Tự hào là một người Việt thông minh

ĐẶNG QUÝ YÊN| 15/07/2010 09:10

Tạo lập doanh nghiệp ở Nhật rồi trở về Việt Nam thành lập “hậu phương”, con đường xây dựng sự nghiệp của Hồ Huy Cường, Giám đốc VTM Corporation, là một vòng tròn mà đích đến lại là sân nhà.

Tự hào là một người Việt thông minh

Tạo lập doanh nghiệp ở Nhật rồi trở về Việt Nam thành lập “hậu phương”, con đường xây dựng sự nghiệp của Hồ Huy Cường, Giám đốc VTM Corporation, là một vòng tròn mà đích đến lại là sân nhà.

Tỏa sáng nơi đất khách

Rời Việt Nam ngay khi còn chưa hoàn tất chương trình đại học tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM để theo học chuyên ngành điện tử tại University of Electro - Communication ở Tokyo, trong mắt mọi người Hồ Huy Cường là một kẻ phung phí thời gian.

Nếu như chuyên tâm học hết đại học rồi du học cao học, chắc chắn sẽ không phải đến tận năm 2002 Cường mới hoàn thành luận án thạc sĩ, mà là trước đó. “Đã quyết tâm học ở xứ người, dù biết là mất thời gian nhưng tôi vẫn chọn cách học từ gốc”, Cường giải thích cho những quyết định của mình.

Cẩn trọng trong học tập là thế, nhưng với việc hoạch định tương lai, Cường lại là người nhanh nhạy và giỏi nắm bắt thời cơ. Hoàn thành chương trình cao học, Cường đầu quân về Trung tâm Nghiên cứu Network của Tập đoàn Furukawa tại Nhật để học hỏi kinh nghiệm. Gần ba năm sau, nhận thấy khả năng của mình có thể đáp ứng được công việc, anh mạnh dạn mời một người bạn cùng mình thành lập công ty.

“Dự án đầu tiên VTM thực hiện được vào lúc còn chưa có giấy phép thành lập công ty”, Cường tiết lộ. Anh cho biết, đó cũng là dự án liều lĩnh nhất của mình bởi yêu cầu mà đối tác đưa ra là phải hoàn thành một trò chơi lái tàu điện cho điện thoại di động chỉ trong vòng một tháng, thời hạn được xem là kỷ lục với các công ty viết phần mềm.

Anh chia sẻ: “Đặc thù của ngành thiết kế phần mềm cho điện thoại là khó và nhanh nên rất ít người chịu đi theo ngành này. Tôi quyết định lấy đặc điểm ấy làm lợi thế cạnh tranh cho mình”. Dũng cảm chọn con đường khó đi, VTM nhanh chóng tìm được khách hàng. Trong đợt xét thưởng thương mại của thành phố Kawasaki, VTM bất ngờ trở thành đơn vị đoạt giải thưởng này nhờ khả năng triển khai tốt các sản phẩm trên điện thoại di động.

Mới đây, Cường khoe với tôi phần mềm tạo nên ảnh đa chiều cho một sản phẩm phục vụ cho nhu cầu bán hàng của các trang web thương mại điện tử. Anh bảo, ngay từ khi mới ra đời, phần mềm này đã được các công ty Nhật Bản nhiệt tình đón nhận đến mức việc xử lý gần như quá tải với nhân lực đang làm việc tại VTM. Tuy nhiên, các công ty phần mềm Nhật lại có tâm lý luôn hướng đến những đơn vị gia công ở nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam...

Nhận thấy việc phát huy tài năng, trí tuệ người Việt tại quê nhà là thế mạnh lớn, Hồ Huy Cường mạnh dạn trở về Việt Nam sau hai năm lập nghiệp ở xứ người. VTM - ba chữ cái đầu của cụm từ “Việt Thông Minh” mà Cường chọn để đặt tên cho doanh nghiệp của mình chính thức có mặt tại Việt Nam với hai nhánh: VTM Vietnam là công ty sản xuất phần mềm, gánh việc cho công ty mẹ tại Nhật Bản, đồng thời là cái nôi đào tạo nhân lực chuyên ngành công nghệ thông tin; nhánh còn lại, VTM-Mobile, đảm đương việc triển khai dịch vụ ứng dụng trên điện thoại di động.

“Tôi muốn kết hợp công nghệ nước ngoài với trí tuệ của người Việt để tạo nên những sản phẩm vượt trội phục vụ đời sống”, Hồ Huy Cường khẳng định. Một trong những thành phẩm của sự kết hợp đó là dịch vụ xem truyện tranh trên điện thoại di động do VTM tiên phong cung cấp.

Dìu bước người sau

Nhìn lại con đường đã qua của mình, Hồ Huy Cường có một nhận xét khá buồn cười. Anh bảo, quá trình khởi nghiệp của anh có thể đặt tên là “kinh doanh bằng sự ngây thơ và cần cù”, bởi anh luôn nói “không” với vay mượn để làm giàu, chỉ ra sức làm việc, tích lũy để có vốn mở công ty, rồi lấy lãi của công ty để triển khai những kế hoạch mới.

Hồ Huy Cường (bìa phỉa) tham gia Mùa Hè sáng tạo tại Việt Nam

Ngay cả khi về Việt Nam, dù là “sân nhà” nhưng anh vẫn giữ quan điểm này. Không đủ vốn, anh tìm thêm khách hàng, gia công đến khi nào có vốn mới làm. “Đôi lần, tôi nuối tiếc về quãng thời gian ấy nhưng nghĩ lại, tuy cách đó làm chậm sự phát triển của Công ty nhưng bù lại, nó tạo nên những bước tăng trưởng chắc chắn”, Cường tâm sự.

Khắc phục nhược điểm của mình, Cường khoe, anh đang bắt đầu làm việc với ngân hàng, thu hút các quỹ tín dụng đầu tư để khuếch trương VTM, dù điều này cũng khiến anh ít nhiều lo sợ. “Đã đến lúc phải mạnh mẽ hơn”, Cường bày tỏ quyết tâm.

Trong những buổi họp mặt của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay vẫn thấy Hồ Huy Cường xuất hiện, đồng hành cùng những bạn trẻ. Không còn giữ vai trò hội trưởng, bây giờ anh là cố vấn, lúc nào cũng sẵn sàng tham dự những cuộc gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm sống, học tập và thành công trên đất khách cho thế hệ sau, dù công việc lúc này đã chiếm trọn thời gian của anh.

“Tôi đã mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu và trang bị kinh nghiệm cho mình nên không muốn những người bạn trẻ của tôi bây giờ cũng bị thiệt thòi như vậy. Họ cần có thời gian khai phá thêm những cái mới tại Nhật Bản để cống hiến khi trở về”, Hồ Huy Cường giải thích.

Không dừng lại ở việc chia sẻ, bằng mối quan hệ của mình, Cường không ngừng tìm kiếm các nguồn học bổng mang về cho Đại học Bách Khoa TP.HCM, cái nôi đào tạo kỹ sư công nghệ, với mong ước sẽ có nhiều sinh viên có cơ hội sang nước ngoài lĩnh hội kiến thức.

Mới ngoài 30 tuổi, mang trong lòng khát vọng chứng minh sự thông minh của người Việt với thế giới, anh còn muốn vẫy vùng nhiều. Tất nhiên, Cường còn rất nhiều thời gian để thực hiện khát vọng đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tự hào là một người Việt thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO