Ngày hội Cà phê Việt Nam

ĐỨC TIẾN| 22/12/2012 04:26

Không theo đuổi chuyên ngành kinh doanh nhưng Nguyễn Hữu Hiền, sinh viên Khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng về Ngày hội Cà phê Việt Nam với mong muốn quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới.

Ngày hội Cà phê Việt Nam

Không theo đuổi chuyên ngành kinh doanh nhưng Nguyễn Hữu Hiền, sinh viên Khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng về Ngày hội Cà phê Việt Nam với mong muốn quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới.

Đọc E-paper

Xuất thân trong gia đình nông dân, Hiền thấu hiểu nỗi khổ của nông dân: Làm việc quần quật quanh năm suốt tháng nhưng những sản phẩm nông nghiệp tạo ra không tương xứng với giá trị thụ hưởng. Trăn trở cứ thế dồn nén trong lòng chàng trai sinh năm 1991 từ thời còn là học sinh.

Tuy gia đình không trồng cà phê nhưng máu kinh doanh cà phê đã ngấm vào người từ lúc nào không biết. Hữu Hiền chia sẻ: "Tôi học khoa học xã hội nhưng đam mê kinh doanh. Khi còn là sinh viên năm 2, tôi cùng một số bạn định mở quán cà phê bệt ở làng đại học nhưng vì một vài lý do nên chưa thực hiện được".

Ý định làm "ông chủ nhỏ” của Hữu Hiền không vì thế mà tiêu tan. Ngược lại, nó còn vun vén cho hoài bão, khát khao mong muốn tổ chức Ngày hội Cà phê mang đậm chất Việt Nam. Kế hoạch táo bạo của Hữu Hiền đã được triển khai vào ngày 12/12/2012 tại khuôn viên Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.

Chương trình được chia làm ba phần chính: Mạn đàm "Cà phê từ những góc nhìn", cuộc diễu hành xung quanh làng đại học, nghi thức phát động chuỗi sự kiện.

Sau ba sự kiện này là lễ phát động các cuộc thi về cà phê, trong đó có cuộc thi ảnh với tên gọi "Cà phê ba miền", cuộc thi quay video với chủ đề "Tôi yêu cà phê Việt Nam" và cuộc thi sáng tác những ca khúc, vũ điệu về cà phê. Đây cũng là sự kiện chào mừng Festival Cà phê ở Buôn Ma Thuột.

Cuộc thi sẽ là sân chơi để mọi người thể hiện tình yêu đất nước của mình thông qua các tác phẩm, tạo nên sức mạnh văn hóa cà phê Việt, làm thay đổi nhận thức về sức lao động của người nông dân, giúp thế hệ trẻ thấu hiểu giá trị của lao động, từ đó có động lực, khát khao học tập để góp phần phát triển xã hội.

Hữu Hiền ấp ủ: "Chương trình Ngày hội Cà phê Việt Nam không chỉ tôn vinh giá trị cà phê mà còn là nơi để mọi người gởi gắm thông điệp, tấm lòng của mình. Tôi tin nếu đồng lòng, chúng ta sẽ tạo ra những kỷ lục thế giới về cà phê, qua đó nâng cao niềm tự hào dân tộc".

Ngày hội Cà phê Việt Nam được sự ủng hộ nhiệt tình của Trung tâm UNESCO Khoa học Xã hội Nhân văn và cộng đồng, Hãng Phim Sơn An cam kết hợp tác trong dự án cộng đồng kết hợp Zero+. Tuy nhiên, tất cả chỉ trên tinh thần thiện nguyện.

Kinh phí vẫn là vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình. Ngoài ra, các thủ tục hành chính, việc xin giấy phép thực hiện chương trình cũng gặp không ít khó khăn. "Tôi phải đi xin phép, xin giấy xác nhận ở nhiều nơi, thủ tục rất phức tạp", Hữu Hiền chia sẻ.

May mắn cho Hữu Hiền khi kế hoạch vừa hoàn thành trên giấy thì anh tình cờ biết được cuộc hội thảo "Sáng tạo trong cuộc chiến thương trường", chương trình nằm trong khuôn khổ "Ngày hội Sáng tạo vì khát vọng Việt" được tổ chức tại Dinh Thống nhất ngày 23/11/2012.

Và ngay sau phát biểu của Hữu Hiền, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, và một số doanh nhân đã hứa tài trợ cho chương trình. Đó chính là thành công bước đầu của Ngày hội Cà phê Việt Nam.

Nói về thông điệp của ngày hội, Hữu Hiền cho biết: "Ngày hội là hoạt động để tôn vinh giá trị đích thực của cà phê và thay đổi nhận thức của nhiều người về loại nông sản có giá trị cao này. Nếu được tài trợ lâu dài tôi sẽ thực hiện chương trình hằng năm, luôn cải biến để làm chương trình phong phú hơn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày hội Cà phê Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO