NTK Châu Phạm - "chân dài" xa showbiz

ĐẶNG QUÝ YÊN| 03/07/2015 06:53

Nếu không mạnh dạn với ước mơ của mình, có lẽ phía trước cái tên Châu Phạm hiện giờ đã không có chức danh nhà thiết kế.

NTK Châu Phạm -

Nếu không mạnh dạn với ước mơ của mình, có lẽ phía trước cái tên Châu Phạm hiện giờ đã không có chức danh nhà thiết kế. Sang Mỹ học quản trị kinh doanh, cô gái trẻ Phạm Dương Bảo Châu ngày ấy chỉ mong sao cho tròn vẹn giấc mơ của cha mẹ. Quyết định rẽ ngang có nhiều ray rứt nhưng hoàn toàn xứng đáng bởi chỉ có như vậy, cô mới tìm thấy giấc mơ của chính mình...

Đọc E-paper

Sống với đam mê

Có thể gọi Phạm Dương Bảo Châu là một "chân dài". Sở hữu danh hiệu Á hậu sân chơi sắc đẹp dành cho người Việt tại Mỹ nhưng Phạm Dương Bảo Châu không tham gia showbiz mà lui về với đời sống thường nhật.

"Cha mẹ tôi không ủng hộ tôi tham gia vào các hoạt động nghệ thuật mà muốn con gái sớm tiếp quản công việc kinh doanh. Việc tham gia sân chơi sắc đẹp tôi giấu cha mẹ”, Châu chia sẻ.

Đây không phải lần đầu tiên Phạm Dương Bảo Châu làm trái ý cha mẹ. Học kinh tế được 2 năm, Châu quyết định rẽ ngang. Cô ghi danh vào Trường Art Institulte Of California, chuyên ngành thiết kế thời trang. Châu kể: "Đó là quãng thời gian tôi rất hạnh phúc vì được sống với đam mê”.

Trở về nước, quan sát ngành thời trang Việt Nam, Châu tìm thấy ngay cơ hội cho mình. Theo Phạm Dương Bảo Châu, dù đã có rất nhiều thương hiệu quốc tế tham gia nhưng thị trường vẫn còn rất mới, còn rất nhiều "đất" cho thời trang thiết kế.

Ý định xây dựng một thương hiệu của riêng mình thành hình từ đó. Tuy nhiên, dự án này phải tạm gác lại để Châu đón nhận hạnh phúc bất ngờ xây dựng gia đình và làm mẹ. Đáng mừng là những ngày nằm nhà, chăm sóc cô công chúa nhỏ, ước mơ gây dựng thương hiệu Kate, "nick name" của con gái, lại càng mãnh liệt hơn.

Vừa chăm con, Phạm Dương Bảo Châu vừa tập trung vào công việc thiết kế. "Sự khác biệt tạo lợi thế cạnh tranh trong ngành thời trang chính là "gu" của người thiết kế. Nếu xây dựng được linh hồn cho sản phẩm thì người dùng chắc chắn đón nhận", Châu nhận định.

Khi đã có trong tay hơn 50 mẫu thiết kế, Châu mới mạnh dạn triển khai các công tác khác như tìm kiếm đội ngũ nhân sự, tìm địa điểm xây dựng xưởng may, cửa hàng trưng bày... Các bộ trang phục công sở, dạo phố, dạ tiệc... đều thể hiện sự phóng khoáng, trẻ trung nhưng vẫn đậm chất thanh lịch, sang trọng.

Cô cho biết, thú vị nhất là khâu tìm nguyên liệu. Xác định con đường của mình là thị trường ngách nên Châu bỏ thời gian săn nguyên liệu ở các chợ vải để có được nguồn vải "không đụng hàng". Đó là loại vải khúc cao cấp, không đại trà, mỗi mẫu nhiều lắm cũng chỉ đủ may 10 sản phẩm.

Mỗi lần tìm được mẫu vải ưng ý cho thiết kế của mình là Châu vui như trẻ được quà. Dần dà Châu xây dựng được quan hệ với các đầu mối nhập vải để có thể không những chọn vải ngay khi những đợt hàng mới vừa về mà còn đặt hàng trước nhu cầu của mình cho các đầu mối tìm giúp.

Kiến thức không bao giờ thừa

Vừa lo việc nhà, vừa quản việc kinh doanh nhưng thời gian không phải là áp lực với Phạm Dương Bảo Châu, bởi cô may mắn được người thân giúp sức. Tốn công sức của Châu nhiều nhất là khâu quản trị con người. Trong đó, việc tuyển dụng đội ngũ thợ may cũng mất hết nửa năm trời.

Theo Bảo Châu, thợ may ở Việt Nam không thiếu nhưng hầu hết quen với may công nghiệp. Để may những mẫu thiết kế số lượng giới hạn không cho phép cắt, ráp theo khuôn mà phải may nguyên mẫu, đường kim, mũi chỉ phải tinh tế nên không nhiều thợ đảm đương được.

"Các thiết kế của Kate chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thời trang phương Tây nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp riêng đầy nữ tính của phụ nữ Á Đông. Với tôi, thời trang phải thể hiện sự tinh tế trong từng chi tiết", Châu chia sẻ.

Đó cũng là lý do nhà thiết kế này chấp nhận mất thời gian đào tạo lại đội ngũ thợ dù họ đã lành nghề. Cô kể, xưởng may đa phần là phụ nữ, việc quản lý tưởng dễ nhưng hóa ra lại khó bởi những hiềm khích rất dễ xảy ra. Lúc này, những kiến thức quản trị kinh doanh trở thành trợ thủ giúp Châu có thể quản trị nhân lực, có cương, có nhu.

"Thường tôi không trực tiếp xử lý các vấn đề phát sinh mà giao cho quản lý nhưng khi có việc lớn, chúng tôi triệu tập cuộc họp nhân viên để mọi người có thể chia sẻ cũng như nắm được phương hướng phát triển của công ty", Châu tiết lộ. Nhờ vậy mà hiện nay Châu có được bộ máy làm việc khá ăn ý.

Đoán biết xu hướng mua sắm của người dùng hiện nay bị ảnh hưởng khá lớn bởi công cụ quảng bá trên internet, Bảo Châu dùng cả Facebook cá nhân lẫn Fanpage thương hiệu Kate để vừa quảng bá, vừa bán hàng trực tuyến. Nhờ thường xuyên cập nhật các xu hướng thời trang mới trên thế giới nên trang của Kate thu hút được khá đông người theo dõi.

Đó chính là nguồn khách hàng tiềm năng của Kate. Bất ngờ là dù xác định đối tượng khách hàng của Kate ở độ tuổi 20 đến ngoài 30 nhưng những thiết kế của Phạm Dương Bảo Châu cũng được khách hàng 50 đón nhận.

Điều này trở thành động lực để Châu mạnh dạn hơn với dự định đưa vào sản xuất 2 dòng sản phẩm mới, một cao cấp hơn, một phổ thông hơn. Dù đó là 3 dòng sản phẩm hướng đến 3 đối tượng khách hàng có thu nhập khác nhau nhưng chúng luôn phải thống nhất trong tiêu chí sản xuất của Kate là tỉ mỉ, chỉn chu trong từng chi tiết.

Sáu năm ở Mỹ, theo dõi showbiz Việt, Phạm Dương Bảo Châu biết đã có rất nhiều "chân dài" kinh doanh thời trang, rầm rộ khai trương và rồi lặng lẽ thanh lý cửa hàng. Châu không sợ đi vào những vết xe đổ vì tin rằng khi mình bỏ chất xám lẫn đam mê vào kinh doanh, kết quả chắc chắn sẽ phải khác.

>Dịch vụ chăm sóc tân du học sinh

>Nguyễn Hải Ninh và "giấc mơ cà phê"

>Khởi nghiệp trong lòng "ông lớn"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
NTK Châu Phạm - "chân dài" xa showbiz
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO