Kinh nghiệm khởi nghiệp thành công: Học từ những cuộc thi

Phan Thương| 28/07/2022 06:00

Ấp ủ những khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Thành Gia (22 tuổi, quê Trà Vinh) đã không ngừng học hỏi và nghiên cứu để hiện thực hóa ước mơ của mình.

Kinh nghiệm khởi nghiệp thành công: Học từ những cuộc thi

Từ những cuộc thi...

Nguyễn Thành Gia - sinh viên năm ba Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM là quán quân cuộc thi “Người Nhân văn khởi nghiệp 2019”, á quân “Siêu thủ lĩnh 2020”, quán quân “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2018”, đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Nghiên cứu khoa học cấp quốc gia 2017”. 

Nói về động lực để tham gia những cuộc thi trên, Thành Gia chia sẻ: “Tôi tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp là để học hỏi, trau dồi kiến thức, tạo bước đệm phát triển trong tương lai”.

Nguyễn Thành Gia bắt đầu khởi nghiệp khi đang học lớp 10 bằng cách trồng nấm mối. Anh đã gửi hồ sơ khởi nghiệp đến một cuộc thi khởi nghiệp nhưng bị từ chối vì chuẩn bị kế hoạch chưa bài bản. Thành Gia không nản lòng bởi nhận thấy những thiếu sót, hạn chế của mình. Anh tâm sự: “Sự thất bại của lần khởi nghiệp đầu tiên khiến tôi nhận ra rằng, muốn kinh doanh hay muốn làm một việc gì đó, đầu tiên phải hoạch định được mọi thứ như làm như thế nào, các bước ra sao, cần chuẩn bị những gì”.

-3672-1658809178.jpg

Cuộc thi “Người Nhân văn khởi nghiệp năm 2019” đã đánh dấu sự trưởng thành trong tầm nhìn và kiến thức của Thành Gia. Bước vào cuộc thi, anh đã đem đến một kế hoạch chỉn chu về cách làm ra những sản phẩm từ trái quách. Nói về mô hình khởi nghiệp này, Thành Gia chia sẻ: “Ở quê tôi, trái quách đó rụng nhiều mà người dân ít khi sử dụng. Qua tìm hiểu, tôi biết trong trái quách chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất bột có lợi cho sức khỏe. Lúc đó, tôi mới có ý tưởng dùng trái quách để làm ra một số thực phẩm và đồ uống có cồn. Năm 2018, tôi bắt đầu đưa sản phẩm mẫu ra thị trường để thử nghiệm. Năm 2019, sau khi sản phẩm đã được kiểm định thì cuộc thi “Người Nhân văn khởi nghiệp” diễn ra, thế là tôi tham gia”.

Nhớ lại thời gian đó, Thành Gia cho biết: “Tôi đã đến Trường Đại học Trà Vinh trình bày kế hoạch sử dụng trái quách và may mắn nhận được sự hỗ trợ từ các thầy cô”. 

Thành Gia còn tích cực học tập cách thức quản trị và kiến thức liên quan đến tổ chức và vận hành một doanh nghiệp. Thành Gia nói: “Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An là sư phụ đầu đời của tôi về mảng khởi nghiệp. Thầy chỉ cho tôi rất nhiều thứ, chẳng hạn như cách để hiểu khách hàng, hiểu thị trường, cách marketing, kế toán doanh nghiệp. Khi vào đại học, tôi đã học hỏi thêm về kinh tế nông nghiệp và nghiên cứu sâu hơn về sản phẩm mình đang sản xuất”.

Nói về những điều học được qua các cuộc thi, Thành Gia cho biết: “Các cuộc thi đã cho một người non trẻ như tôi biết cách gọi vốn, giúp tôi rèn luyện kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc với các chuyên gia, đối tác. Đặc biệt, các cuộc thi đã cho tôi cơ hội tiếp cận, làm việc với các nhà đầu tư. Tôi nhớ có một anh trong ban giám khảo đã gợi ý đầu tư cho tôi 100 triệu đồng để lấy 30% cổ phần và Tập đoàn Xuân Nguyên ngỏ ý đầu tư để phát triển sản phẩm của tôi. Nhưng rất tiếc là khi đàm phán lại không thành công vì hai bên không thống nhất được một số vấn đề. Các cuộc thi dạy tôi phải biết nhiều thứ khi kinh doanh và biết cách chịu áp lực, chứ không chỉ giỏi chuyên môn là làm được. Chẳng hạn như phải biết doanh nghiệp của mình nó như thế nào, có bao nhiêu rủi ro, giải quyết các rủi ro đó thế nào, quản lý nguồn nhân lực ra sao...”.

... Đến thực tiễn

Kiến thức học được từ những cuộc thi khởi nghiệp đã giúp Thành Gia làm ra rượu từ trái quách. Thành Gia tâm sự: “Là sinh viên, làm ra một sản phẩm, nếu muốn đưa ra thị trường thì phải cần nhiều tiền để đầu tư. Điều này đối với tôi gần như bất khả kháng. Vấn đề pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc hiện thực hóa mô hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Sản xuất rượu phải trải qua nhiều quy trình, rồi phải đưa đi kiểm định, đăng ký mới có thể bán ra thị trường. Khi tôi hoàn thiện sản phẩm, nhiều người bảo nên đi đăng ký sở hữu trí tuệ. Lúc đó, tôi nghĩ mình còn rất nhiều trở ngại, chưa thể đưa thành phẩm ra thị trường được. Nếu như một công ty nào đứng ra làm sản phẩm này, đảm bảo thu nhập cho người dân, tăng giá trị sản phẩm thì tôi sẵn sàng chuyển giao, không lấy tiền. Vì thế mà tôi đã không đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình”.

Sản xuất rượu từ trái quách là một hướng đi rất khác so với chuyên ngành tâm lý mà Thành Gia đang theo học. Việc tiếp tục sản xuất rượu hay tạm dừng để theo đuổi con đường học tập buộc Thành Gia phải cân nhắc rất kỹ. Anh thành thật: “Sinh viên khởi nghiệp luôn đứng trước lựa chọn: mạo hiểm hay an toàn. Mạo hiểm là chấp nhận bỏ tất cả để thực hiện kế hoạch kinh doanh, nếu không thì rất khó thành công. An toàn là tạm gác nó lại. Cuối cùng, tôi đã chọn an toàn bởi muốn hướng về chuyên môn của mình.

Từ những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được từ những cuộc thi khởi nghiệp và trong quá trình sản xuất sản phẩm từ trái quách, Thành Gia đã có bước chuyển mình mạnh mẽ sang lĩnh vực tâm lý - là chuyên ngành mà anh đang theo học. Song Yến là một chương trình phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ tâm lý cho học sinh trung học phổ thông và phụ huynh. Song Yến gồm 20 sinh viên bao gồm Thành Gia và sinh viên từ các ngành như tâm lý, marketing, truyền thông, kế toán... Dàn cố vấn gồm các chuyên gia tâm lý trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đến nay, tổ chức đã triển khai được 5 chương trình hoạt động, mỗi chương trình trên 1.000 người tham gia. Song Yến chủ yếu chia sẻ kiến thức tâm lý đến các bạn trẻ và hỗ trợ kết nối các bạn với chuyên gia để tư vấn và giải quyết vấn đề tâm lý.

Nói về chương trình này, Thành Gia chia sẻ: “Song Yến là chương trình mà tôi triển khai cụ thể hơn, bài bản và ổn định hơn. Tôi kỳ vọng, nếu chương trình đủ mạnh, sẽ thành lập doanh nghiệp xã hội để có tư cách pháp nhân, làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn, hỗ trợ được nhiều người hơn và áp dụng kiến thức mà mình đã học được vào công việc”.

Nghĩ về những điều mà bản thân đã trải qua, Thành Gia tâm niệm: “Nếu các bạn trẻ có mong muốn kinh doanh thì nên khởi nghiệp. Mỗi một ngày, con người có thể nảy sinh ra hàng vạn ý tưởng, nhưng việc chọn một ý tưởng và đi đến cùng với nó là không dễ, nếu thiếu kiến thức và quyết tâm. Tôi nghĩ, đích đến của khởi nghiệp không chỉ là có được doanh thu, mà còn là những gì học được qua quá trình khởi nghiệp đó”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh nghiệm khởi nghiệp thành công: Học từ những cuộc thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO