Sản xuất thông minh: Bài toán không nằm ở công nghệ

Anh Tuấn| 29/09/2022 05:00

Sản xuất thông minh (Smart Manufacturing) đang là xu hướng tối ưu quá trình sản xuất nhờ áp dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại quá trình chuyển đổi số tại các nhà máy sản xuất ở Việt Nam đang diễn ra rất chậm.

Sản xuất thông minh: Bài toán không nằm ở công nghệ

Thế nào là sản xuất thông minh?

Mới đây, tại diễn đàn "Cách tân công nghiệp - Industry Innovation Forum 2022" được tổ chức tại TP.HCM với sự tham dự của hơn 600 đơn vị, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia hàng đầu về sản xuất và đổi mới sáng tạo đều đồng tình rằng cần phải đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất theo hướng thông minh, hiện đại để tối ưu được sản xuất. Tuy nhiên, muốn đi sâu vào nâng cấp, thông minh hóa sản xuất thì phải hiểu được đúng nghĩa sản xuất thông minh là gì. Việc hiểu đúng và đầy đủ về các hình thái của sản xuất thông minh và năng lực doanh nghiệp khi so sánh với mức độ phát triển của lĩnh vực này trên thế giới là rất quan trọng.  

Theo TS. Trần Viết Huân - Chủ tịch CIO Vietnam, CTO SonKim Group, sản xuất thông minh phải cho biết được điều gì đang xảy ra tại các nhà máy của mình và lý giải được nguyên nhân tại sao nó lại diễn ra như vậy, tức là phải giải thích được lý do nếu có lỗi phát sinh trong quá trình sản xuất, đây là hai mức độ cơ sở nhất. Ở mức độ thứ ba, sản xuất thông minh cũng phải biết dự báo điều gì sẽ xảy ra. Và cấp độ thông minh nhất là hệ thống phải biết tự điều chỉnh dựa trên quá trình sản xuất. Ông Huân cho biết,  sản xuất thông minh tại Việt Nam hiện nay "chưa biết được đầy đủ toàn bộ câu chuyện xảy ra cho nhà máy của mình, hay chúng ta không thể biết được cục bộ từng phần cho bức tranh chung tổng thể những gì đang xảy ra. Đó là lý do vì sao tôi nói chúng ta chưa đạt được sản xuất thông minh".

Đồng tình với ông Huân, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân lấy ví dụ về sản xuất thông minh của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Theo đó, nhiều người vẫn nghĩ sự thông minh của tập đoàn này nằm ở các nhà máy sản xuất "không người". Nhưng thực chất, bí mật về sự thông minh không phải là những nhà máy "không người" mà là Samsung có khoảng 60 nhà máy như thế trên toàn thế giới. Các nhà máy này được kết nối với nhau và dùng AI, Big Data để phân tích nhu cầu, diễn biến và dự đoán xu hướng để tối ưu các nguồn lực đầu tư của mình.

Ngược lại, ông Bùi Tiến Dũng - Trưởng phòng cao cấp bộ phận phát triển công nghệ Tập đoàn Adidas lại cho rằng, không có một định nghĩa về sản xuất thông minh. "Tôi cho rằng không có một định nghĩa Smart Manufacturing đúng nghĩa, có lúc có người, có lúc không người, có lúc tự động hóa, có lúc số hóa".

Ở góc nhìn khác, ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM lại cho rằng để hiểu rõ sản xuất thông minh là gì thì phải hiểu triết lý thương hiệu đằng sau đó. Theo đó, thông minh phải bao gồm câu chuyện "thông" và "minh", mà thông thường "thông" thì đi mua công nghệ về, còn "minh" thì phải tư duy và "minh" đó phải gắn với chiến lược công ty, không gắn với công nghệ.

Những ẩn số của bài toán sản xuất thông minh

Nói đến thông minh, ai cũng kỳ vọng về một tương lai sáng sủa, mọi quy trình sản xuất đều được tối ưu tốt hơn. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ rằng bài toán sản xuất thông minh không phải cứ muốn giải quyết là áp dụng công nghệ hiện đại là làm được. Bản thân công nghệ không phải là một thứ phép màu mà chỉ cần đưa vào là doanh số sẽ tăng lên. Theo các chuyên gia, công nghệ chỉ là yếu tố "cần" chứ không phải yếu tố "đủ” để chuyển đổi quá trình sản xuất, mà xa hơn phải tính đến các yếu tố khác, đặc biệt là thị trường và nguồn nhân lực

Theo ông Lê Trí Thông, câu chuyện sản xuất thông minh không phải lúc nào cũng là giải bài toán công nghệ. Từ thực tiễn cá nhân, ông Thông cho rằng chiến lược để thông minh hóa nhà máy thì phải đi theo chiến lược chung. Tức là phải giải bài toán liên quan đến thị trường trước khi giải bài toán công nghệ, bài toán sản xuất. "Nếu doanh nghiệp chỉ có một phân khúc rất nhỏ thị trường thì áp dụng sản xuất thông minh lại không đạt được tính kinh tế và quy mô”. 

Bên cạnh bài toán về thị trường và vốn, nhân tố con người chính là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số trong sản xuất. Theo các chuyên gia, bài toán con người bao gồm nhiều yếu tố như niềm tin, tầm nhìn, yếu tố lãnh đạo, xây dựng gắn kết nội bộ... Các chuyên gia cũng thống nhất về nhu cầu nâng cao chất lượng nhân sự để có thể đáp ứng được yêu cầu vận hành hoạt động sản xuất thông minh và cách tân các ngành công nghiệp. 

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy dẫn lại câu chuyện từ giúp chuyển đổi số trong ngành gỗ cách đây hai năm. Khi đó, bà cố vấn cho việc tập trung xây dựng CIO Network (mạng lưới kết nối các giám đốc công nghệ thông tin) tập trung vào những con người chủ chốt trong chuyển đổi số của ngành gỗ để "CIO hiểu được ông chủ tịch và giám đốc, nếu không ông này nói ông kia bác bỏ thì chẳng được gì”. 

Tầm nhìn của người lãnh đạo cũng đóng vai trò định hình và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong nhà máy. Người lãnh đạo phải hiểu rõ tại sao cần chuyển đổi số, tại sao cần sản xuất thông minh thì mới có thể bắt đầu thay đổi được. Bà Ngọc Thủy cho biết thêm: "Tất cả mọi thứ đến từ người lãnh đạo, nếu như tư duy của người lãnh đạo không rõ ràng về bài toán, không thấy rõ đâu là cách thức để duy trì và có sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay thì mọi chuyện chỉ là hô hào khẩu hiệu".

Bổ sung quan điểm về yếu tố con người, ông Bùi Tiến Dũng lại cho rằng nguồn gốc đổi mới sáng tạo phải đến từ những người công nhân sản xuất, chứ không phải những người ở vị trí quản lý. Vì thực chất mô hình đổi mới sáng tạo trong sản xuất phải đi từ dưới lên, chứ không phải từ trên xuống.  

Ngoài ra, để thông minh hóa dây chuyền sản xuất cũng cần phải có quy trình, lộ trình chuyển đổi cụ thể và phải biết cân bằng giữa các nguồn lực sẵn có. Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đổi mới của Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO), ông Phạm Văn Tài cho biết hệ thống quy định, quy trình phải được cải tiến thường xuyên để phù hợp với sự chuyển đổi về công nghệ và quản trị; hạ tầng công nghệ thông tin phải được quy hoạch bài bản, có lộ trình đầu tư phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số; nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số phải có năng lực số và năng lực quản trị, được đào tạo bài bản và trang bị các kiến thức về số hóa và khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Quan điểm của chúng tôi là áp dụng công nghệ phải phù hợp với quy mô, trình độ và xu thế của thời đại và áp dụng chuyển đổi số với lộ trình phù hợp thực tiễn sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu trải nghiệm của khách hàng", ông Tài chia sẻ thêm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sản xuất thông minh: Bài toán không nằm ở công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO