… đưa ra cảnh báo mức tăng trưởng của Trung Quốc trong những tháng cuối năm sẽ giảm sâu. Dự kiến, mức tăng trưởng năm 2021 sẽ chỉ còn 7.8%, so với mức 8.2% đã dự báo trước đó. Con số này là 5.5% vào năm 2022.
Hiện lãnh đạo một số công ty của Mỹ và châu Âu cho biết vấn đề mất điện thường xuyên và thiếu năng lượng trong thời gian tới tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ vào nước này. “Kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc của một số doanh nghiệp đang tạm hoãn. Họ có xu hướng chuyển dịch sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam” - Johan Annell, Chuyên gia thuộc Công ty tư vấn Asia Perspective chia sẻ.
Sau khủng hoảng của dịch Covid-19, các nước bắt đầu dần phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại, mức sản xuất ở Trung Quốc, EU và thế giới có nguy cơ giảm mạnh. Giá khí đốt, xăng dầu và điện liên tục tăng cao có thể khiến lạm phát trên thế giới thêm trầm trọng, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu.
Đồng thời, cuộc khủng hoảng này đang buộc các nước nhìn nhận lại vấn đề chuyển đổi năng lượng, giảm thiểu sử dụng khí đốt. Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là xu hướng bắt buộc trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình này không dễ thực hiện, chỉ cần một hướng đi không đúng, một sai lầm nhỏ hoặc kế hoạch dự phòng không đủ mạnh cũng có thể khiến cả thế giới đối mặt với khủng hoảng.