Thương mại điện tử - "cuộc chơi" trường vốn

NGUYÊN BẢO| 25/02/2017 06:47

Muốn phát triển thương mại điện tử, các doanh nghiệp phải trường vốn hay “rủng rỉnh” về tài chính.

Thương mại điện tử -

Dù được nhìn nhận là lĩnh vực có nhiều dư địa để phát triển nhưng không phải khoản đầu tư vào thương mại điện tử nào cũng khả quan. Theo chia sẻ của một số nhà đầu tư thiên thần, hầu như chưa có trang thương mại điện tử nào tại Việt Nam mang về lợi nhuận như mong muốn. Đó là chưa kể đến những trang phải “từ bỏ cuộc chơi”.  

Đọc E-paper

Hàng loạt “ông lớn” vào cuộc

Từng không thành công với Zing Deal và 123mua.vn, tháng 7/2014, Công ty CP VNG đã chuyển nhượng sàn thương mại điện tử 123mua.vn cho Tập đoàn FPT, thông qua đơn vị tiếp quản là Công ty Sen Đỏ - thành viên của Tập đoàn FPT, đồng thời quản lý trang thương mại điện tử sendo.vn.

Vào đầu năm 2016, VNG vào cuộc chơi mới khi quyết định đầu tư vào Công ty CP Tiki - đơn vị quản lý trang thương mại điện tử Tiki.vn, với việc mua hơn 3,7 triệu cổ phiếu của Tiki với giá 384 tỷ đồng, tương ứng với 38% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

Ngoài VNG, các doanh nghiệp lớn trong nước như Tập đoàn Vingroup cũng đã tham gia vào mảng thương mại điện tử với trang Adayroi.com (ra mắt tháng 8/2015). Còn Viettel Post - đơn vị chuyên mảng giao nhận thuộc Tập đoàn Viettel cũng sở hữu trang sandacsan.com.vn, chuyên về đặc sản.

Trong khi đó, ở khối doanh nghiệp ngoại, tháng 4 năm ngoái, nhân khai trương Trung tâm Thương mại Gò Vấp (TP.HCM), ông Hong Won Sik - TGĐ Lotte Vietnam Shopping cho biết, Công ty đang hứng thú với việc phát triển lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, bởi Việt Nam sở hữu dân số trẻ và hơn 1/3 trong số 90 triệu dân sử dụng internet.

Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng nhanh về mua sắm qua smartphone. Hơn nữa, 60% người Việt Nam ở thành thị đã trải nghiệm mua sắm qua internet, gần một nửa trong số đó có trải nghiệm mua sắm qua Facebook.

Dân số trẻ sở hữu smartphone ngày càng nhiều là cơ sở phát triển thương mại điện tử. Ảnh: QH

Ngày 6/10/2016, Tập đoàn Lotte đã ra mắt sàn thương mại điện tử phiên bản Beta với đường dẫn www.lotte.vn, tập trung chủ yếu vào ngành hàng thời trang, sức khỏe, làm đẹp, điện tử vốn là lựa chọn hàng đầu về mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam.

Kết quả khảo sát trực tuyến về thị trường thương mại điện tử, cung cấp bởi Asia Plus Inc. giữa năm 2016 cho thấy, 3 mặt hàng thu hút qua thương mại điện tử bên cạnh thời trang còn có các mặt hàng điện tử, điện thoại di động và thiết bị nhà bếp.

Riêng với Tập đoàn Bán lẻ Aeon, sau khi phát triển các trung tâm thương mại với quy mô lớn tại thị trường Việt Nam, đầu năm 2017 đã vận hành trang thương mại điện tử aeonshop với nguồn hàng chủ yếu là sản phẩm từ Nhật Bản và thương hiệu Topvalu - một nhãn hàng riêng của Aeon (Aeon đã có gần 1.000 mặt hàng mang thương hiệu này tại thị trường Việt Nam).

Khi trao đổi với phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn vào năm 2015, ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kim chia sẻ, Tập đoàn đang hướng đến mục tiêu cùng với đối tác là Tập đoàn GS (Hàn Quốc) phát triển sàn thương mại điện tử.

Vào tháng 4 tới, công ty con của Sơn Kim là Sơn Kim Fashion sẽ giới thiệu trang thương mại điện tử sonkimmode.vn, trước mắt giới thiệu và kinh doanh các nhãn hàng thời trang do Công ty sản xuất và phân phối.

“Về lâu dài, trang này sẽ tích hợp với sàn thương mại điện tử mà Tập đoàn sẽ phát triển vì thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng trong tương lai”, bà Nguyễn Hồng Trang - TGĐ Sonkim Fashion chia sẻ.

“Sân chơi” chưa phân thắng bại

Tuy được xác định là lĩnh vực tiềm năng, nhưng muốn phát triển thương mại điện tử đòi hỏi các doanh nghiệp phải trường vốn hay “rủng rỉnh” về tài chính.

Mới đầu tư vào Tiki khoảng một năm nhưng báo cáo tài chính của VNG đã ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết gần 94,4 tỷ đồng trong năm 2016, xuất phát chủ yếu từ khoản đầu tư 384 tỷ đồng vào Công ty CP Tiki (Tiki là công ty liên kết của VNG). Đến cuối kỳ báo cáo, giá trị khoản vốn này còn lại gần 290 tỷ đồng, chủ yếu xuất phát từ thua lỗ liên tục của Tiki.

Trước đó, truyền thông cũng đã đưa tin, chỉ tính riêng quý III/2016, Tiki lỗ khoảng 78,1 tỷ đồng, chưa kể tính từ thời điểm nhận đầu tư của VNG, Tiki lỗ khoảng 157 tỷ đồng (chỉ tính khoản lỗ của VNG vào Tiki ghi nhận từ 8 tỷ đồng trong quý I lên 22 tỷ trong quý II, gần 30 tỷ đồng quý III và hơn 30 tỷ vào quý IV/2016).

Trước đó, một số “ông lớn” như IDG Ventures Việt Nam hay Tập đoàn Rocket Internet (sở hữu sàn Lazada, Zalora và Foodpanda) cũng đã lần lượt đóng cửa trang Lana và trang Lamido.vn (trang thương mại điện tử theo mô hình C2C). Thêm nữa, trang thương mại điện tử Deca.vn (thuộc Công ty CP Quảng cáo trực tuyến 24h) cũng đóng cửa vào cuối năm 2015, sau khi ra mắt năm 2014.

Liên quan đến thua lỗ của mô hình thương mại điện tử nói chung và Tiki.vn nói riêng, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng đại diện Quỹ Đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures, Inc (Nhật Bản) tại Thái Lan và Việt Nam nhìn nhận, thương mại điện tử là khoản đầu tư dài hạn, với kỳ vọng 5 - 10 năm mới tạo ra lợi nhuận. Nhà đầu tư phải xác định đây là “cuộc chơi” dài hơi và của những người trường vốn. Ngay như Amazon cũng phải mất 10 năm mới thu lợi. Hơn nữa, hoạt động thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt, thị trường gần như đã hình thành nên việc thắng thua, thành bại vẫn là chuyện dài.

Các bạn trẻ mua sách qua Tiki App. Ảnh: QH

Theo Asia Plus Inc, nếu xét hoạt động thương mại điện tử nói chung, Lazada (với hơn 24 triệu lượt truy cập/tháng) đang chiếm lĩnh thị trường, tiếp theo là Facebook. Ở khu vực thương mại điện tử B2C, Lazada vẫn đứng đầu, trong khi vị trí thứ 2 thuộc về Tiki.vn, sau đó là sendo.vn, Hotdeal, Nhom Mua...

Dung lượng thị trường thương mại điện tử năm 2015 của Việt Nam vào khoảng 4 tỷ USD, không bao gồm hoạt động C2C trên Facebook. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay dung lượng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam chỉ ở vào khoảng 500 triệu USD, dựa trên thống kê giao dịch thực từ các trang phổ biến. Tuy nhiên, ở giai đoạn này các nhà đầu tư vẫn rất muốn đổ vốn vào lĩnh vực thương mại điện tử ở những thị trường đã phát triển như Nhật Bản (dung lượng 106,5 tỷ USD) hay Mỹ (giá trị thị trường đạt 341,7 tỷ USD năm 2015), trong khi ở Việt Nam thì nhà đầu tư khá thận trọng.

Ở góc độ nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Dũng bày tỏ, bên cạnh tiềm lực tài chính của đơn vị phát triển sàn thương mại điện tử, cách quản lý, xử lý nguồn hàng, đơn hàng giữa người bán và người tiêu dùng cũng là những yếu tố để nhà đầu tư xem xét bỏ vốn. Tại các quốc gia thương mại điện tử phát triển mạnh, việc quản lý nguồn hàng, đơn hàng của các đơn vị quản lý sàn rất chặt chẽ nên tỷ lệ hủy đơn hàng thấp.

Ngược lại, với các trang thương mại điện tử ở Việt Nam, có trường hợp sở hữu nhiều đơn hàng nhưng nguồn hàng của bên bán không đáp ứng hoặc thời gian xử lý chậm, giá niêm yết không đúng với giá thật cũng đẩy tỷ lệ hủy bỏ giao dịch lên cao. Tình trạng này nếu diễn ra thường xuyên sẽ dẫn đến việc sàn thương mại điện tử bị mất uy tín, thậm chí đóng cửa.

Song, nói vậy không có nghĩa các loại hình thương mại điện tử (dạng B2C) đều “bít cửa”. CyberAgent Ventures cho rằng, các trang web đặt phòng khách sạn, vé máy bay trực tiếp quản lý đơn hàng (cũng được hiểu là B2C) như Agoda, Mytour, Chudu, Yesgo hoặc Vexere, cũng là mảng rất tiềm năng.

Riêng sự tham gia của các doanh nghiệp lớn vào lĩnh vực thương mại điện tử như Aeon, Lotte hay trong nước là Vingroup, theo các quỹ đầu tư nên được nhìn nhận là cách mở rộng kinh doanh. Bởi nền tảng của những “ông lớn” này là bán hàng trực tiếp qua các siêu thị, trung tâm thương mại. Còn sàn thương mại điện tử trước mắt là kênh bổ trợ, nhằm tăng giá trị cộng thêm cho hoạt động bán hàng của các kênh bán lẻ cho chính doanh nghiệp phát triển.

Do vậy, trong ngắn hạn những doanh nghiệp lớn này không bị áp lực về việc lãi lỗ từ mảng kinh doanh trực tuyến. Hơn nữa, với tiềm lực tài chính dồi dào (thậm chí không cần sự hỗ trợ vốn từ các quỹ đầu tư) và kinh nghiệm phát triển nền tảng mua sắm này ở nhiều thị trường, các tập đoàn bán lẻ là “thế lực” mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, thay vì chỉ là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp có ưu thế về nền tảng công nghệ.

- Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA), năm 2015, giá trị mua hàng trực tuyến của một người ước đạt 160 USD, tăng hơn 15 USD so với năm 2014. Ngoài ra, giá trị thị trường thương mại điện tử B2C đạt khoảng 4,07 tỷ USD và dự kiến đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tiếp theo.

- Tính đến cuối năm 2015, số lượng website thương mại điện tử (website khuyến mãi trực tuyến, đấu giá trực tuyến, bán hàng trực tuyến…) đã được xác nhận thông báo, đăng ký đạt hơn 10.000 trang.

- Năm 2015, điện thoại di động là phương tiện phổ biến được nhiều người sử dụng để truy cập internet nhất, chiếm 85%, tăng 20% so với năm 2014. Máy tính xách tay là phương tiện phổ biến thứ 2 để truy cập internet với 73% người lựa chọn.

- Theo kết quả khảo sát của VECITA (với sự tham gia của 967 cá nhân có truy cập internet trong phạm vi cả nước, độ tuổi từ 25 - 34), hình thức mua hàng trực tuyến qua website bán hàng hóa/dịch vụ được lựa chọn nhiều nhất với 76% người trả lời khảo sát cho biết đã từng mua hàng bằng hình thức này. Tỷ lệ người từng mua hàng qua các diễn đàn, mạng xã hội tăng từ 53% năm 2014 lên 68% năm 2015. Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu, với 90% số người mua hàng trực tuyến được khảo sát, chỉ khoảng 20% là sử dụng thẻ tín dụng.

- Những trở ngại khi mua sắm trực tuyến năm 2015: trước hết là sản phẩm chất lượng kém so với quảng cáo, tiếp theo lần lượt là giá cả, dịch vụ giao nhận và vận chuyển còn yếu, mất thông tin cá nhân, website thiết kế chưa chuyên nghiệp, cách thức đặt hàng trực tuyến rắc rối…

>

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại điện tử - "cuộc chơi" trường vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO