Giá dầu rớt xuống -40 USD/thùng, nguyên nhân và diễn biến kế tiếp

Bảo Quân| 21/04/2020 07:30

Ngày 20/4/2020, giá dầu thô Mỹ (West Texas Intermediate - WTI) lần đầu tiên rơi xuống dưới 0 USD, thấp nhất kể từ năm 1983.

Giá dầu xuống dưới "0"

Thậm chí, giá dầu WTI giao tháng 5 có thời điểm rơi xuống tận -40,32 USD/thùng trước khi chốt phiên giao dịch ở mức -37,63 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu về dầu sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Con số vừa nêu cũng là mức thấp nhất của giá dầu trên sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) kể từ năm 1983. 

Con số vừa nêu cũng là mức thấp nhất của giá dầu trên sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) kể từ năm 1983.

Mức -37,63 USD/thùng là mức thấp nhất của giá dầu trên sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) kể từ năm 1983.

Đồng thời, theo hãng tin CNN, với việc giá dầu thô WTI lần đầu tiên rơi xuống dưới 0 USD/thùng, ngày 20/4 đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới. Trước đó, giá dầu WTI cũng gây bất ngờ khi tiếp tục đà trượt dốc trong phiên đầu tuần hôm qua, có thời điểm về dưới 15 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ đầu năm 1999

"Khi nhu cầu giảm mạnh và các kho chứa đang được làm đầy quá nhanh, giá dầu sẽ cần phải giảm xuống, nhưng tôi không ngờ nó lại rơi nhanh như vậy", Samantha Gross - nhà nghiên cứu năng lượng và khí hậu tại Viện Brookings cho biết.

"Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh các công ty phải trả tiền cho người mua để bán dầu. Chuyện này không thể kéo dài trong thời gian dài được. Đây là là tín hiệu thị trường cho thấy, các kho lưu trữ đang được nhanh chóng lấp đầy, và việc sản xuất thêm nữa là không cần thiết", bà Gross bổ sung.

Thừa cung, thiếu cầu

Nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu WTI xuống mức âm xuất phát từ tình trạng thừa cung, thiếu cầu, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đồng loạt áp lệnh phong toả, giãn cách xã hội và tạm "đóng cửa" hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu sử dụng nhiên liệu cũng theo đó mà "tụt dốc". Song, nguồn cung dầu không thể nào "theo kịp" đà giảm nhanh chóng như vậy.

Dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn được gọi là OPEC+ vào tháng 4/2020 đã đồng ý cắt giảm sản lượng ở mức 9,7 triệu thùng dầu/ngày (tương đương khoảng 10%) trong thời gian tháng 5 và 6, nhưng chừng ấy vẫn ‘chẳng thấm vào đâu’ nếu so với nhu cầu dầu thô giảm từ 25-30 triệu thùng/ngày hoặc hơn.

Ngoài ra, cũng cần biết rằng, hoạt động khai thác tại các giếng dầu không phải chỉ cần ra lệnh "bật - tắt" như vòi nước là được. Dù thường được gọi là các "giếng dầu", nhưng trên thực tế, dầu được tìm thấy trong các lỗ nhỏ của đá xốp, và áp lực khoan phải được duy trì liên tục mới có thể hút dầu. Do đó, chi phí để "tắt" một giếng dầu đang khai thác là rất lớn, và chi phí để "bật" lại thậm chí còn lớn hơn. Vì vậy, việc các nhà sản xuất dầu tiếp tục khai thác khi hoạt động thua lỗ và nhu cầu sụt giảm là có thể hiểu được. Nhu cầu giảm, trong khi lượng cung không thể điều chỉnh giảm theo, và các kho dự trữ dầu hết chỗ chứa đã kéo giá dầu lao dốc.

Nguồn cung dầu không thể nào "theo kịp" đà giảm nhanh chóng của nhu cầu.

Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, sản lượng dầu toàn cầu vẫn còn khoảng 100 triệu thùng/ngày, nhưng nhu cầu đã giảm xuống 70 triệu thùng/ngày.

Thêm vào đó, việc dầu thô được giao dịch dựa trên hợp đồng tương lai, vốn để ngăn tình trạng biến động giá do dầu cơ, cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu xuống mức âm. Nói đơn giản, hợp đồng tương lai là thoả thuận giữa hai bên mua - bán; trong đó, bên mua đồng ý trả cho bên bán một mức giá nhất định đối với một số thùng dầu nhất định sẽ được giao vào một ngày cụ thể. 

Trong trường hợp lần này, hợp đồng tương lai mua dầu thô của tháng 5 đáo hạn vào ngày 21/4. Khi hợp đồng hết hạn, bên bán sẽ giao hàng và bên mua buộc phải nhận hàng. Song, do hầu hết các quốc gia trên thế giới đang trong tình trạng đình trệ sản xuất, kinh doanh vì Covid-19, nên lượng dầu tồn kho vẫn nhiều, thành ra hợp đồng tuy đã ký nhưng trên thực tế bên bán không thể giao hàng được, do bên mua không có chỗ chứa. Thế nên, chính áp lực phải đẩy dầu đi (vì bên bán cũng không còn chỗ chứa) đã khiến bên bán lựa chọn phương án phải bù thêm một khoản tiền để bên mua đưa dầu đi, khi lượng ký bán đã quá nhiều mà không được tất toán.

Diễn biến tiếp theo là gì?

Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, sản lượng dầu toàn cầu vẫn còn khoảng 100 triệu thùng/ngày, nhưng nhu cầu đã giảm xuống 70 triệu thùng/ngày. Cũng theo ước tính của API, khả năng lưu trữ của Mỹ là khoảng 825 triệu thùng và lưu trữ thực tế trước đây chưa bao giờ vượt quá 500 triệu thùng. Hiện vẫn có kho lưu trữ tối đa 100 triệu thùng. Như vậy, áp lực giảm giá sẽ diễn ra trong nhiều tuần hoặc lâu hơn cho đến khi đại dịch được kiểm soát và kinh tế tăng trưởng trở lại. 

Điều này báo hiệu những tổn thất đáng kể cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ - nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Các ngân hàng lớn và các cơ quan quản lý theo đó sẽ phải theo dõi các khoản lỗ giao dịch ngân hàng bên cạnh các khoản lỗ sắp tới từ các khoản vay đầu tư cho lĩnh vực sản xuất dầu. Số lượng giàn khoan trong ngành sản xuất dầu mỏ sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 2015 hoặc tệ hơn. Nhiều nhà sản xuất lớn có thể tránh phải bán dầu với giá thấp ít nhất trong vài tháng, song những nhà sản xuất dầu nhỏ mà vay nợ nhiều có thể sẽ bị phá sản.

Những nhà sản xuất dầu nhỏ mà vay nợ nhiều tại Mỹ có thể sẽ bị phá sản.

Những nhà sản xuất dầu nhỏ mà vay nợ nhiều tại Mỹ có thể sẽ bị phá sản.

Daniel Yergin – người từng đoạt giải Pulitzer, hiện là Phó chủ tịch IHS Markit Ltd. cho rằng, hiện tượng giá dầu là một cảnh báo nguy hiểm. Thế giới vốn được định nghĩa là luôn vận động, nhưng những tuần qua "toàn thế giới đã dừng lại". Đây là đặc điểm chưa từng có trong lịch sử các cuộc suy thoái.

Còn theo nhận định khá bi quan của Giám đốc điều hành Chiến lược Năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets - Michael Tran, rất ít cơ hội để ngăn chặn thị trường vật chất rời khỏi đà suy thoái trong thời gian tới. Hiện tại, các nhà lọc dầu kiên quyết từ chối, khả năng dự trữ của Mỹ cũng đã tới hạn, các lực lượng thị trường sẽ tiếp tục gây thêm đau đớn cho đến khi thị trường chạm đáy, hoặc đại dịch bị đẩy lùi, bất cứ khả năng nào đến trước.

Về lâu dài, giải pháp duy nhất cho ngành năng lượng Mỹ và thế giới chỉ đến khi dịch Covid-19 chấm dứt và nền kinh tế hoạt động trở lại. Hạn chế lây lan và kiểm soát dịch bệnh vì thế là ưu tiên hàng đầu của cả thế giới và sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá dầu rớt xuống -40 USD/thùng, nguyên nhân và diễn biến kế tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO