Cuộc khủng hoảng còn tồi tệ hơn thập niên 1930

Lê Phan| 28/04/2020 05:00

Nếu như cách đây 90 năm, cuộc khủng hoảng chỉ diễn ra trong nội bộ nước Mỹ và ảnh hưởng đến một vài nước phương Tây, thì giờ đây, với sự kết nối các quốc gia trên toàn cầu, sức lan tỏa và tàn phá sẽ lớn hơn rất nhiều.

Cuộc khủng hoảng còn tồi tệ hơn thập niên 1930

Trong một báo cáo công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, thế giới đang phải đối mặt với sự suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930.

Những nền kinh tế hàng đầu

Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý I/2020, đánh dấu mức tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Cách mạng Văn hóa năm 1976, chính thức xác nhận những thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 giảm đến 6,6%, khi các đối tác thương mại hàng đầu phương Tây đang lâm vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết khi phải chống chọi với dịch bệnh leo thang, khiến lượng đơn hàng giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với mối đe dọa kinh tế lớn nhất trong gần 100 năm.

Đã 4 tháng kể từ khi Bắc Kinh phát hiện virus Corona chủng mới và sau đó ra lệnh phong tỏa, nền kinh tế nước này vẫn đang vật lộn để mở cửa trở lại. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, đại dịch đã làm 205 triệu công nhân Trung Quốc thất nghiệp, trong khi số lượng việc làm trong quý I giảm đến 27%.

Bên kia bán cầu, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ cũng không khá hơn, khi dữ liệu gần đây cho thấy đã có thêm 5,25 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua, nâng tổng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lên khoảng 22 triệu kể từ khi đại dịch bắt đầu xảy ra. Cũng tại Mỹ, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp đã giảm kỷ lục trong tháng 3, trong khi các nền kinh tế chủ chốt của khu vực EU như Đức và Pháp đang bước vào giai đoạn suy thoái, do khối này thời gian qua đã buộc phải phong tỏa để ngăn chặn số ca nhiễm bệnh tăng vọt.

Bất chấp những gói cứu trợ lên đến hàng nghìn tỷ USD mà các nước đã thông qua, trong đó riêng Mỹ đã thông qua gói hơn 2.000 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chống dịch Covid-19, bên cạnh hàng nghìn tỷ USD nữa để ổn định hệ thống tài chính, các nền kinh tế này dự báo sẽ còn tiếp tục lao đao. Tăng trưởng của Mỹ có thể giảm 5,9% trong năm nay, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ năm 1946, nhưng có thể vẫn thấp hơn so với tốc độ lao dốc của một số nền kinh tế châu  u. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể sẽ tăng lên 10,4% trong năm 2020 và 9,1% trong 2021.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 giảm đến 6,6%, khi các đối tác thương mại hàng đầu phương Tây đang lâm vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 giảm đến 6,6%, khi các đối tác thương mại hàng đầu phương Tây đang lâm vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết.

Tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng thập niên 1930?

Trong một báo cáo công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, thế giới đang phải đối mặt với sự suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930, khi khủng hoảng dịch bệnh dự kiến sẽ làm sụp đổ nền kinh tế còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm. Theo đó, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 3% trong năm 2020, đảo chiều hoàn toàn so với mức dự báo tăng trưởng 3,3% cũng chính do tổ chức này đưa ra hồi tháng 1. 

Link bài viết

IMF dự báo, kinh tế toàn cầu có thể phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng GDP đạt 5,8%, nếu dịch bệnh được đẩy lùi trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo triển vọng tăng trưởng vẫn khá mờ mịt và những biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể kéo dài hơn dự kiến thì tình trạng suy thoái có thể còn kéo dài tới tận năm 2021, nếu các quốc gia thiếu sự phối hợp đồng bộ để chống dịch.

Cần lưu ý là cuộc khủng hoảng lần này có thể còn tồi tệ hơn so với cuộc đại suy thoái thập niên 1930, do quy mô nền kinh tế hiện nay đã phình lên mức khổng lồ và có tính kết nối chặt chẽ trên toàn cầu. Nếu như cách đây 90 năm, cuộc khủng hoảng chỉ diễn ra trong nội bộ nước Mỹ và ảnh hưởng đến một vài nước phương Tây, thì giờ đây với sự kết nối các quốc gia trên toàn cầu, sức lan tỏa và tàn phá sẽ lớn hơn rất nhiều.

Những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã thúc đẩy giao thương, đầu tư trên toàn cầu phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, do đó khi một vài nền kinh tế lớn "hắt hơi", tất cả nền kinh tế còn lại không tránh khỏi tình trạng "sổ mũi". Theo đó, tác động của thiệt hại có thể khuếch đại nhiều lần so với quá khứ, nhất là khi sản xuất thực trong nền kinh tế ngày nay chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các thị trường tài chính, trong khi đó quy mô các thị trường tài chính hiện nay đã vượt quá sức tưởng tượng, với các sản phẩm phái sinh "điên rồ" của lực lượng đầu cơ.

Trong khi đó, nợ công của các chính phủ đã là những con số khổng lồ, các chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức khiến dư địa tài khóa để can thiệp, ổn định và hỗ trợ cho nền kinh tế lẫn các thị trường tài chính ngày càng thu hẹp. Đó là chưa nói đến việc những chính sách can thiệp và hỗ trợ có thể bị phá vỡ bởi các lực lượng đầu cơ trên các thị trường, vốn luôn chực chờ để kiếm lợi nhuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc khủng hoảng còn tồi tệ hơn thập niên 1930
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO