Sau hơn 3 năm thí điểm triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái tại 3 khu công nghiệp thuộc tỉnh Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ, 72 doanh nghiệp tham gia chương trình này đã áp dụng các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), giúp tiết kiệm hằng năm tương ứng 75 tỉ đồng thông qua việc cắt giảm 17,8 triệu kWh điện, 429.000 m3 nước và một số lượng đáng kể các nguyên nhiên vật liệu khác... Chẳng hạn, khói nóng từ nhà máy sản xuất thép có thể được tái sử dụng cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may để là ủi vải.
Bằng công nghệ tiên tiến, các chất thải từ sản xuất đều có thể được tái sử dụng cho việc khác, không gây ô nhiễm môi trường, song quan trọng nhất là sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm phát thải. Bên cạnh đó, lợi ích môi trường cũng chứng minh hiệu quả khi giảm được 24,89 tấn CO2, 4 tấn hóa chất, 3.335 tấn rác thải rắn và 429.000 m3 nước thải mỗi năm...
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ kinh tế Địa phương và Lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, dự án đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về khu công nghiệp sinh thái, thúc đẩy các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn,... Từ hiệu quả của chương trình thí điểm, sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn quốc, đáng chú ý là chuyển đổi những khu công nghiệp hiện nay thành khu công nghiệp sinh thái.
Tại Hội nghị, các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao việc lần đầu tiên Việt Nam có thể chế, chính sách về phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái. Trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí khu công nghiệp sinh thái và phân công trách nhiệm của các Bộ ngành trong việc hướng dẫn phát triển khu công nghiệp sinh thái. Trong phần khảo sát ngay tại chỗ, hơn 88% đại biểu tham dự cho biết có mong muốn được tìm hiểu kỹ hơn về các cơ chế, chính sách, nội dung, tiêu chuẩn của khu công nghiệp sinh thái.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 326 khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp đang gây ra nhiều thách thức đối với môi trường và sức khỏe con người.
Trong đó, khoảng 13% các khu công nghiệp đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải, 20% chất thải công nghiệp là chất thải nguy hại. Phần lớn các khu công nghiệp sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát thải bẩn và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh khu công nghiệp.
Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam đã nhận được khoản viện trợ không hoàn lại là 4,5 triệu USD từ Quỹ môi trường toàn cầu, Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và UNIDO.
Mô hình khu công nghiệp sinh thái thực ra đã được triển khai mạnh mẽ tại các nước phát triển ở châu Âu, Châu Á mạnh nhất có thể kể đến Hàn Quốc, còn lại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia cũng có triển khai, tuy nhiên chưa thành công do các doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư và chi phí đầu tư quá lớn.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp đã và đang tạo ra nhiều thách thức, đặt ra yêu cầu cấp bách cần giải quyết là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân xung quanh.
Đặc biệt, nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả, nhiều giải pháp sản xuất sạch chưa được ứng dụng, mối liên kết cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc giữa các khu công nghiệp còn hạn chế, các dịch vụ trong khu công nghiệp chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao…
Đại diện một số tổ chức quốc tế đánh giá, đây là dự án đa lĩnh vực công nghiệp đầu tiên của Việt Nam được tài trợ. Dù còn nhiều khó khăn, rào cản, song trong bối cảnh chung, những kết quả đạt được tại Việt Nam được đánh giá khá cao.
Không chỉ câu chuyện giảm lượng chất thải ra môi trường, đa số các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn mô hình sinh thái này bởi nó là một trong những điểm mạnh giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ra thế giới, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch.
Giáo sư Heinz Leuenberger, Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sĩ nhận xét, Việt Nam đang dần chuyển đổi mô hình mới về tăng trưởng và phát triển kinh tế khép kín. Hiệu quả tài nguyên và mô hình sản xuất sạch tại các nước đang phát triển phát triển cần chuyển đổi, trong đó có Việt Nam. Đây cũng chính là nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.