Nguồn lợi ích to lớn
Ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Trong những năm qua, năng lượng mặt trời đã phát triển rất mạnh. Tính lũy kế đến ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đạt 19.400MW. Trong đó, năng lượng mặt trời áp mái cũng đã phát triển rất nhanh, với trên 100.000 công trình trong hai năm 2019-2020. Riêng trong năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 10,6 tỷ KW, trong đó điện mặt trời mái nhà đạt 10,6 tỷ KW. Đây là một tỷ lệ rất cao. Tính chung lại, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời chiếm 25% tổng công suất phát điện của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước được đánh giá đi đầu Đông Nam Á về tỷ trọng lắp đặt".
Ông Thành cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu gặp nhiều biến động do chiến tranh Nga - Ukraine, việc phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu một phần rủi ro từ thị trường. Hơn thế, phát triển mô hình này cũng giúp nước ta theo kịp xu hướng "sản xuất xanh" mà thế giới đang hướng đến. Khi sử dụng năng lượng tái tạo thay cho năng lượng hóa thạch, doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm xã hội của mình với môi trường sống.
Theo chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến, điện công nghiệp đang có giá thấp nhất nhưng sản lượng lại chiếm nhiều nhất. Nếu các khu công nghiệp có nguồn điện mái nhà tại chỗ sẽ giải quyết được phần lớn nhu cầu, từ đó hạn chế tăng giá điện bán lẻ.
Cùng quan điểm điện mặt trời mái nhà là một mô hình hữu ích cho các doanh nghiệp sản xuất, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ông đã động viên khuyến khích các nhà máy lắp đặt điện mặt trời mái nhà vì đây là một trong những chuẩn mực, tiêu chí để đánh giá khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình này, doanh nghiệp không thể vội vàng mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm nhà tư vấn và lắp đặt uy tín để đảm bảo chất lượng và hiệu quả mang lại.
Ông Trần Ngọc Long - Giám đốc Phát triển Kinh doanh CME Solar cũng chia sẻ, hiện nay có hai hướng triển khai điện mặt trời áp mái: tự đầu tư và kêu gọi tự đầu tư. Ông Long lưu ý các doanh nghiệp nên cân nhắc tỷ suất sinh lời từ mô hình năng lượng tái tạo so với lợi nhuận kinh doanh để chọn hướng triển khai phù hợp. Doanh nghiệp nên để những nhà đầu tư về năng lượng tái tạo tư vấn và cung cấp, không nên tự làm vì tốn thời gian và nhiều rủi ro. Khi đã có lựa chọn, doanh nghiệp phải có những xem xét kỹ lưỡng, chọn nhà đầu tư, đơn vị thi công lắp đặt có uy tín, tránh tin vào những lời quảng cáo hoành tráng.
Cần giải pháp bền vững
Mặc dù Chính phủ đã có những ban hành khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng và sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ bất cập chính sách.
Theo ông Thành, việc phát triển điện mặt trời áp mái đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn điện, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi giá năng lượng tăng cao và nguy cơ có thể thiếu điện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xu hướng chung của thế giới là "sản xuất xanh", nhất là đối với các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may... Việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy tiêu chí này, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch VCCI cũng nhận định vẫn còn nhiều trở ngại mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà cung ứng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà đang gặp vướng mắc như về giấy phép, phòng cháy chữa cháy... dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Do đó, rất cần các cơ quan, ban ngành cũng như chuyên gia, doanh nghiệp tham gia đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Ông Đào Du Dương - Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP.HCM cho biết: "Do sự không đồng bộ giữa cơ chế quản lý nhà nước và sự phát triển nhanh chóng của ngành năng lượng tái tạo nên Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ cho phép phát triển các dự án điện mặt trời tự dùng, có phụ tải tại chỗ mà không cho đẩy lên lưới. Điều này dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận do chi phí cao và khả năng thu hồi vốn thấp.
Đồng ý kiến trên, ông Vũ Đức Giang cho biết hiện nay ngành dệt may đang đứng trước những thách thức về phát triển đi đôi với tăng trưởng bền vững, tăng trưởng sinh hóa khi hiện nay các hiệp định thương mại quốc tế đòi hỏi càng nhiều; áp lực trong các chuẩn mực đánh giá sản phẩm với chuẩn mực thân thiện môi trường ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ và EU; áp lực liên quan đến giải pháp của doanh nghiệp khi đầu tư vào các hạ tầng cơ sơ của các nhãn hàng khi không đạt các chuẩn mực đánh giá, trong đó có liên quan đến năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời; thách thức liên quan đến chuỗi cung ứng thâm hụt, nan giải nhất là vấn đề tái tạo nguồn nước cho dệt nhuộm; áp lực khả năng tài chính để đầu tư vào năng lượng tái tạo; áp lực kiểm tra từ các cơ quan môi trường địa phương.
Do đó, ông Giang cũng kiến nghị Chính phủ tạo ra cơ chế đồng nhất giữa các địa phương về quản lý mạng điện áp mái. Ngoài ra, ông cũng kiến nghị Bộ Công Thương ban hành mức giá hợp lý để đầu tư và thi công điện áp mái cho doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi sâu vào sử dụng năng lượng mặt trời áp mái. Đồng thời cũng cần có những giải pháp để tái sử dụng hoặc xử lý đúng cách các tấm pin mặt trời trong tầm nhìn sử dụng 10 năm hay 20 năm.
Cũng theo ông Long, Chính phủ nên ban hành chính sách theo hướng nhất quán, phù hợp với thực tế, có tính ổn định dài lâu và tránh tình trạng thay đổi liên tục gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cũng kiến nghị thêm về phía Nhà nước nên có những cơ chế cụ thể, quy định và hướng dẫn rõ ràng ngay từ đầu, ví dụ như khâu cấp giấy phép xây dựng và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.