Kiều bào đóng vai trò "cầu nối" giúp hàng Việt Nam vươn ra thế giới

Tâm An| 29/06/2023 01:40

Để hàng Việt Nam tiếp cận khách hàng Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, doanh nghiệp cần kết nối và gắn kết được với các đầu mối là cá nhân, doanh nghiệp kiều bào tại mỗi thị trường, đồng thời các cơ quan nhà nước cũng cần triển khai những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Kiều bào đóng vai trò

Chiều 28/6, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức Hội nghị “Vai trò cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM năm 2023”.  Dự và chủ trì có ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Ấn Độ; Hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Thuỵ Sỹ và tại Anh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam ở khắp mọi nơi trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế và an sinh xã hội thành phố.

Tuy nhiên, trước những khó khăn về kinh tế nói chung như hiện nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới của thành phố tuy có tăng về số lượng, nhưng lại giảm về vốn đăng ký (so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 19%); thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 37,1%), thành phố đã nỗ lực, tập trung chỉ đạo để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Quang cảnh hội nghị “Vai trò cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP.HCM năm 2023”

Toàn cảnh hội nghị

Vì thế, qua hội nghị này, thành phố mong được nghe kiều bào, doanh nghiệp, đóng góp thêm các ý kiến, hiến kế, đề ra những giải pháp cần thiết để đẩy mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Được biết, thành phố đã ban hành các Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024” và Đề án của Chính phủ về “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”.  Điều đó khẳng định, TP.HCM luôn đề cao vai trò quan trọng của các hội đoàn, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh thành phố cần thiết phục hồi nền kinh tế sau nhiều năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cũng kêu gọi cộng đồng kiều bào ở trong và ngoài nước, các hội, đoàn doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham dự trực tiếp và trực tuyến hội nghị, tiếp tục quan tâm, chia sẻ đầy trách nhiệm, đóng góp những ý kiến chân thành, thẳng thắn và tâm huyết để đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chung tay xây dựng TP.HCM đạt được những mục tiêu mà Bộ Chính trị và Quốc hội đặt ra cho TP.HCM. 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều điểm cầu trên thé giới

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều điểm cầu trên thé giới

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã có ý kiến về vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước; các sở, ban, ngành thành phố; doanh nhân người Việt ở nước ngoài trong việc kết nối, hỗ trợ, xúc tiến thương mại đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài; một số quy định mới của các nước, nhất là thị trường châu Âu liên quan đến xuất, nhập khẩu trong năm 2023.

Theo ông Phạm Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, hàng Việt Nam hiện phần lớn đang xuất khẩu theo các hãng nước ngoài mà thiếu kênh nhập khẩu từ các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ, Hoa Kỳ (hơn 330 triệu dân) hiện là thị trường tiềm năng của hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, hàng Việt Nam vẫn chưa tiếp cận sâu rộng được thị trường này, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các thỏa thuận ghi nhớ đã ký kết giữa hai nước, tận dụng tiềm năng thị trường các khu vực có đông người Việt sinh sống, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của người Việt, nhất là các bang có thế mạnh của người Việt tại Hoa Kỳ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phú Hòa - Đại diện Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Úc cho rằng, để thâm nhập vào thị trường Úc, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc cần thúc đẩy triển khai đa dạng các chương trình xúc tiến thương mại, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để quảng bá tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam như nông sản, hàng dệt may, trái cây.

Ông Danny Võ Thành Đăng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trả lời phỏng vấn sau chương trình

Ông Danny Võ Thành Đăng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí sau chương trình hội nghị

Ông Danny Võ Thành Đăng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, muốn vận động người Việt Nam ở nước ngoài dùng hàng Việt Nam thì phải “có hàng” Việt Nam ở nước ngoài trước. Điều này cần có những chính sách, lộ trình, thậm chí các chương trình tư vấn cho doanh nghiệp Việt “gánh hàng” ra thế giới một cách thuận lợi nhất. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần có những “đội gác cổng” để đảm bảo sản phẩm và dịch vụ Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài đảm bảo được chất lượng và giá trị thương hiệu nhằm tạo dựng uy tín bền vững.

Các doanh nghiệp Việt muốn vươn xa ra thế giới cần chủ động kết nối với các đầu mối trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (gần 6 triệu người) thông qua Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các Hội Doanh nhân Việt Nam ở các quốc gia và Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài - TP.HCM để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Trong đó việc chọn mở doanh nghiệp tại Singapore làm “bàn đạp”  cho thương hiệu mang tính quốc tế và kết nối toàn cầu là bước đi chiến lược cần được ưu tiên.

Trong vấn đề chống hàng giả, Luật sư Nguyễn Tri Thắng - Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả (ACF) nhấn mạnh, thành phố cần thiết lập đường dây nóng phản ánh các sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái hoặc bị xâm phạm sở hữu trí tuệ; phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp thông tin, xử lý các vấn đề liên quan đến hàng giả; tổ chức công bố những mặt hàng đang bị làm giả để người tiêu dùng được biết…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiều bào đóng vai trò "cầu nối" giúp hàng Việt Nam vươn ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO