Trong nước

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng “vượt những cơn gió ngược” năm 2024

Lê Hạnh - Ảnh: Minh Phú 10/01/2024 10:00

Năm 2023, dù bị ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế toàn cầu đầy biến động, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng có nhiều cơ hội vượt khó để tăng trưởng trong năm 2024.

Đây là nhận định của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế uy tín tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô với chủ đề “Năm 2024 - Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược” do Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM kết hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức ngày 9/1.

Khó khăn nhưng vẫn có cơ hội tăng trưởng

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM đánh giá, năm 2023 tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%, nhưng vẫn nằm trong nhóm những nền kinh tế tăng trưởng cao toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam có những thành công, như Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành; tín dụng tăng trưởng 13,71%, phù hợp với các cân đối vĩ mô; tỷ giá điều chỉnh ở mức 2,89%, giúp Việt Nam vượt qua nhiều cú sốc bên ngoài.

09012024-hoi-thao-kinh-te-luong-minh-phu-dsc01333.jpg
PGS-TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu Trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM nhận định kinh tế Việt Nam năm 2024 có rất nhiều thách thức.

Giải ngân đầu tư công ở mức ấn tượng, đạt trên 85% kế hoạch năm. “Chúng ta đã kiên định tài khóa và chu kỳ thực hiện tốt vấn đề hoãn, giảm thuế, xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng mạnh gấp ba lần so với năm trước, đó là một điểm sáng. Tuy nhiên, phân tích tình hình chi tiêu và sản xuất cho thấy, 2023 là một năm đầy khó khăn, người dân giảm chi tiêu, hàng hóa khó tiêu thụ. Chi tiêu dùng cá nhân rất cầm chừng với mức bán lẻ hàng hóa tăng 9.6%, chưa được một nửa của năm 2022 (20%). PMI (chỉ số Nhà quản trị mua hàng) cả năm đều dưới 50 điểm ngoại trừ tháng 2 và tháng 8 ở mức trung bình, thể hiện đơn hàng mới không có.

Năm 2024, sản xuất công nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ cải thiện hơn nhưng triển vọng không mấy khả quan do ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu. Với nền kinh tế có độ mở cao, chịu nhiều ảnh hưởng của xuất khẩu, Việt Nam cần nỗ lực đặc biệt để đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6.5%”, ông Trung cho biết.

Cùng nhận định, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, kinh tế Việt Nam đã qua được giai đoạn nguy hiểm, khó khăn nhất và tình hình ổn định hơn, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề. Áp lực lạm phát - tỷ giá - lãi suất giảm, thanh khoản ngân hàng ổn định trở lại, chứng khoán - trái phiếu trải qua cơn chấn động và bắt đầu phục hồi. Còn 3 vấn đề tồn tại lớn, đó là hệ thống tài chính ngân hàng chưa đủ lành mạnh, việc xử lý ngân hàng yếu kém kéo dài hàng chục năm còn nhiều khó khăn, cùng với nợ xấu tăng khiến lòng tin vào thị trường tài chính chưa cao. Những năm gần đây và đặc biệt là năm 2023, chế biến - chế tạo không còn là động lực tăng trưởng. Biểu hiện rõ nhất là xuất nhập khẩu giảm. Nhập khẩu giảm cũng là một nỗi lo, dù thặng dư thương mại đạt gần 30 tỷ USD.

09012024-hoi-thao-kinh-te-luong-minh-phu-dsc01335.jpg
TS. Võ Trí Thành cho rằng kinh tế Việt Nam đã qua được giai đoạn nguy hiểm, khó khăn nhất.

Trong nhập khẩu, 40% là thiết bị máy móc gắn với đầu tư, 30-35% là hàng trung gian, một phần nhỏ là hàng tiêu dùng, chưa tính nhiên liệu nguyên liệu, chứng tỏ đơn hàng khó, thị trường eo hẹp nên hàng trung gian, thiết bị máy móc và đầu tư tư nhân gần như chững lại. Điều này vẫn có thể tiếp tục trong năm 2024. Đơn hàng dù đã đỡ hơn, nhưng còn nhiều bấp bênh nếu nhìn vào chỉ số PMI thì chỉ có 2 tháng trên 50 điểm trong năm 2023.

Theo TS. Thành, điểm sáng nhất năm 2023 là đầu tư công. Báo cáo mới nhất của Chính phủ, năm 2023 đã giải ngân được 95% kế hoạch. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp cũng là điểm sáng, ngoại trừ thủy sản. Dịch vụ tăng cao hơn mức trung bình, trở thành lực lượng dẫn dắt và phía sau dịch vụ là tiêu dùng tương đối tốt. Tuy nhiên, tốc độ tăng tiêu dùng bán lẻ giảm khá nhanh, đầu năm trên 10%, nhưng cuối năm chỉ tăng 7% nhờ vào 12,6 triệu khách du lịch nước ngoài. Điều này cho thấy tiêu dùng vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế nhưng bắt đầu yếu.

Đồng ý với nhận định của TS. Nguyễn Đức Trung, GS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng điểm tối nhất năm 2023 là tổng cầu nền kinh tế giảm mạnh nhất trong 35 năm. Tuy nhiên, ông vẫn nhìn thấy những gam màu tươi tắn hơn. Ông cho rằng, mặt bằng lạm phát của thế giới sẽ giảm, tổng cầu của nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2024 do hàng tồn kho của các nước Mỹ và EU đã đạt đỉnh vào cuối quý 2/2023, đang có xu hướng giảm dần nên họ phải tiếp tục tăng tồn kho, mở ra cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam. Đó cũng là một động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong thời gian tới.

09012024-hoi-thao-kinh-te-luong-minh-phu-dsc01339.jpg
GS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM tin tưởng vào những gam màu sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Bên cạnh đó, cuối năm 2023 đầu năm 2024 là điểm rơi của các quyết định thay đổi chi tiêu, nên người tiêu dùng có thể tiêu xài nhiều hơn. Dù du lịch đang hồi phục nhưng vẫn còn cách rất xa so với giai đoạn trước dịch, do đó dư địa tăng trưởng du lịch còn nhiều. Thứ ba, các chương trình giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ và nhiều bộ ngành thực hiện rất quyết liệt, nhưng muốn lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực và ngành nghề khác để kích thích tổng cầu và tổng đầu tư của nền kinh tế, thì phải có độ trễ đến năm 2024. Thứ tư, dư địa cho việc mở rộng chính sách tiền tệ còn rất nhiều, những chính sách quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu, gỡ “trái bom” trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến dòng tiền quay trở lại và thị trường bất động sản vẫn là một “hàn thử biểu” quan trọng, mang lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, TS. Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, Đại biểu Quốc hội nhận định, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, phức tạp, thành công của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 là ổn định lãi suất - tỷ giá, nhờ thặng dư xuất khẩu cao, thị trường ngoại hối cũng không biến động nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bất cập như tổng cầu nền kinh tế sụt giảm, lạm phát do chi phí tăng cao, đặc biệt thiếu nguyên vật liệu để làm những dự án lớn. Bên cạnh đó, đầu tư thành lập doanh nghiệp có tăng trở lại nhưng tổng vốn đầu tư trên một doanh nghiệp giảm, lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường chưa được phục hồi, ngân hàng còn thừa tiền chủ yếu do người dân gửi vào, lãi suất xuống thấp nhưng các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn tín dụng do thủ tục cho vay thế chấp, tín chấp còn nhiều rào cản. Mặc dù đã có những cải thiện nhưng thủ tục đầu tư vẫn còn vướng mắc, có những dự án nhỏ nhưng thời gian làm thủ tục đầu tư gấp đôi triển khai thực hiện xây dựng, khiến dòng tiền đưa vào nền kinh tế chậm, dẫn đến độ trễ lớn, không tác động ngay đến nền kinh tế.

09012024-hoi-thao-kinh-te-luong-minh-phu-dsc01347.jpg
TS. Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị cần có những đột phá ngay để kích hoạt nền kinh tế.

Cần có chính sách sát hơn, dài hạn hơn

TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, sự kích hoạt của nền kinh tế, tốc độ quay vòng của nền kinh tế rất chậm, từ chủ trương, chính sách cho tới triển khai thực hiện quá thận trọng nên tự “trói mình”. Do đó, ông đề xuất cần phải có sự đột khóa tháo gỡ những cơ chế, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng và phải “mở trói” thủ tục đầu tư, có những đột phá ngay để đưa thì dòng vốn vào nền kinh tế, kích hoạt những giải pháp, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ở khía cạnh khác, GS-TS. Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, cần phải lưu ý độ trễ và hiệu ứng của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và chuẩn bị các nguồn lực để hấp thu dự án đầu tư công. Ví dụ, đầu tư sân bay quốc tế Long Thành nhưng thiếu sự chuẩn bị nguồn lực khi đưa dự án này vào vận hành và hoạt động hiệu quả. Thứ hai, mô hình tăng trưởng của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn dựa vào các ngành thâm dụng lao động theo chu kỳ, chứng tỏ sự chuyển đổi cấu trúc kinh tế của TP, đầu tàu kinh tế của Việt Nam còn chậm, chu kỳ kinh tế đi theo như vậy khiến tăng trưởng GDP trồi sụt. Bên cạnh đó, tiêu dùng liên quan đến bất động sản, du lịch nhưng hạ tầng nền tảng cho tiêu dùng này không ổn định, có tính chu kỳ. Chúng ta phải phát triển như thế nào để các hoạt động này có tính bền vững hơn. Thứ ba, vốn tích lũy của nền kinh tế nói chung và TP.HCM nói riêng dựa trên FDI và đầu tư công, nhưng hàng loạt doanh nghiệp nhà nước hiện nay vận hành không hiệu quả, vốn tích nhiều mà hiệu suất thấp.

09012024-hoi-thao-kinh-te-luong-minh-phu-dsc01345.jpg
GS-TS. Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ tại hội thảo.

“Về đổi mới và phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ trong thời đại 4.0, cần chuẩn bị nguồn lực để đón các 'đại bàng' trong những ngành công nghiệp như bán dẫn (semiconductor) và chip vào TP. Chúng ta đưa ra lộ trình kỳ vọng đến năm 2030 phải có 50 ngàn kỹ sư nhưng khó đạt được, vì để đào tạo lực lượng kỹ sư này, ít nhất một khóa học là 5 năm, trong khi chỉ còn chưa tới 10 năm nữa. Như vậy các trường phải làm như thế nào để giải quyết? Để có được mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo công nghệ, thì cần chính sách sát hơn, dài hạn hơn mới hy vọng mô hình tăng trưởng thay đổi, chứ nếu đi theo chiều hướng hiện nay thì chỉ có thể giữ ổn định trong ngắn hạn”, GS. Thành cho hay.

Để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024, GS-TS. Nguyễn Đình Trung cũng đưa ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Ông cho rằng, để thúc đẩy chi tiêu, cần nhân rộng mô hình xúc tiến thương mại mà TP.HCM thực hiện trong thời gian qua như livestream bán hàng, ngày hội mua sắm trực tuyến để người dân tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa và kích thích hành vi mua sắm. Đồng thời, duy trì giảm thuế VAT 2% không chỉ trong 6 tháng mà cả năm 2024; kiên định chính sách tài khóa phản chu kỳ, để giảm giá bán cần cắt giảm chi phí bằng cách tận dụng công nghệ, xem AI là một lực lượng sản xuất phi sinh học. Cụ thể, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã dùng AI thực hiện đề thi trắc nghiệm, các thầy cô thẩm định, kiểm duyệt lại và chi phí chỉ bằng 1/3 so với trước đây.

Liên quan đến đầu tư, ông Trung đề xuất cần tiếp tục thực hiện chiến lược “bay cùng đại bàng” thu hút FDI, nhất là khi năm 2023 có 50 tập đoàn công nghệ cao của Mỹ đến thăm dò thị trường cùng tổng thống Joe Biden, cũng như các tập đoàn của Trung Quốc cam kết đầu tư công nghệ xanh, điện sạch, hạ tầng… Bên cạnh đó, cần phát huy thành công trong giải ngân đầu tư công, phải nỗ lực ngay từ đầu năm; xuất khẩu cần hướng mạnh hơn nữa đến những thị trường khả quan về tăng trưởng kinh tế như Ấn Độ, thay vì chỉ tập trung vào châu Âu. Về dịch vụ, ông cho rằng cần đầu tư các thành phố trọng điểm có khả năng phát triển mạnh về du lịch.

Nhận định tăng trưởng kinh tế TP.HCM khó có biến động trong ngắn hạn, ông Trung cho rằng cần tập trung nguồn lực cho đầu tư dài hạn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp. Với nhiều nguồn lực thuận lợi như vị trí địa lý (trung tâm cảng biển, sân bay); nguồn lực tri thức dồi dào, ông kiến nghị TP.HCM cần phát huy Nghị quyết 98, tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại, bằng hoặc gấp đôi Hà Nội để sử dụng hiệu quả hơn. TP.HCM có thể phát triển theo mô hình của Dubai ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đề xuất giải pháp để kinh tế Việt Nam vượt khó trong năm 2024. Thực hiện: Lê Hạnh - Minh Phú - Thanh Trúc

Còn TS. Võ Trí Thành cho rằng, có ba nhóm chính sách cơ bản cần thực hiện trong năm 2024. Thứ nhất là nhóm ứng xử với vấn đề tài chính tiền tệ. Cần ổn định, duy trì hoạt động bình thường của hệ thống tài chính ngân hàng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Ông Thành nói tiếp: “Lòng tin chưa tốt, thị trường bất động sản có rục rịch. Mặc dù chúng ta có rất nhiều giải pháp để ứng xử với thị trường này, từ pháp lý hỗ trợ tài chính tiền tệ đến cấu trúc các tập đoàn lớn, nhưng bước tiến còn khá chậm”.

Nhóm chính sách thứ 2 là kích cầu từ tiêu dùng, như cấp thị thực (visa), hút khách, hỗ trợ người lao động, cho đến thu hút đầu tư, không chỉ đầu tư công mà cả tư nhân, bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Một điểm kích cầu nữa là xuất khẩu, Việt Nam sắp tới có thể ký kết nhiều hiệp định, đàm phán với một số quốc gia.

Về tinh thần, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được tiếp tục duy trì như giảm thuế (6 tháng hoặc cả năm 2024), khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ, cố gắng giữ mặt bằng lãi suất thấp. Nhóm thứ 3, vẫn tiếp tục tạo động lực cho những truyền thống vốn có nhưng phải tận dụng cái mới. Cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, kể cả pháp lý để thúc đẩy kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Việt Nam cần hoàn thành 63 quy hoạch trong đó có Hà Nội, TP.HCM bên cạnh cơ chế đặc biệt cho các tỉnh, thành…

Hiện nay, Việt Nam cũng đang chuẩn bị mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội lớn sau khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, Nhật Bản, cũng như làm sâu sắc quan hệ với đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc. Ngoài ra, TP.HCM có vai trò cực lớn trong chiến lược thu hút các “đại gia”, các đối tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ, sáng tạo số, nhất là chip và chất bán dẫn.

09012024-hoi-thao-kinh-te-luong-minh-phu-dsc01344.jpg
Hội thảo quy tụ những nhà khoa học, chuyên gia kinh tế uy tín.

Theo ông Thành, đó là ba nhóm chính sách mà Việt Nam cần tiếp tục làm trong năm 2024 để ứng phó với khó khăn trước mắt. Việc hoạch định, thiết kế chính sách đến xử lý, thực thi chính sách cần có những kịch bản đánh giá theo vấn đề hệ lụy của nó, để có phương án ứng phó kịp thời. “Chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn (nhóm chính sách 3) để trong tương lai bớt đi những nỗi nhọc nhằn ngắn hạn và trước mắt”, ông Thành nhấn mạnh.

Với những đánh giá sâu sắc của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế uy tín về thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong thời gian tới, hội thảo sẽ cung cấp dữ liệu là cơ sở để tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan bộ ngành của Chính phủ trong xây dựng, điều hành chính sách. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh, ứng phó kịp thời với điều kiện bấp bênh của thị trường thế giới, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng “vượt những cơn gió ngược” năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO